Chọn sách giáo khoa lớp Một: Bối rối nguyên bộ hay xé lẻ

04/05/2020 - 07:56

PNO - Đầu tháng Năm là thời điểm các trường tiểu học phải “chốt” chọn sách giáo khoa lớp Một mới cho năm học 2020-2021 và danh mục sách này cũng phải được niêm yết tại cở sở giáo dục, theo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, tiến độ này đang chậm lại và nhiều trường cũng lúng túng trong việc lựa chọn.

Cả nước có khoảng 15.000 trường tiểu học, việc tiếp cận và tập huấn đầy đủ cho các giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý về chương trình mới không hề đơn giản. Chưa kể, giáo viên và nhà trường trước nay chưa từng có “quyền” chọn sách giáo khoa (SGK) vì chỉ dùng thống nhất một bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Giáo viên gần như là “lính mới”, còn trường học loay hoay thiếu kinh nghiệm trong nhiệm vụ mới của mình. 

Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp Một mới đang bị giãn tiến độ khiến phụ huynh lo lắng - Ảnh: Đại Minh
Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp Một mới đang bị giãn tiến độ khiến phụ huynh lo lắng - Ảnh: Đại Minh

Mỗi trường một kiểu

Một số trường tiểu học ở Q.3, Q.1, Q.5 (TP.HCM) có khuynh hướng chọn một bộ sách cho thống nhất và thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, các bộ sách đều có những ưu điểm khác nhau, có bộ trội về môn này nhưng lại yếu thế hơn bộ khác ở môn kia. Nên nếu chọn theo bộ thì dễ thống nhất hơn nhưng sẽ phải chấp nhận những điểm yếu của một vài môn trong một bộ sách. 

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mê Linh (Q.3), cho biết, hội đồng chọn sách của trường đã thống nhất và báo cáo lên Phòng GD-ĐT quận. “Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hướng dẫn, chọn SGK không yêu cầu chọn theo bộ sách nên có thể linh động để phù hợp với đặc thù của mình. Sau khi bàn thảo, góp ý, trường quyết định chọn các môn chính của bộ sách Cánh diều. Còn lại các môn như mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh thì chọn từ bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực…

Còn Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) thì chọn theo từng môn, tùy theo số phiếu. Ví dụ như ở môn tiếng Việt, trường này có thứ tự bỏ phiếu như sau: Kết nối tri thức với cuộc sống (5 phiếu), Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (6 phiếu), Cùng học để phát triển năng lực (0 phiếu), Chân trời sáng tạo (16 phiếu). Môn đạo đức chọn từ bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (22 phiếu). Sách hoạt động trải nghiệm là bộ Cùng học để phát triển năng lực (16 phiếu)…

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng trường này cho biết, do dịch bệnh, trường đóng cửa và hạn chế tập trung đông người nên đã phát sách về cho giáo viên tự đọc trong bốn ngày, sau đó bàn thảo, thống nhất theo bộ môn. Trường chọn theo nguyên tắc số phiếu cao nhất cho từng môn nên gần như bộ sách nào cũng có.

Phụ huynh lại lo con làm… chuột bạch

Theo các nhà sư phạm, điều quan trọng khi chọn SGK là phải trả lời được câu hỏi: Chọn cho ai? Đó là chọn cho học sinh và giáo viên, hai chủ thể sẽ sử dụng SGK. Vậy làm thế nào để dung hòa được mục tiêu học tập tích cực, hiệu quả của học sinh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá?

Nhiều hiệu trưởng cũng thừa nhận việc chọn sách đang khá lúng túng, bởi quyết định chọn sách khi chưa từng dạy qua mà chỉ thông qua việc đọc và tập huấn ngắn trước đó thì không thể đảm bảo chắc chắn sẽ phù hợp. Lỡ khi đưa vào sử dụng rồi mới phát sinh không phù hợp thì sao? Bắt phụ huynh mua sách mới? Đó cũng là lo lắng của rất nhiều giáo viên phải “cầm cân nảy mực”.

Chưa kể, việc chọn sách theo… bộ sẽ mang lại sự thống nhất trong công tác quản lý và đánh giá, nhưng ngược lại phải chấp nhận có những môn không ưng ý. Nhưng nếu chọn mỗi môn thuộc một bộ sách khác nhau thì ngay trong nội bộ một trường cũng dễ nảy sinh vấn đề trong tiêu chí đánh giá. Nếu mở rộng ra bình diện quận, huyện, tỉnh, cả nước thì làm thế nào để thống nhất tiêu chí kiểm tra đánh giá khi học sinh có rất nhiều kỳ thi theo kiểu chung đề, chung đợt. Nhiều người dự đoán, lần chọn này giống như một cuộc thử nghiệm không chắc chắn mà kết quả chỉ có vừa dạy vừa sửa, thay đổi.   

Có con sẽ vào học lớp Một trong năm học tới, chị Huỳnh Thị Thùy Linh (H.Bình Chánh) không yên tâm nên ra nhà sách để tìm sách SGK mới. Nhưng nhân viên nhà sách cho biết “chưa thấy mặt mũi cuốn SGK lớp Một nào”. Chị đến trường tiểu học mà theo tuyến con sẽ học tại đó thì được biết trường… đang chọn. 

Với tình hình chọn sách của các trường hiện nay, chị Linh băn khoăn: “Không biết hội đồng chọn sách có nghĩ đến viễn cảnh mỗi môn thuộc một bộ sách khác nhau thì phụ huynh phải mua cả năm bộ sách rồi lấy những môn mình cần hay phải chờ trường bán rồi đăng ký? Chưa kể, trẻ trong cùng một nhà cũng khó lòng học lại sách của nhau. Năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, sách mới, tôi thấy lo, có khi con mình phải làm… chuột bạch”. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI