"Chồng" bà nhiều chuyện

09/07/2016 - 06:55

PNO - Tính cách và chuyên môn của em chẳng đến nỗi nào, chỉ vì tật… nhiều chuyện mà công việc của em cứ mãi lẹt đẹt, bị mọi người coi thường, em không nhận ra sao?

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tình cờ đi ngang qua hành lang, anh thoáng nghe đồng nghiệp thì thầm “giới thiệu” với nhân viên mới về anh: “Ông đấy là chồng của “bà nhiều chuyện” thủ quỹ dưới sảnh tiếp khách đó”. Cảm giác của anh lúc đó vừa xấu hổ, vừa tức giận, chỉ muốn chui xuống đất trốn đi cho bớt bực. Từ khi nào mà cái cụm từ chẳng mấy hay ho đó lại bám riết vào anh thế này?

Trước đây, khi còn là một nhân viên kế toán, em dịu dàng, chừng mực bao nhiêu, thì từ ngày được giao nhiệm vụ giữ tiền cho cơ quan, chuyển xuống ngồi gần chị tiếp tân ở tầng trệt, anh gần như chẳng còn nhận ra vợ mình nữa. Em thay đổi khiến anh phát sợ! Đầu em bỗng như được gắn một cái… ăng-ten, thu sóng bốn phương tám hướng, cái gì cũng biết, cũng tò mò, cũng buôn được.

Thói quen soi mói, dòm ngó ấy của em, đương nhiên mọi người cũng dần nhận ra và cẩn thận đề phòng. Chỉ có em là cứ tưởng mình hay ho lắm, “bà tám" mải mê không ngừng. Chuyện trước mắt chưa đã, em còn lên mạng hóng hớt xem đồng nghiệp nào mới đi nghỉ mát ở đâu về, ai ít khi khoe hình vợ hay chồng của họ, người nào hay xuất hiện ở những nơi này nọ…

Rồi em tự biên tự diễn rằng, anh A chắc cả năm dành dụm mới đủ tiền để đi chơi chỗ đó, nên “thể hiện” quá, “diễn sâu” quá. Rằng chị B chắc đang… ngoại tình, nên tìm khắp “nhà” chị ấy chẳng thấy cái ảnh nào có mặt ông chồng. Rằng cô C còn độc thân, lương cũng lãnh như mình, chắc phải có… trai bao nên mới dám xài hàng hiệu như vậy… Anh đến là nể phục trí tưởng tượng lẫn khả năng suy diễn đầy ác ý của em. Thiên hạ nghe em thì thầm về người thứ ba, thì trước mặt tỏ ra đồng tình, lắng nghe, nhưng sau lưng người ta lại cười chê em thậm tệ. Nhân vật được em “nói xấu” tất nhiên là thù ghét em ra mặt…

Còn nhớ có lần, em gọi điện cho đối tác của công ty, người phụ nữ thi thoảng sang liên hệ thanh toán tiền nong gì đấy, để dò la chuyện gia đình của người ta. Chị kia chẳng phải hạng vừa, đến tận cơ quan mình làm ầm ĩ trước mặt mọi người. Những câu “chửi thẳng mặt” ấy, chắc em chưa quên? Hôm ấy, em về nhà nức nở, trách anh hèn nhát, không dám ra mặt bênh vực, để vợ phải chịu ấm ức.

Em tức lây sang mấy cô “hội bà tám” của em, khi hoạn nạn chẳng thấy ai chia lửa, mặc em hứng bão. Em cay cú bảo, nhất định sẽ dành thời gian… tìm hiểu thêm về chị kia, để cho cả “giang hồ” biết em nói không sai về chị ta… Nhìn em hừng hực khí thế chiến đấu, anh cứ băn khoăn tự hỏi, với người đàn bà đang làm vợ làm mẹ kia, điều gì là quan trọng nhất? Chồng con, mái ấm, công việc, hay những cuộc “chinh chiến” vô nghĩa kia mới là lẽ sống của em?

Anh đã nhiều lần khuyên em hãm bớt cái sự nhiều chuyện, nhưng cũng nhiều lần em khó chịu bảo, đàn bà ai chẳng thế, như em cũng là bình thường thôi, tại anh… ghét bỏ vợ nên mới chê bai. Anh thật không nỡ kể cùng em, một chị làm chung đã thẳng thắn góp ý, bảo anh không về… dạy lại vợ! Sao em không chịu biết, sau lưng mọi người đều ngán ngại, mỉa mai, cười cợt em, thậm chí còn nói “may mà lấy chồng rồi, không thì bố ai dám rước”.

Tính cách và chuyên môn của em chẳng đến nỗi nào, chỉ vì tật… nhiều chuyện mà công việc của em cứ mãi lẹt đẹt, bị mọi người coi thường, em không nhận ra sao?

Hải Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI