Một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa là con đường tất yếu để đạt được mục tiêu mà Quyết định số 404/QĐ-TTg về phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Thủ tướng Chính phủ có đề cập: “Học để biết - học để làm - học để chung sống - học để tự khẳng định mình”… và phát triển con người Việt Nam toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”. Điều chúng ta cần chuẩn bị là hiểu thật đúng về khái niệm “nhiều bộ sách giáo khoa”. Ai sẽ biên soạn, ai sẽ lựa chọn và lựa chọn trên những tiêu chí nào?
Mới đây, lại có thông tin tạm thời sẽ chỉ có một bộ sách trước, vì lo ngại nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ khó đảm bảo chất lượng. Tôi muốn chia sẻ về cách làm SGK của Đài Loan và Mỹ.
Ông Wei Hung Chen, Quản lý Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, với hơn 20 năm đảm nhiệm các vị trí quản lý giáo dục và hiệu trưởng tại Đài Loan, cho biết: Đài Loan bắt đầu ban hành khung chương trình giáo dục phổ thông vào năm 1995 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông bốn năm sau đó. Các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành SGK. Nhà trường là đơn vị lựa chọn SGK.
Ngay thời điểm khung chương trình giáo dục phổ thông được ban hành, nhà trường thành lập Curriculum development Committee - tạm dịch là Hội đồng phát triển chương trình. Hội đồng này có trách nhiệm quyết định nên sử dụng bộ sách nào và nếu cần thiết thì nhà trường sẽ cùng các giáo viên biên soạn sách phù hợp với mục tiêu giáo dục của họ. Vậy, việc biên soạn sách là chuyện của nhà xuất bản và của nhà trường, nhưng lựa chọn sách là do hội đồng nhà trường quyết định.
Ở Mỹ, việc tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành sách vẫn do các nhà xuất bản đảm nhận. Theo Mary Laine Yarber, giáo viên tiếng Anh và báo chí tại Trường THPT Santa Monica, Mỹ, việc chọn sách từ lớp Một đến lớp Tám sẽ do sở giáo dục của bang (State board of Education) đảm trách. Sở sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK bao gồm các cá nhân có chuyên môn sâu. Số lượng thành viên hội đồng ở mỗi tiểu bang khác nhau nhưng 55% thành viên phải là giáo viên - những người trực tiếp làm việc với SGK để truyền thụ cho người học sẽ có quyền biểu quyết cao nhất.
Dựa trên khung chương trình, hằng năm sở giáo dục và hội đồng sẽ ban hành danh sách gồm tất cả sách dành cho lớp Một đến lớp Tám. Hội đồng sẽ chọn nhiều bộ sách khác nhau cho một cấp lớp, nhiều bộ sách khác nhau cho cùng một môn học. Mỗi năm, hội đồng chỉ chọn sách cho đúng một môn học. Ví dụ, năm trước chọn sách khoa học xã hội (lịch sử và địa lý), năm nay sẽ là sách ngoại ngữ, sang năm sẽ là khoa học tự nhiên. Cứ sau hai năm, toàn bộ danh sách này sẽ được xem xét lại nhằm loại bỏ những sách mà kiến thức không còn phù hợp.
Tất nhiên sự lựa chọn sách của hội đồng không chỉ dựa vào kinh nghiệm hay cảm tính, mà còn dựa vào những tiêu chí. Cụ thể: kiến thức trong sách phải chính xác, cập nhật, dễ hiểu và không thể hiện định kiến; hình thức sách phải thẩm mỹ, mang tính giáo dục và phù hợp tâm sinh lý học sinh; kiến thức trong sách phải phù hợp với trình độ nhận thức của nhiều đối tượng học sinh khác nhau; sách phải bao gồm hình vẽ, hình chụp, tranh ảnh, sơ đồ, đồ thị, giai thoại… ngôn ngữ sử dụng và cách viết phải thú vị, phù hợp với độ tuổi của từng cấp lớp nhằm duy trì hứng thú đọc sách của học sinh.
Từ lớp 9-12, việc lựa chọn sách được giao hoàn toàn quyền chủ động về cho phòng giáo dục các quận, huyện (District Board of Education). Nhà trường vẫn có thể kiến nghị quyền sử dụng một số SGK không có trong danh sách được sở và phòng lựa chọn.
Với hai cách làm trên, có sự phân công hết sức rõ ràng: bộ giáo dục ban hành khung chương trình; các nhà xuất bản biên soạn, tổ chức, phát hành các bộ SGK; các sở, phòng giáo dục lập danh sách các bộ SGK uy tín; nhà trường và thầy cô lựa chọn SGK cho học sinh từ danh sách của sở, phòng và có thể kiến nghị SGK mà mình thấy hay. Quan niệm một chương trình nhiều bộ SGK chỉ được thực hiện hiệu quả khi chúng ta có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Bộ, sở, các nhà xuất bản, nhà trường thực hiện đúng chức năng của mình, không ôm đồm, không có sự “đạp chân”, vị nể hoặc vì mục đích nào khác ngoài mục tiêu tối thượng là hiệu quả giáo dục.
Bộ, sở, phòng, nhà xuất bản, nhà trường, giáo viên… với những chức năng riêng biệt đều là những mắt xích quan trọng, có giá trị tương hỗ để tạo ra nền giáo dục hoàn chỉnh. Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì song song đó họ luôn có những nhà xuất bản uy tín, chuyên nghiệp đồng hành như Oxford, Cambridge, Pearson… có kinh nghiệm hơn trăm năm làm sách.
Sau khi có những bộ SGK chất lượng dựa trên một chương trình chất lượng được soạn thảo bởi Bộ GD-ĐT, chúng ta phải trao quyền chủ động cao nhất cho người thầy. Một chương trình - nhiều bộ SGK không có nghĩa là mỗi địa phương biên soạn một bộ SGK mà chính là khi người thầy có đủ kiến thức, bản lĩnh, thời gian để tích hợp các kiến thức từ nhiều bộ sách, không phải dựa vào một bộ sách cứng, vào bài giảng của mình để tạo cho học sinh những bất ngờ, mở rộng những chân trời tri thức… giúp người học hiểu được mình và học cách sống cùng nhau với bạn bè thế giới.
Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh
(Trường Phát triển tài năng và Tính cách John Robert Powers Việt Nam)