Muôn kiểu trại hè, khóa học kỹ năng
Khi con bắt đầu nghỉ hè, chị Bích Tuyền - mẹ của Minh Hoàng - đã lên mạng tìm hiểu, chọn trại hè cho con. Chị muốn con mình tham gia trại hè trên do thấy con mình ham chơi, thích vận động, thích trở thành lính cứu hỏa, thích cứu người. Năm sau, Minh Hoàng lên lớp Tám, chưa phải thi chuyển cấp nên chị sẵn sàng bỏ ra hơn 7 triệu đồng cho con có những trải nghiệm, thử thách mới.
Ngày 11/6, Thanh Quang (TP Thủ Đức) cũng bắt đầu trại hè 10 ngày trong một nông trại ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với chi phí hơn 3 triệu đồng/người. Dự trại hè, nhóm của Quang có 15 trẻ từ 13-16 tuổi sẽ được rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, giặt quần áo, lau dọn vệ sinh, nấu ăn, rửa chén; đêm đến, chúng tự lên chương trình vui chơi như thi văn nghệ, đánh cờ, đối đáp nối chữ, chơi đàn ghi ta, đốt lửa trại…
|
Trẻ thực hành “nghệ thuật sắp đặt” trong một trại hè kỹ năng - Ảnh: V.S. |
Ban ngày, cả nhóm ra đồi, nhặt quả thông về làm đồ thủ công mỹ nghệ hoặc đến vãn cảnh chùa gần đó rồi cùng chơi, tặng những món quà nhỏ xinh cho các bé mồ côi đang được nuôi dưỡng trong chùa. Mẹ Quang hy vọng, khi trở về nhà, cậu sẽ bớt lười biếng, biết chia sẻ, sống hòa đồng với mọi người.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi mùa hè, các học kỳ quân đội thu hút sự tham gia của 100-600 trẻ, học kỳ công an thu hút 100-300 em, khóa tu mùa hè thu hút hàng ngàn trẻ tham gia. Ngoài ra, còn có rất nhiều trại hè bán trú, nội trú, ngắn ngày, dài ngày khác.
Khi gõ từ khóa “trại hè” trên công cụ tìm kiếm Google, chúng tôi nhận được hơn 12 triệu kết quả chỉ trong 0,35 giây. Một đơn vị kinh doanh du lịch sự kiện ở quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết, bên cạnh trại hè, những năm gần đây, còn có thêm các tour du lịch kỹ năng, tour huấn luyện dành cho trẻ em.
Hè năm nay, nhiều chùa lớn thông báo lịch đăng ký khóa tu mùa hè. Trong tháng Bảy, tu viện Trúc Lâm - Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc) mở khóa sinh hoạt tu học cho trẻ em từ 10-12 tuổi và khóa tu cho trẻ từ 13 tuổi trở lên. Trong tháng Sáu, chùa Phúc Long (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) mở 2 khóa tu cho trẻ. Nhiều phụ huynh ở TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc cho biết, do lượng trẻ đăng ký quá lớn, chùa này đã “khóa sổ”. Được biết, khóa tu của chùa này diễn ra từ ngày 19 - 25/6 tới đây với trên 600 trẻ dự.
Trại hè không phải là học kỳ III
Chị Phương Hoa (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) mất nửa năm để tìm hiểu các trại hè cho con. Cuối cùng, chị cho con tham gia trại hè nông thôn của một đơn vị có uy tín.
Chị cho biết: “Khi tôi gọi điện đến tìm hiểu, nhân viên của một số đơn vị tư vấn theo kiểu vẽ ra rất nhiều lợi ích. Tôi hỏi về cách xử trí nếu không may xảy ra sự cố, tai nạn thì nhân viên không trả lời được và tiếp tục quảng cáo về việc đơn vị của họ có những điều này, điều khác để đảm bảo an toàn cho trẻ”. Theo chị, cho con dự 1 trại hè chất lượng vẫn hơn vài trại hè không đến đầu đến đũa.
|
Trẻ học cách sơ cứu vết thương trong một trại hè quân đội - Ảnh: N.P. |
Cho trẻ dự trại hè là xu hướng đã và đang phát triển ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến bộ, mang đến cho trẻ những kiến thức mới, những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Trại hè còn là nơi để trẻ được sống trong môi trường khác hoàn toàn với nhà trường, giúp trẻ học cách tương tác với những người mới, tăng cường kỹ năng giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Cho trẻ dự trại hè cũng phù hợp với bối cảnh cha mẹ ngày càng có ít thời gian dành cho con cái.
Tuy nhiên, các nhà giáo dục cho rằng, để trại hè thực sự có giá trị, các đơn vị tổ chức trại hè lẫn phụ huynh đều không nên quan niệm đây là học kỳ III, hay nơi trông trẻ trong mùa hè. Trước khi cho con tham gia trại hè, phụ huynh nên tìm hiểu từ những phụ huynh từng cho con tham gia các trại hè trong những năm trước để có nguồn thông tin đa dạng, đa chiều để lựa chọn trại hè phù hợp cho con.
Nhà giáo Nguyễn Đức Quang - nhà sáng lập và điều hành Trường Đồi (Spring Hill, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) - lưu ý, phụ huynh nên cẩn trọng khi lựa chọn trại hè bởi cùng dự 1 trại hè nhưng có em hình thành được những giá trị tích cực, có em lại bị những cú sốc tâm lý.
Theo ông, cha mẹ nên có những buổi tiền trạm để xem trại hè đó có phù hợp với con hay không, con có hứng thú, thích nghi được với môi trường, quy định của trại hay không, sau đó thảo luận với con về việc dự hay không dự.
Trại hè tự do ở quê
Từ đầu tháng trước, vợ chồng anh Vũ Tuấn Minh (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã tìm hiểu về các trại hè với mong muốn cho cậu con trai vừa học xong lớp Sáu tham dự.
|
Cách giặt giũ quần áo là một trong những kỹ năng được huấn luyện cho trẻ ở trại hè - Ảnh: N.P. |
Anh Minh nói: “Tôi quan tâm đến các học kỳ quân đội, hy vọng con mình sẽ được rèn nền nếp, kỷ luật. Bên cạnh đó, các học kỳ quân đội đều do Trung ương Đoàn hoặc Thành đoàn tổ chức, chất lượng đã được khẳng định. Nhưng vợ tôi lại muốn con được học kỹ năng sống”.
Anh kể, khi vợ anh hỏi kinh nghiệm từ các phụ huynh khác trong một nhóm trên Facebook thì có cả trăm lời mời chào, giới thiệu các trại hè, khóa rèn kỹ năng. Từ hôm đó, Facebook của vợ chồng anh liên tục hiện lên thông tin về các trại hè với đủ hình thức, giá cả và thời gian. Trong đó, các trại hè tiếng Anh, du học nước ngoài có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Sau khi rơi vào “ma trận” quảng cáo, mời chào của nhiều trại hè, tour du lịch rèn kỹ năng, vợ chồng anh Vũ Tuấn Minh quyết định cho con về quê nội. Anh Minh nói: “Có quá nhiều trại hè nhưng chất lượng, hiệu quả vẫn là ẩn số. Tôi nói với bà xã, nếu muốn con học kỹ năng sinh tồn thì cứ gửi về quê với ông bà, để cháu chơi thỏa thích với các anh chị em họ, tự khắc sẽ học được kỹ năng từ bọn trẻ ở quê và từ các hoạt động tự trải nghiệm, tự rút kinh nghiệm. Về quê, cháu có sự gắn kết với ông bà, với họ hàng”.
|
Các em rất thích thú khi được tìm hiểu về nghề nông trong một trại hè - Ảnh: T.M. |
Sau khi tìm hiểu các trại hè, chị Phan Thị Vân (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cũng quyết định gửi con về quê. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, vợ chồng chị đưa con về quê Hà Tĩnh, đúng những ngày nhà ông bà nội có đàn gà con vừa mổ vỏ, 2 đứa con chị rất thích thú với những chú gà bé xíu, lông mềm mại, vàng ươm.
Chị Vân nói: “Bỏ ra mấy tháng lương của cha mẹ để cho con tham dự trại hè khoảng hơn 10 ngày trong khi mình có quê là vùng nông thôn rộng lớn, có ông bà nội ngoại ở đó, tôi thấy quá tốn kém nên hỏi các cháu có muốn về quê chăm đàn gà con với ông bà không. Đứa lớp Hai, đứa lớp Bốn đều đồng ý. Thế là tôi mua vé tàu, đưa các cháu về quê với ông bà”.
Minh Tuệ
Trại hè giúp trẻ tự nhận thức bản thân và tăng cường khả năng kết nối Trại hè mang đến cơ hội để trẻ học các kỹ năng và phát triển cả về mặt cá nhân lẫn xã hội trong một môi trường cực kỳ hỗ trợ. Ông Tom Rosenberg - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Cắm trại Mỹ (ACA) - cho biết: “Trải nghiệm cắm trại rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Trại hè cung cấp cho trẻ em môi trường an toàn để trẻ có thể học cách chấp nhận rủi ro, thử những điều mới và tìm thấy sự kết nối cộng đồng”. Nghiên cứu cho thấy rằng các kỹ năng được học và thực hành tại trại hè có thể hỗ trợ trẻ em suốt đời. Trong đó, khả năng học tập cảm xúc xã hội (SEL) đem đến nhiều lợi ích trong cuộc sống sau này. 1 đứa trẻ có kỹ năng SEL cao sẽ thành công trong 5 lĩnh vực cốt lõi: tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội, kỹ năng quản lý quan hệ xã hội và ra quyết định có trách nhiệm. Những kỹ năng này ngày càng được xem trọng trong sự thành công ở trường học và trong cuộc sống nghề nghiệp vì chúng phản ánh chỉ số cảm xúc (EQ) của trẻ. Nghiên cứu năm 2005 của ACA cho thấy sự phát triển đáng kể các kỹ năng cảm xúc xã hội của trẻ em sau 1 kỳ trại hè, thể hiện qua sự gia tăng về lòng tự trọng, tính độc lập, khả năng lãnh đạo và kết bạn, sự thoải mái trong môi trường xã hội, cũng như kỹ năng ra quyết định nhanh chóng. Có rất nhiều lợi ích của trại hè nhưng theo ACA, có 7 lý do chính khiến trại hè mang lại trải nghiệm độc đáo và thú vị: xây dựng mối quan hệ xã hội và tình bạn; hoạt động thể chất và vui chơi ngoài trời; phát triển bản lĩnh cá nhân và tính độc lập; dành thời gian xa nhà tại trại hè có thể giúp trẻ học cách trở nên độc lập, kiên cường và tự túc hơn; giáo dục và khám phá, trải nghiệm mới; rời xa thiết bị công nghệ; xây dựng bản sắc cá nhân lành mạnh. Linh La (theo GSE Harvard, Citizen Times, SI Parent) |
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Sư phạm tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội: Có thể tổ chức “trại hè tại gia” Hiện nay, ngoài các trại hè tiếng Anh, trại hè khoa học, học kỳ quân đội còn có những trại hè rèn kỹ năng quản lý tài chính, quản lý thời gian, kỹ năng sinh tồn. Các trại hè phát triển mạnh về số lượng, hầu hết đều liên quan đến việc rèn kỹ năng sống. Bên cạnh đó, còn có một số trại hè hướng đến mục đích nâng cao thành tích học tập, một số mang tính chất du lịch để trẻ được đi chơi sau 1 năm học tập. Dù với mục đích gì, bất kỳ trại hè nào cũng phải có giá trị giáo dục và phải bảo đảm sự an toàn. Do đó, phụ huynh nên có hợp đồng với đơn vị tổ chức để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, làm rõ trách nhiệm của đơn vị tổ chức trong trường hợp xảy ra sự cố. Trẻ cần được trang bị, rèn luyện rất nhiều kỹ năng như tự chăm sóc bản thân (gồm cả nấu ăn, đi chợ, khâu vá), phòng tránh xâm hại, phòng tránh đuối nước, tham gia giao thông an toàn, thoát hiểm, xác định phương hướng… Trẻ cần được học những kỹ năng này đầy đủ và liên tục chứ không phải chỉ một vài tuần trong năm. Cha mẹ nào cũng có thể dạy con các kỹ năng tối thiểu như chăm sóc bản thân, tham gia giao thông, dọn dẹp nhà cửa, sử dụng thiết bị trong nhà (máy giặt, đồ dùng nhà bếp), sắp xếp đồ đạc, vệ sinh quạt máy. Do đó, có thể cho con trải nghiệm “trại hè tại gia”. |
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long - giảng viên Trường đại học Mở TPHCM, nguyên Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Phải căn cứ vào nhu cầu của các con Sau những ngày học tập miệt mài, việc để các con tham gia 1 kỳ hè trau dồi kỹ năng giúp có thể tự lập, tự phục vụ, biết đối nhân xử thế… là điều phụ huynh nên làm. Hiện có nhiều chương trình trại hè để các em học sinh có cơ hội vui chơi, rèn luyện… Tuy nhiên, phụ huynh nên cân nhắc để lựa chọn chương trình phù hợp với con mình. Có nghĩa là phải căn cứ vào nhu cầu của các con. Mỗi chương trình, mỗi đơn vị tổ chức có các trại hè đặc trưng để phát triển hay rèn luyện một mặt nào đó. Mặt khác, phụ huynh cũng có thể quan sát, đánh giá xem con mình đang thiếu hụt kỹ năng gì hay đang cần con mình khắc phục điểm gì để từ đó cùng con lựa chọn phù hợp. Mục đích của việc tham gia các trại hè là để trẻ có thời gian chủ động tự phục vụ bản thân và thiết lập các mối quan hệ xã hội. Vì thế, nếu phụ huynh không có điều kiện gửi con tham gia các trại hè thì cũng có thể tự mình thiết lập kế hoạch để giúp con. Ví dụ có thể gửi con về quê ngoại/nội vài ngày để con cũng có thể tự rèn luyện và cảm nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, hoặc có thể giao việc đơn giản cho con tự thực hiện như: dọn dẹp, đọc sách… Mặt khác, vào hè thì các khu vui chơi giải trí hoặc nơi sinh hoạt của thanh thiếu nhi như nhà thiếu nhi, nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi… đều mở cửa và có nhiều hoạt động dành cho các em nên phụ huynh có thể khuyến khích con tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn thanh niên ở các cấp cũng có tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh - đây cũng là địa chỉ tin cậy phụ huynh có thể đưa các con đến tham gia. Thu Lê (ghi) |