Chọn trường cho con hay cho cha mẹ?

14/06/2023 - 19:44

PNO - Hàng trăm người xếp hàng từ đêm để lấy suất đăng ký cho con, nhiều cha mẹ ép con học ngày đêm để vào được trường điểm... thật ra là cho ai?

Năm nào cũng vậy, khi năm học cũ vừa kết thúc, cuộc đua tìm suất vào trường tốt cho năm học mới lại bắt đầu. Điều đó dường như đã diễn ra hơn chục năm nay đối với các học sinh vừa hết cấp, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ mất đi ở tương lai gần.

Mới đây nhất, cảnh tượng diễn ra trước cổng Trường tiểu học Vạn Bảo, Hà Đông (Hà Nội) khiến không ít người... hãi hùng. Gần 400 phụ huynh đến xếp hàng vào ban đêm chỉ để mong sáng ra lấy được phiếu đăng ký cho con vào trường, và họ chen nhau, thậm chí đánh nhau... để tranh lên phía trước. 

Phụ huynh xếp hàng từ buổi tói trước cổng Trường tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội)
Phụ huynh xếp hàng từ buổi tói trước cổng Trường tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội)

Bỏ qua chuyện một ngôi trường năm nào cũng có tình trạng không đủ cầu về suất học mà vẫn không có phương án nào khoa học hơn để phụ huynh có thể xếp hàng lấy phiếu, tránh sự chen lấn đến xô xát; bỏ qua cả việc những người lớn, những bậc cha mẹ vốn phải là tấm gương cho con trong văn hóa xếp hàng thì lại cho thấy điều ngược lại... Hình ảnh trên một lần nữa cho chúng ta thấy sự bất cập trong bức tranh giáo dục tại Việt Nam.

Trong bức tranh đó, đến hẹn lại lên, hè đến là trên các diễn đàn, hội nhóm các mạng xã hội, người ta lại nháo nhào hỏi nhau về việc tuyển sinh của các trường, nào là đầu vào bao nhiêu, trường đó chất lượng ra sao, tỉ lệ đạt cuối cấp thế nào; từ trường này khả năng có thể vào trường điểm ở cấp tiếp theo cao hay thấp... Mà nào phải công cuộc nháo nhào đó chỉ dành cho phụ huynh học sinh các cấp lớn, ngay cả đối tượng của "đại học chữ to" là các bé bước đầu lớp 1 cũng chung hoàn cảnh. Nó là ''cuộc chiến'' đầu tiên chứ không duy nhất diễn ra đối với mỗi phụ huynh, cũng là với những đứa trẻ. 

Những gia đình quyết định cho con học trường công, thì đối mặt với việc phải đúng tuyến và kịp sớm, vì số lượng trẻ cần học gần như bao giờ cũng vượt quá năng lực của trường, nên dĩ nhiên phải... đua, và cuộc đua đó càng khốc liệt hơn nếu nơi cư trú của gia đình nằm đúng tuyến của một trường điểm nào đó. Những gia đình có chút điều kiện kinh tế thì cha mẹ phải cân não về tài chính vì muốn con học trường quốc tế hoặc dân lập chất lượng xịn, để con được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài, được thụ hưởng chất lượng giảng dạy tiên tiến... Mỗi cuộc đua mang một nét riêng, nhưng đều giống nhau ở sự mệt mỏi!

Trong cuộc đua ấy, người ta cân nhắc về vị thế của trường, về tài chính mình phải kham... nhưng ít ai nghĩ đến yếu tố then chốt: liệu nó có phù hợp với con mình. Để rồi từ đó dẫn đến tình trạng một đứa trẻ học lực trung bình phải đèn sách đến khuya để theo kịp giáo trình, trong sự kèm cặp đến mệt mỏi của cha mẹ. Không thể phủ nhận có sự chênh lệch về chất lượng trong công tác giảng dạy ở các trường, để từ đó ra đời khái niệm trường tốp đầu, tốp giữa hay ''chiếu dưới''.

Nhưng một người tốt đối với đứa trẻ này thì không hẳn là cũng tốt với đứa trẻ khác. Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào về thiên hướng và sở thích, và chỉ khi được đặt trong môi trường học tập phù hợp với năng lực lẫn thiên hướng, sở thích, con mới phát huy được khả năng mình ở mức cao nhất, và dĩ nhiên, được trải qua quãng đời học sinh với sự vui vẻ nhất thay vì là ngược lại. 

Trong bức tranh về giáo dục mà cụ thể là những nét chấm phá về ''cuộc chiến'' tìm trường cho con, không thể bỏ qua sự phát triển mất cân đối về dân số và cơ sở giáo dục ở một số địa phương. Đó là điểm tắc của vấn đề phát triển đô thị, mang tính tầm nhìn vĩ mô và toàn diện. Mật độ dân số tăng lên theo từng năm, thậm chí là từng tháng, thế nhưng số lượng các trường thì không thay đổi nhiều dù đã được tăng cường xây mới, phát triển. Về sự phát triển số lượng này, mọi thứ cứ như một cuộc đuổi bắt, và số trường học vẫn mãi chạy theo không kịp số học sinh.

Trường học thì thiếu về số lượng, cha mẹ thì thiếu câu tự vấn thế nào là tốt cho con. Chúng ta đang chứng kiến việc vì con cha mẹ có thể làm tất cả nhưng cũng nhìn thấy một cuộc chạy chọn trường mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không trả lời được là chọn trường cho ai, cho mình hay cho con...

Hoàng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI