Chọn thế nào nếu danh mục sách giáo khoa của trường "chệch" với thành phố?

12/05/2023 - 14:13

PNO - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay, sẽ không có khái niệm chọn lại sách nếu danh mục sách giáo khoa đề xuất của trường không “khớp” với danh mục UBND TPHCM.

UBND TPHCM vừa công bố danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 sẽ được sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024. Theo đó, tùy theo môn học với từng lớp có từ 2-4 đầu sách được thành phố phê duyệt ở các bộ sách khác nhau.

Thông tin về cách thức lựa chọn một bộ sách giáo khoa tại mỗi nhà trường trong năm học 2023-2024, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, căn cứ vào danh mục sách giáo khoa UBND TPHCM phê duyệt, các nhà trường sẽ dựa trên danh mục đầu sách mà tổ chuyên môn đã đề xuất lựa chọn trước đây để đưa ra đầu sách phù hợp từng bộ môn và thông tin đến phụ huynh học sinh sách giáo khoa của trường sẽ sử dụng trong năm học 2023-2024. 

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) bỏ phiếu chọn sách giáo khoa
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) bỏ phiếu chọn sách giáo khoa

Trong trường hợp đầu sách ở bộ môn mà nhà trường đề xuất lựa chọn trước đó không “khớp” với danh mục đầu sách mà UBND TPHCM phê duyệt, ban hành thì tổ chuyên môn nhà trường sẽ ngồi lại thống nhất đầu sách phù hợp nhất dựa trên danh mục đầu sách của UBND TPHCM phê duyệt, từ đó thông báo đến phụ huynh học sinh…

“Ở đây là tổ chuyên môn sẽ cùng ngồi nghiên cứu lại để thống nhất đầu sách phù hợp nếu môn học nào đó mà danh mục đề xuất sách giáo khoa của trường không nằm trong danh mục đầu sách được UBND TP phê duyệt, chứ không có khái niệm là không khớp thì chọn lại” - ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Ông chỉ rõ, với Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Vì thế, việc giảng dạy của giáo viên trên thực tế đã không còn quá lệ thuộc một cách cứng nhắc vào sách giáo khoa như trước đây. Dù chọn bất kỳ đầu sách nào, bộ sách nào thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên vẫn cần phải tham khảo, nghiên cứu, chọn lọc tư liệu ở các bộ sách còn lại để làm bài học thêm sinh động, hấp dẫn học sinh. Học sinh cũng cần nên tham khảo thêm các đầu sách khác mà nhà trường trang bị ở thư viện để mở rộng thêm kiến thức, nâng cao khả năng tự học, rèn luyện kỹ năng… 

Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - đánh giá, năm nay, mỗi bộ môn đều được TPHCM phê duyệt từ 2-4 đầu sách ở các bộ sách khác nhau nên tạo thuận lợi, tăng tính chủ động cho nhà trường khi chọn ra bộ sách phù hợp nhất. Bên cạnh 1 bộ sách được giảng dạy trong trường, nhà trường sẽ trang bị thêm đầy đủ các bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt ở thư viện trường để giáo viên, học sinh cùng nghiên cứu, tham khảo…

“Dựa trên danh mục sách giáo khoa lớp 8 năm học 2023-2024 UBND TP phê duyệt, tới đây hội đồng chọn sách giáo khoa của trường sẽ cùng ngồi so lại với danh sách sách giáo khoa mà các tổ bộ môn trước đó đã nghiên cứu, thẩm định, đề xuất. Từ đó chọn ra bộ sách giáo khoa lớp 8 sử dụng trong nhà trường trong năm học mới để công khai rộng rãi đến phụ huynh học sinh…” - cô Nguyễn Đoan Trang nói thêm.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI