|
Phụ huynh và học sinh lớp Mười Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TPHCM) tham dự buổi tư vấn chọn tổ hợp do nhà trường tổ chức |
Tới đâu tính tới đó?
Ngày 11/7, tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Kim Cúc (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đưa con gái vừa trúng tuyển vào lớp Mười đến Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) nhờ tư vấn chọn tổ hợp. Từ nhà xe vào phòng tư vấn, gặp phụ huynh hay học sinh nào chị đều hỏi thăm về các môn học, cách học rồi nghề nghiệp tương lai, chọn sai phải thế nào…
Chị chia sẻ: “Thực sự, tới khi chuẩn bị hồ sơ cho con thì tôi mới biết con phải chọn tổ hợp môn học. Nghe nói là ảnh hưởng tới nghề nghiệp tương lai nên tôi khá lo, phải dắt con lên đây nhờ thầy cô tư vấn”. Cô con gái của chị tiếp lời: “Hồi học lớp Chín, thầy cô có nói sơ qua, ai cũng bảo tới đó sẽ hiểu nhưng cho đến giờ em vẫn không biết nên chọn như thế nào”.
Chị Cúc cho biết chị đoán “chắc con thích học khoa học tự nhiên vì bạn bè cũng thế” nhưng con gái chị lại nói: “Con thích học khoa học xã hội vì mạnh những môn học bài”. Sau một hồi phân vân, chị Cúc đưa ra quyết định: “Chắc học tổ hợp khoa học tự nhiên đi, sau này con học làm bác sĩ, kỹ sư hay đi dạy tiếng Anh, chứ học xã hội ra con làm gì?”. “Dạ tùy mẹ” - con gái chị đáp.
Còn anh Nguyễn Văn Minh (ngụ quận Bình Tân) cho biết: “Tôi cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng vì con nói thích học môn vật lý để thi vào ngành kỹ thuật nên gia đình chiều theo. Dù gia đình thích con học tổ hợp có môn sinh học để theo ngành y hơn”. Tuy vậy, anh vẫn rất sợ việc chọn sai khiến con không học được, phải đổi lại hay định hướng nghề nghiệp tương lai của con còn thay đổi… “Thôi trước mắt cứ chọn, có gì lại tính tiếp” - anh nói thêm.
Thời gian qua, các trường THPT tại TPHCM khẩn trương triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh lớp Mười trước khi bắt đầu năm học mới. Sáng 11/7, Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) đã tổ chức hoạt động giới thiệu về chương trình mới, cách chọn tổ hợp môn và ngành nghề tương lai, phương thức tuyển sinh đại học, thông tin sách giáo khoa và quy trình nộp hồ sơ.
Năm nay, trường có 924 học sinh trúng tuyển lớp Mười. Rút kinh nghiệm năm học trước, trường đã có một số thay đổi cho phù hợp với dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và yêu cầu của xã hội, đồng thời phù hợp với nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở của nhà trường. Cụ thể, trường giảm từ 12 tổ hợp xuống còn 5 tổ hợp, trong đó có 4 tổ hợp khoa học tự nhiên.
“Mỗi học sinh được đặt 2 nguyện vọng. Trường sẽ dựa trên số lượng, học lực của học sinh để phân bổ lớp. Chúng tôi ưu tiên đáp ứng nguyện vọng đầu tiên vì đó là định hướng nghề nghiệp của học sinh, không thể làm theo chủ đích của nhà trường” - ông Nguyễn Đức Chính - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ.
Ông cho rằng đa phần phụ huynh, học sinh thấy khó khăn là vì chưa hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã giải thích để phụ huynh hiểu là ngoài 8 môn bắt buộc, các em phải học thêm 1 tổ hợp gồm 4 môn tự chọn nhưng cần dựa trên năng lực và sở thích của các em. Việc học ít môn hơn không ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp, nhưng sẽ liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của các em.
|
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (bìa trái) tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn tổ hợp |
Chọn sai, vất vả học lại
Ông Nguyễn Đức Chính cũng cho biết trong quá trình học, nếu các em có nguyện vọng chuyển đổi do sức học và nhu cầu xã hội, nhà trường vẫn tổ chức giảng dạy để các em hoàn thành khối lượng kiến thức trước khi lên lớp Mười một. Việc này được thực hiện trong kỳ nghỉ hè nên sẽ mất nhiều thời gian và công sức của các em. Vì vậy, học sinh nên suy nghĩ thật kỹ, nhất quán con đường học tập và nghiên cứu sau này để có kết quả tốt hơn.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), thầy Đỗ Dương Cung - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, trường đã căn cứ trên lịch sử thi tốt nghiệp THPT và đầu vào đại học của trường trong nhiều năm để xác định việc chia tổ hợp. Theo đó, năm học 2023-2024, trường có 6 tổ hợp cho 540 em trúng tuyển vào lớp Mười, trong đó có 4 tổ hợp định hướng khoa học tự nhiên và 2 tổ hợp định hướng khoa học xã hội.
Khi đăng ký nhập học, học sinh được chọn 2 tổ hợp theo thứ tự ưu tiên và liệt kê bảng điểm các môn học ở bậc THCS. Nhà trường sẽ tổ chức lớp dựa trên thành tích học tập và điều kiện của nhà trường để tránh việc chuyển đổi môn vào cuối năm học. Ngoài ra, ban tư vấn tuyển sinh của nhà trường cũng tìm hiểu kỹ về đầu ra, sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm Holland Code Test (RIASEC) - phân loại 6 nhóm tính cách để định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh đưa ra lựa chọn phù hợp.
Ông Đỗ Dương Cung nhấn mạnh: “Phụ huynh cần đưa ra quyết định đăng ký tổ hợp môn học lựa chọn, cụm chuyên đề dựa trên năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp phù hợp với con. Nếu không, con sẽ phải học trong môi trường nặng nề, chưa kể việc giữa chừng phải đổi lại tổ hợp, khiến con bị quá tải về kiến thức và càng chán nản hơn”. Ông giải thích, việc chuyển đổi tổ hợp nghĩa là học sinh phải hoàn thiện kiến thức với thời gian từ 2-2,5 tháng hè mà các bạn khác đã học trong 9 tháng.
Để làm được việc này, trường phải thực hiện một quy trình bài bản. Trước hết, phụ huynh phải đăng ký chuyển đổi môn và có bản cam kết học sinh phải tự bổ sung kiến thức, kỹ năng, cụm chuyên đề học tập của môn học mới trong năm học trước đó. Kế đến, tổ bộ môn có liên quan triển khai xây dựng ma trận đặc tả nội dung chương trình cần đạt về phẩm chất, năng lực của bộ môn ở khối lớp Mười (dựa trên Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và sách giáo khoa mà nhà trường đã sử dụng).
Thông qua kiểm tra đánh giá, những em đủ điều kiện sẽ được công nhận kết quả chuyển đổi để tiếp tục học tập ở năm tiếp theo. Hiện tại, nhà trường chỉ cho phép chuyển đổi tổ hợp vào cuối năm lớp Mười.
Phụ huynh và học sinh cũng cần lưu ý, nếu các em dùng môn chuyển đổi để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối năm lớp Mười hai và dùng điểm số đó để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì không sao. Nhưng nếu theo phương án xét học bạ thì các em không có điểm của môn chuyển đổi ở 2 học kỳ năm lớp Mười, tức chỉ có 3/5 cột điểm của môn.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thi theo môn. Trong đó, các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với hệ giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và 2 môn trong số 4 môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. |
Trang Thư