PNO - Đã có sự gia tăng người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường nghề - ngoài hỗ trợ sinh viên, học viên về học bổng, sinh hoạt phí - đã kết nối với doanh nghiệp để các em có cơ hội việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nguyễn Nhật Minh (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Nhật Minh cho biết, em luôn cố gắng học hết khả năng và quyết tâm hoàn thành kỳ thi tốt nhất có thể. Rà đáp án tất cả môn thi mà Bộ GD-ĐT công bố, Nhật Minh tự tin “không môn nào em dưới 6 điểm”. Tuy nhiên, em đã xác định sẽ theo học cao đẳng nghề.
Sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội được các nhà tuyển dụng giới thiệu cơ hội việc làm ngay tại trường - Ảnh: U.N.
Mẹ của em - chị Lê Thu Trang - cho biết: “Các thầy cô nói học lực của cháu khá, việc đỗ đại học không quá khó. Gia đình tôi không quyết định thay cháu, mà chỉ nói cháu tìm hiểu thông tin về nhu cầu nhân lực hiện nay, đồng thời nhìn vào những người thân quen, họ hàng của gia đình - nhóm tốt nghiệp đại học, nhóm tốt nghiệp các trường nghề để cân nhắc lựa chọn”.
Quyết định chọn học nghề của Nhật Minh cũng khiến một số bạn học cùng lớp khuyên em nghĩ lại. Nhưng Minh cũng không phải là trường hợp duy nhất dù học khá song vẫn chọn trường nghề sau khi tốt nghiệp THPT trong lớp. Cha mẹ lại định hướng mở, nên em không gặp nhiều áp lực. Minh chia sẻ: “Khi biết hàng loạt trường đại học tăng học phí, em và một số bạn trong lớp càng thấy chọn học nghề là hợp lý. Chúng em vừa tiết kiệm được tiền ăn học cho cha mẹ, vừa sớm tự lo được cho bản thân. Trong số họ hàng, người quen của gia đình em, không ít người thành công, vốn xuất thân từ các trường nghề. Nên em và các anh chị em họ hầu như không có sự phân biệt về “thầy, thợ”.
Lê Nhật Nam (quận Long Biên, TP Hà Nội) xác định rất rõ: “Nhiều nước cần lao động Việt Nam có tay nghề, nên em chọn học nghề cơ điện. Từ tháng Năm, em đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào 1 trường cao đẳng nghề. Em sẽ học, rèn tay nghề thật vững rồi học thêm ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động. Em biết có nhiều anh chị học nghề xong, hoặc đi xuất khẩu lao động rất thuận lợi, lương cao; hoặc được các doanh nghiệp “xin” ngay từ khi chưa tốt nghiệp. Thích nhất là khi đi thực tập, các anh chị còn được doanh nghiệp trả lương”.
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2022, số người học nghề vượt 17% so với kế hoạch đặt ra. Trong khoảng 2,45 triệu người học nghề năm 2022, có khoảng 236.000 người trúng tuyển và theo học các trường cao đẳng nghề; khoảng 312.000 người dự tuyển và trúng tuyển vào các trường trung cấp nghề… Tất cả đều tăng so với kế hoạch. Năm 2023, hàng loạt trường đại học tăng học phí; nhiều đơn vị đào tạo nghề hy vọng, đây cũng sẽ là yếu tố giúp công tác tuyển sinh của họ thuận lợi hơn.
Ra trường không lo thất nghiệp
Mới đây, khi năm học 2022-2023 còn chưa kết thúc ở các trường nghề; hàng chục doanh nghiệp lớn như Công ty Honda Việt Nam, Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển công nghệ Hà Nội, Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc (FPT Telecom), Công ty TNHH Hyundai Phúc Yên… đã đến Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội (TP Hà Nội) tìm ứng viên cho hơn 300 vị trí việc làm. Họ cần lao động trình độ cao đẳng các nghề kỹ thuật như công nghệ ô tô, điện, điện tử, điện lạnh, cơ điện tử, cắt gọt kim loại… Mức lương khởi điểm các đơn vị này đưa ra là 8-10 triệu đồng/tháng.
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ đang có nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ ô tô, điện, điện tử, điện lạnh, cơ điện tử, cắt gọt kim loại… Hằng năm, trường đón 40-50 doanh nghiệp đến tuyển dụng và có đến 300-400 sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ngay tại trường.
Nằm trên địa bàn phát triển sôi động các khu công nghiệp, sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) được học và thực hành trong môi trường liên kết chặt chẽ giữa trường và doanh nghiệp. Công ty TNHH GoerTek VINA (khu công nghiệp Quế Võ, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, luôn có nhu cầu lớn trong tuyển dụng kỹ thuật, gồm cả kỹ thuật viên, kỹ sư, nhân viên thiết bị… Công ty đã trang bị hơn 50 bộ thiết bị trị giá hàng chục tỉ đồng để phục vụ hoạt động đào tạo cho lao động kỹ thuật, thực tập sinh.
Từ năm 2022, sinh viên năm thứ hai của Trường cao đẳng Cơ điện Bắc Ninh đã chuyển sang học tại trung tâm đào tạo của công ty và được hỗ trợ thêm học bổng 10-12 triệu đồng/năm. Đến năm thứ ba, sinh viên sẽ trở thành nhân viên của công ty, được hỗ trợ lương tháng khi trải nghiệm vị trí việc làm ngay tại xưởng sản xuất. (Mô hình đào tạo “1+1+1”).
Tại tỉnh Bắc Giang, Trường cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn đã cung cấp cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam hơn 1.200 lao động là kỹ thuật viên (chiếm 20% nhân viên kỹ thuật của đơn vị này). Trường đã ký hợp đồng liên kết với hơn 100 doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 3/2023, Trường cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn đã ký kết với Công ty TNHH GoerTek VINA.
Theo đó, trường có nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên, giúp sinh viên có cơ hội khi gia nhập thị trường lao động; còn doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhà trường trong tuyển dụng lao động. Sinh viên các ngành nghề điện, điện tử, kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, cơ khí… của trường cũng sẽ được đào tạo theo mô hình “1+1+1” như sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện Bắc Ninh. Cuối tháng 3/2023, đã có 61 sinh viên của trường trúng tuyển đợt tuyển dụng kỹ thuật viên của GoerTek VINA.
Trước nhu cầu tuyển dụng rất lớn từ các doanh nghiệp cũng như đón đầu sự dịch chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp THPT của các thí sinh; nhiều trường nghề ở một số địa phương như Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc), Trường cao đẳng Cơ giới Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình)… cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để cùng tham gia vào công tác đào tạo, cam kết 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp…
Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những năm qua kỹ năng nghề của người học đã được nâng cao. Trên 80% người tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề đã có việc làm, trong đó 70 - 75% làm việc đúng ngành, nghề đào tạo. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên, học viên các cơ sở này đạt 100%, trong đó 85 - 90% làm đúng ngành, nghề đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cũng đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: bộ đã phối hợp với Bộ GD-ĐT trình Chính phủ ban hành khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc, trong đó giáo dục nghề nghiệp có 5 bậc (từ bậc 1-5), bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học tập suốt đời. Khung trình độ quốc gia đã tham khảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Khung trình độ châu Âu (EQF), do đó sẽ tạo điều kiện cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - nhận định, việc tăng thí sinh lựa chọn học nghề, chủ động học nghề cho thấy các em đã có suy nghĩ sát với thực tế hơn. Chất lượng đào tạo của nhiều trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đã được nâng cao. Không ít trường đã được kiểm định trong nước, quốc tế và được doanh nghiệp tin tưởng. Song, để việc lựa chọn học nghề thực sự trở thành xu hướng, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp cần tập trung hơn nữa cho chất lượng đào tạo, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, để mang đến cơ hội thực hành, thực tập cũng như đầu ra cho sinh viên.
Với nguyên liệu chính là khoai tây, thí sinh cần hoàn thành 2 món ăn trong 60 phút tại hội thi nấu ăn “Potatoes USA - Tailored Seminar & Cooking Contest 2024”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc sở các tỉnh, thành phố phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận nghiêm túc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Ngày 11/11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức buổi họp mặt nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô năm 2024, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).