Chị Hạnh Dung ơi,
Em 32 tuổi, chồng em 34 tuổi. Vợ chồng em đang trong thời gian ly thân nhưng chưa quyết định ra tòa ly hôn vì còn vướng căn hộ và con gái 5 tuổi.
Con em rất gắn bó với cả cha và mẹ nên thực sự em không muốn bé phải chịu đựng sự mất mát quá sớm. Chồng em đã có người phụ nữ khác, em biết như vậy từ lâu, đó cũng là lý do chính dẫn đến sự tan vỡ. Việc sống ly thân đã kéo dài hơn 4 tháng nay.
Căn hộ được trả góp cho đến cuối năm. Chỉ còn khoảng hơn 7 tháng nữa là vợ chồng em sở hữu hoàn toàn căn hộ, không còn nợ nần, lúc đó có thể tính đến chuyện chia nhà hoặc bán nhà để chia.
Mới đây, nhìn thấy thái độ của anh khi về nhà không còn vui vẻ như trước, em hỏi dò thì được biết người đàn bà đó đã mượn tiền của anh, dụ dỗ anh ký vay ngân hàng một khoản tiền lớn để đưa cho cô ta, bây giờ cô ta trở mặt không trả tiền và muốn cắt đứt quan hệ.
Lẽ ra chuyện này em mặc kệ, không can thiệp, nhưng một lần đi nhậu, chồng em nhìn thấy cô ta cặp với kẻ khác nên gây gổ dẫn đến xô xát rồi bị đánh gãy chân, nằm một chỗ. Em phải chăm sóc chồng mà tức lộn ruột gan. Về mặt lý thì em vẫn chưa ly hôn nên lý do thực sự vì sao chồng bị gãy chân, em vẫn phải giấu. Trong mắt mọi người, chồng em bị tai nạn. Em quá mệt mỏi, căng thẳng khi phải gánh lấy trách nhiệm này.
Em không biết làm sao để thoát khỏi tình cảnh hiện tại.
Tân Hảo (TP.HCM)
Em Tân Hảo thân mến,
Việc chồng em bị lừa tình, lừa tiền rồi còn bị đánh gãy chân có lẽ là một bài học cay đắng đối với anh ấy. Bây giờ, nếu em lên mặt chỉ trích, phân tích, dạy đời… chắc anh ấy cũng phải chịu thôi.
Tuy nhiên, Hạnh Dung nghĩ mỗi lần chê bai, hay thậm chí xỉa xói anh ấy, chắc em cũng mệt mỏi thêm. Lời nói của mình ngày xưa đau một, thì nay đau mười. Thôi thì, kẻ đã ngã ngựa cũng không đáng cho mình gạch đá bồi thêm. Em cũng nên bớt lời nặng nhẹ. Sông có khúc người có lúc, không nên làm tổn thương thêm khi người ta đang trong lúc tuyệt vọng khốn cùng.
Nếu em có thể chăm sóc được thì tốt. Còn nếu không, em có thể thuê một người chăm sóc riêng cho anh ấy. Việc gãy chân hay bó bột, phải nằm một chỗ cũng là việc sẽ qua trong một vài tháng, không đến nỗi phải kéo dài suốt đời.
Nghĩ lại, nếu đây là một người lạ lâm vào hoàn cảnh thương tâm, chắc mình cũng sẽ có chút mềm lòng giúp đỡ, huống hồ đây lại là cha của con gái mình. Việc chăm sóc của em chắc cũng sẽ là những gì đáng nhớ nhất đối với anh ta.
Tạm thời em gác lại chuyện ly thân hay ly hôn, để chăm sóc chồng cho lành lặn đã. Được vậy, tức là mình đã cư xử như một phụ nữ rộng lượng, tốt bụng. Chuyện gì sau này, khi anh ấy khỏe lại, sẽ nói dứt khoát với nhau sau. Tình yêu, dù đã chết đi trong lòng mình, cũng không đến nỗi biến mình thành một người độc ác, quay mặt đi trước nỗi đau của đồng loại.
Trong tương lai, sẽ có hai điều khiến em phải lo nghĩ. Đó là sự phản bội của chồng em và món nợ mà anh ta đã dại dột ký vay cho cô kia. Em cần làm rõ với chồng về khoản nợ đó, em không có trách nhiệm phải trả nợ. Việc này có thể sẽ cất cho em được một gánh nặng trong những ngày tháng phải chăm sóc cho người mà tình cảm của mình đã phai nhạt.
Hết thời gian đau ốm bệnh tật, có lẽ chồng em sẽ nói lời cảm ơn. Người ta nói “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, những hành động chăm sóc giúp đỡ ngày hôm nay có thể là bước đầu tiên cũng là bước khó nhất mà em phải vượt qua. Mong em hãy nhân ái. Điều này, trong đời, sẽ chẳng bao giờ bị phụ đâu em.
|
Tại sao em phải hầu hạ hắn khi đã ly thân? Ảnh minh hoạ |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC Như Nguyễn (Tokyo, Nhật Bản): Tình hết nhưng nghĩa còn Tôi vừa xong thủ tục ly hôn. Dù rất buồn nhưng tôi vẫn thấy mình quyết định đúng. Đàn ông khi đã ôm trong tay một người phụ nữ khác, chắc chắn họ chẳng còn tôn trọng vợ và thương con nữa rồi. Vì hai con người ấy, nếu đủ sức mạnh, đã kịp dừng lại trước những cám dỗ thường tình. Chúng tôi cũng có tài sản chung. Tôi đã rất rạch ròi mọi thứ. Nếu là tôi, có lẽ tôi sẽ chăm sóc anh ta một thời gian vì dù sao cũng là tình nghĩa vợ chồng bấy lâu, dù anh ấy thực sự không đáng nhận được sự chăm sóc này. Trong thời gian đó, bạn có thể trò chuyện thẳng thắn với anh ấy về khoản nợ của anh, đồng thời đề nghị anh nên sớm thanh toán trước khi ra tòa để tránh rắc rối. Về con cái, tôi cũng tâm sự với con. Nay, khi con còn nhỏ, tôi nói rằng “tạm thời mẹ con mình sẽ ở riêng nhà vì ba bận việc”. Tôi tin rằng từ từ lớn lên con sẽ hiểu. Niềm vui không chỉ nằm ở sự đủ đầy Việc của bạn bây giờ là rạch ròi mọi thứ. Nếu đã quyết ly hôn thì ly hôn. Bây giờ phải tìm cách bước ra khỏi những mệt mỏi đau lòng mới dễ chịu được, bạn ạ. Trước mắt, căn hộ đang trả góp vẫn bán được. Nếu muốn chia tài sản thì bán hoặc vợ chồng bạn có thỏa thuận riêng nào đó. Theo tôi, điều này không là trở ngại cho việc ly hôn. Về món nợ của chồng bạn, theo tôi biết, nếu vay ngân hàng mà không có thế chấp thì không hẳn là món vay quá lớn. Vì chỉ có mình chồng bạn ký vay, chứ nếu không, bạn với danh nghĩa là vợ đã phải đồng ký vay. Nhưng trước tòa, đây cũng là nghĩa vụ trả nợ của bạn. Vậy nên trước khi ly hôn, chồng bạn phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ này. Tôi nghĩ, bạn cần tính toán để không ảnh hưởng đến tài chính chung hiện tại. Quan trọng nhất bây giờ là con bạn. Thực sự con cái luôn là lý do khiến đàn bà chôn chân chịu đựng một cuộc hôn nhân bất hạnh. Như mẹ chồng tôi đã cố chịu đựng đến tận cuối đời chỉ vì quan niệm rằng con cái cần có cha. Cuộc sống bây giờ đã khác. Con cái sống trong một mái nhà không hạnh phúc sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý khi trưởng thành. Thà chỉ ở với mẹ mà vui vẻ. Mong bạn suy nghĩ thấu đáo. Riêng chuyện chăm sóc cho chồng bạn trong thời điểm này, bạn không có nghĩa vụ phải làm nếu thật sự không muốn. |
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.