Một người quen ở đây nói bạn hãy đi con đường cũ, nó mới được lát đá lại. Tôi đi. Đá mới nhưng bước chân có cũ đâu, ít ra thì nó cũng đã đi về trong tôi gần 20 năm trước khi tôi tình cờ biết.
Có cũ đâu, ngày xưa, xưa lắm, bao người đã đi trước, những bước chân cỏ dại, những bàn tay vạch lá rừng sau một ngày bơi thuyền ngược sông Thu Bồn, lên Giao Thủy, ghé khu thờ Bô Bô phu nhân đi giữa những hàng tượng sa thạch, kính cẩn trước một người đàn bà mà cái tên đã trở thành huyền tích một vùng đất. Từ đó, họ lội ven khe Thẻ, đi vào cổng đền.
Tôi đi, chẳng qua giẫm lại bước chân họ, tiền kiếp họ đã từ hòn Bửu Châu dưới kinh đô Trà Kiệu, vượt qua Đồng Lớn, qua hòn Thủy, rồi về đây. Vì sao họ đi như thế? Đơn giản, đó là con đường duy nhất, nghĩa đen là dẫn vô cổng đền; còn nghĩa bóng, Mỹ Sơn là nơi có chủ, họ phải đi vào cửa chính, chứ không phải như những bước chân lâu nay cứ theo con đường của Pháp mở ra, đi vô sau lưng nhà người ta, thuận tiện, nhưng lại vô tình bẻ ngược cái bóng những ngôi tháp hắt lên nền trời vốn lửng lơ triết lý.
Cổng đền, tháp đều quay về phía đông. Trước khi vào hành lễ, phải vào nhà tịnh tâm ở phía đông, rồi từ đó, tiến về đền phía tây để dâng cúng. Từ đông sang tây, từ bình minh đến hoàng hôn, từ dương sang âm. Đó là lẽ trời đất…
|
Trong hành trình đi tìm điều riêng có của Mỹ Sơn, hình như ai cũng tạc cho mình ngôi đền tâm tưởng riêng. |
Mà thôi, tôi đi, nhớ vết lọ nghẹ (tiếng địa phương Quảng Nam), tức vết nhọ đen mấy bà già quê tôi lấy từ đít nồi rồi quệt trên trán đứa con nít khi cho nó ra đường, nhất là ban đêm. Đơn giản, làm cho nó xấu đi để ma quỷ không thèm ngó. Loại bỏ sắc màu mê tín, thì ở đây chính là họ sợ tuyệt đối, bởi chỉ có ma quỷ thánh thần mới tuyệt đối, chứ con người thì không.
Vết nhọ hay là lời nguyện cầu lẽ bình yên, thuận thảo với trời đất để đi qua hết một kiếp nắng mưa ở vùng đất quá khắc nghiệt này.
Trong nhịp gõ vô thanh của những viên gạch cổ chưa từng cũ, tôi như thấy vết nhọ đó ẩn hiện trong mạch đá, trong những đường lằn mỏng hơn sợi chỉ níu tháp đứng chơ vơ ngàn năm.
Và tôi thấy, sự mong manh đó, vết nhọ hay tiếng kinh cầu thành kính đó, có trong mắt họ, những người Chăm trở về nơi “quê quán tôi xưa”. Họ đi, những bước chân không tiếng động, mắt mơ hồ như thung lũng chiều phút giao hòa sáng tối. Họ nói bằng hơi thở và cái nhìn hiền lành như bao kiếp trước đã dãi dầu.
Nhịp trống Gi nằng, tiếng kèn Saranai, vũ điệu Apsara họ mang từ xứ nắng Ninh Thuận về dâng cúng quê tổ, dẫn thung lũng xanh với đền tháp cô đơn dặt dìu vào trong điệu hòa âm réo rắt như tơ lụa buông chùng. Họ hát bằng nỗi niềm nhớ quê của dân du mục, tay chân như rắn thần nhưng gương mặt thì bất động.
|
Ảnh: ngoaivuquangnam.gov.vn. |
Tôi không nghĩ họ là thần linh bước ra từ đá. Họ là đứa con sinh ra từ đất này. Cơn biến động của lịch sử đã làm tứ tán tất cả, để khi bình yên quay về, họ quỳ hôn cát bụi của quê hương yêu dấu.
Tôi đã hỏi một người khá am hiểu lẫn thâm niên hướng dẫn du khách, rằng người Chăm trở lại đây, họ nghĩ gì, nói gì? Cái trầm tư thoáng nhanh ở anh, rằng với người bình dân, họ chỉ dâng cúng thành kính; lớp có học thì tìm hiểu những mật ngôn từ đá. Họ nói rằng đây là quê xứ, mà phận làm con, có ai vô tâm, hằn học với đất tổ đâu; rồi có người nói như rút ruột rằng, nếu được hóa kiếp, họ cũng sẽ quay lại chốn này. Ai cũng hiểu tất cả là gió bụi trong chuỗi xoay vần của tạo hóa.
Tôi chìm trong ánh sáng nhờ nhờ hắt qua ô cửa kính chống đỡ đổ gãy trên mái tháp D2. Lòng tháp nhỏ nhưng đủ sức gói hết suy tư, lắng hết xuống để cái nhìn hướng lên phía cao xanh. Trong hành trình đi tìm điều riêng có của Mỹ Sơn, hình như ai cũng tạc cho mình ngôi đền tâm tưởng riêng. Vẫn người hướng dẫn kia nhắc tôi rằng, như bạn đã biết, cái bí ẩn, không hiển lộ, đứt gãy, dang dở, mới chính là Mỹ Sơn. Hãy tìm đi. Mỹ Sơn không phải là công án tắc tị, mà là một phương trình dẫn vào khu rừng ai cũng có thể đi lạc. Điều này không hề mâu thuẫn, bởi viên đá, bàn tay kia đang cất tiếng nói.
Tôi nhìn tượng thần Shiva đang múa bằng sa thạch. Tượng chia làm ba phần. Phần trên là hai cánh tay mà hai ngón cái chạm vào nhau, đây là hai cánh tay cao nhất. Phần giữa là sáu cánh tay giơ lên, trên vai là rắn thần Naga, các cánh tay cầm chuỗi tràng hạt và các vật khác. Dưới cùng là hai chân giẫm lên con thủy quái Macara hai đầu. Tượng có từ thế kỷ XIII, có hai vết cắt để chia làm ba.
Luận giải từ đây, rằng phần trên cùng chính là thần linh, vì là thế giới của thần, nên con người chỉ biết khát vọng để hoàn thiện. Hai phần còn lại, thì giữa phần tốt, dưới cùng là phần xấu của con người. Bàn chân người giẫm đạp kia, chính là minh thuyết cho hành trình kìm hãm con quỷ trong lòng họ, còn kìm hãm ra sao phụ thuộc vào bản lĩnh của từng người.
Ai cũng có thần tính, khát khao thiện lương, thanh sạch. Phải nhìn điều đó để hành xử. Đó là thông điệp dở dang nhưng trùng trùng mật giải mà người xưa chủ động gởi lại. Đá không là vĩnh cửu nhưng triết lý thì trường tồn… Ngay góc trong cùng, đứng gần bức tượng vỡ, là hai quả bom vốn được tìm thấy trong vô số bom mìn chốn này, chính là thủ phạm gây nên những điêu tàn nối tiếp dẫn đến sự hủy diệt của một đế chế vàng son. Nó đen trũi, lạnh ngắt, cô đơn giữa những con mắt đá. Lời thì thầm từ đá liệu có xuyên qua sắt thép để ai đó kìm hãm con quỷ trong lòng mình không?
Tôi như tức thở, bước ra ngoài. Bóng tối đang dìu những cơn gió đi hoang, lách mình qua những tường, tháp đổ vỡ. Mỹ Sơn là những sắp xếp dang dở. Những ký tự tháp từ A đến M, lại tiếp tục là A’ chứ không phải N, nói lên điều gì? Những hoa văn trên những trụ tháp tưởng chừng trùng khít khi lật qua, nhưng thực ra nó lệch pha; những trụ đền nối nhau không cùng một đường thẳng; tượng sa thạch người-phôi người, người-người-gạch.
Chưa hết, thần Shiva có vợ là hóa thân nữ tính từ thần, muốn có con nhưng chư thần, nhất là thần Indra không cho, bởi họ kết hợp thì sẽ dẫn đến tuyệt đối, nên hai đứa con là sản phẩm riêng của hai người… Tất cả nhấp nhô, là không đồng bộ, nó cho tôi cảm giác rằng, con người, những cá nhân trong mô-típ điêu khắc Mỹ Sơn mang hai tiếng tự do, không hề có sự rập khuôn, không là văn mẫu, tuyệt đối không có tuyệt đối, bởi ngay cả thần Shiva cũng không tuyệt đối mà. Đó là tính tương đối, vốn là trụ đỡ quan trọng trong triết lý Hindu giáo. Tự do trong tương đối, kiêu hãnh và cô đơn trong ngưỡng vọng tự biết, tự có.
|
Họ hát, họ cất lên cái thanh âm bằng nỗi niềm nhớ quê của dân du mục, tay chân như rắn thần... |
“Con bò đá nằm nhai ký ức” (Cỏ Mỹ Sơn - Nguyễn Trung Bình). Màu áo xưa, mây xưa, cả mắt môi xưa, tất cả là ký ức. Đi qua tao loạn, người Việt, người Chăm gặp nhau ở đất này từ thuở điêu tàn của lịch sử, cày cấy, tái sinh giống nòi, uống cùng nguồn nước, họ cùng khoác trên vai chiếc áo của cỏ.
Cỏ Mỹ Sơn trong điêu khắc cũng là thần. Thần tính của họ chính là cầu vọng an lành, lâu đài được xây bằng niềm tôn kính và tình thương, lấy thuận hòa làm hơi thở cuộc sống. Đó là triết lý ngàn năm của dân tộc này.
Trong tiếng kinh cầu thật xa, người rút đi hết, thần linh ở lại, vì đây không phải là chốn của người trần, ta chỉ gặp nhau ở sự ngưỡng vọng, cung kính, an phận, bằng lòng với hữu hạn, thì những mưu toan làm sao có cửa? Tôi chợt hiểu vì sao những nghệ nhân Chăm ở Ninh Thuận đã hết mình truyền dạy mảng, miếng đặc sắc của nghệ thuật ca múa, để rồi những nghệ sĩ của ngành văn hóa huyện Duy Xuyên, như là thay mặt họ, làm sống lại những giấc mơ xưa trong tiếng giao hòa của con người-thần linh-trời đất, để màu Chàm bay lượn chất ngất đắm say.
Những đoàn người hành hương từ Ninh Thuận hay cuối trời đất phương nam trở lại Mỹ Sơn trong hoan hỉ… Họ trở về nhà trong tình thân ái đã được thánh tẩy, bởi dù dâu bể đã phủ màu trên gạch đá, nhưng con suối Thẻ thuở mô tê đón bao bước chân trần, nay vẫn chảy hoài không dứt.
Nam Khang