Chọn giáo dục đặc biệt, là chấp nhận dấn thân

14/04/2022 - 06:07

PNO - So với một nhà giáo bình thường, giáo viên giáo dục đặc biệt phải đối mặt với vất vả và nỗ lực hơn rất nhiều. Bởi lẽ, phương pháp giáo dục này dành cho những trẻ khiếm khuyết về trí tuệ, tinh thần, khuyết tật nghe nói và vận động…

Trải nghiệm đặc biệt

Nếu phải đúc kết cảm giác đứng trên bục giảng ở những lớp học đặc biệt thì với nhiều người là những trải nghiệm… vô cùng đặc biệt. Có khi cả lớp học không có lấy một âm thanh nào, đó là lớp học của những đứa trẻ khiếm thính, câm điếc. Thay cho những tiếng phát biểu í ới là những ánh mắt hao háo nhìn theo từng nét chữ của thầy cô. Khi thì đầy xáo trộn với những học trò mang nhiều khiếm khuyết khác nhau. Để dạy ở những lớp học này phải là những thầy, cô dày dạn kinh nghiệm, giỏi chịu đựng, biết chia sẻ và rất yêu trẻ. Vậy mà có những bạn trẻ lại chấp nhận mang đến những lớp học này sự nhiệt huyết và nguồn năng lượng tươi mới của mình.

Cô trò cùng nhau nỗ lực (trong ảnh: Nữ sinh viên Nguyễn Thị Lệ Duyên đang giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính) - Ảnh: T.Thư
Cô trò cùng nhau nỗ lực (trong ảnh: Nữ sinh viên Nguyễn Thị Lệ Duyên đang giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính) - Ảnh: T.Thư

Vốn không hiểu rõ về ngành giáo dục đặc biệt nhưng Nguyễn Thị Lệ Duyên, sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM, quyết định thử sức để tìm kiếm những trải nghiệm có giá trị. Ngày biết Duyên sẽ vào TPHCM nhập học, ông nội đã bảo gia đình xem bạn có thật sự đi học không hay bị lừa. Ba mẹ cũng ngăn cản vì dạy trẻ bình thường đã khó, huống chi đây là trẻ khuyết tật. Vậy mà, vượt lên mọi sự nghi ngờ, lo ngại, Duyên giờ đây đã sắp trở thành một cô giáo trẻ đầy năng lượng và chuyên nghiệp.

“Thời gian đầu, mình gặp khá nhiều khó khăn như không hiểu các bé nghĩ gì, nên không biết cách can thiệp và gần gũi các bé, đồng thời cũng chịu nhiều áp lực từ phía phụ huynh. Nhưng ánh mắt các em nhìn mình, cách các em nắm tay, vuốt tóc và muốn giữ mình cho riêng các em khiến mình sẵn lòng đối diện và vượt qua mọi thứ”, nữ sinh nói. Có lẽ, cảm giác muốn trải nghiệm đã dần biến thành tình yêu và sự cảm thông của cô giáo tương lai.

Khác với Duyên, Nguyễn Trang Như Huỳnh, sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM, rất rõ ràng trong việc chọn lựa ngành giáo dục đặc biệt - vì có em ruột là trẻ tự kỷ. Quan sát em mình từ khi còn nhỏ cho đến nay đã 18 tuổi, Huỳnh nhìn thấy được sự tiến bộ của em qua từng ngày, không nhanh nhẹn như một đứa trẻ bình thường nhưng phát triển theo cách của riêng em. Cũng từ đó, Huỳnh biết rằng không điều gì là không thể, chỉ cần có sự đồng hành và hỗ trợ, những đứa trẻ đều sẽ lớn lên.

“Ngày xưa, tôi không quan tâm em mình nhiều. Nếu gia đình can thiệp sớm hơn, có lẽ em đã biết nói từ lâu chứ không phải khó khăn cho đến tận bây giờ. Tôi cảm thấy hối hận và muốn sửa chữa những sai lầm, nhưng không phải chỉ với em mình mà còn cả những đứa trẻ đặc biệt khác”, Huỳnh bồi hồi kể.

Hiện tại, Duyên và Huỳnh vẫn đang cố gắng hoàn thiện kỹ năng để trở thành một nhà giáo thực thụ tại Trường Hy Vọng Quận 6 - ngôi trường nằm sâu trong con hẻm, khép kín với những học sinh khiếm thính và chậm phát triển.

Nuôi dưỡng những mầm non kém may mắn

Biết đến công việc dạy trẻ khiếm thính sau một lần đi thiện nguyện vào năm lớp 9, Đoàn Minh Sang, sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM, sớm đã nảy sinh niềm yêu thích công việc vất vả này. Vậy nên, khi lựa chọn nguyện vọng đại học, Sang đã chẳng ngần ngại chọn ngành giáo dục đặc biệt để viết tiếp tương lai cho mình.

Mang theo hành trang là sự háo hức nhưng khi vào đại học, Sang lại không khỏi bất ngờ, bỡ ngỡ, hay nói chính xác hơn là sốc và sợ. “Ban đầu, mình nghĩ giáo dục đặc biệt chỉ chuyên về khiếm thính và khiếm thị, nhưng vào đây mới biết là dạy cả trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, tăng động… Giống như dạy trẻ mầm non mà còn khó hơn như vậy nên rất lo lắng và thấy sợ. Phải mất một thời gian, mình bắt đầu thấy những đứa trẻ này thật dễ thương và thể hiện tình cảm theo một cách rất khác, nó khiến mình muốn chăm sóc và gắn bó”, nam sinh chia sẻ.

Sang vẫn nhớ như in vào ngày đầu nhận lớp cách đây hai năm. Một học trò có quá nhiều hành vi như la lối, nói nhảm, cào cấu người xung quanh khiến Sang rất bối rối. Nhưng sau khi hiểu rõ hoàn cảnh, Sang đã chọn cách đặt tình thương trò lên trên sự mệt mỏi của bản thân mình. Sang kể: “Em học trò tự kỷ từ nhỏ nên được mẹ chăm sóc hoàn toàn. Nhưng rồi em lại chứng kiến mẹ mất trước mặt mình, ba thì đi làm xa nên em về sống cùng bà nội. Cứ đi học về, bà lại cho uống thuốc ngủ để không bị làm phiền, bệnh tình cứ thế ngày càng nặng. Năm đó, em 14 tuổi, đi vệ sinh chưa biết kêu, tay chưa cầm được muỗng, nhìn em mà mình thương vô cùng”. 

Vậy rồi, Sang thay đổi hướng dạy, hỗ trợ hết mình cho em trong suốt năm tuần kiến tập. Dù khá khó khăn khi phải kèm cặp trực tiếp một nữ sinh nhưng Sang đã thật sự giúp được em. Cô bé dần kiểm soát được hành vi, vận động, tinh thần cũng ổn hơn nhiều. Có lẽ, sự thay đổi tích cực của em và những đứa trẻ khác đã giúp Sang nhận ra mình rất yêu nghề và làm được mọi thứ. “Dạy trẻ khuyết tật như kiến tha mồi về tổ, cứ từng chút mà tiến hành, vừa kiên trì, vừa thấu hiểu thì chắc chắn sẽ thành công”, Minh Sang - một trong số ít nam sinh chọn ngành giáo dục đặc biệt - bộc bạch. 

Theo tiến sĩ Hoàng Thị Nga, phụ trách Khoa Giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TPHCM, giáo dục đặc biệt có vai trò tương đối quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ lệ thuộc vào gia đình và cộng đồng, cũng như khám phá và phát huy tối đa tiềm năng của người khuyết tật để họ có những đóng góp trở lại cho cộng đồng, xã hội.

Ngoài năng lực của người giáo viên nói chung, giáo viên giáo dục đặc biệt cần có năng lực đặc thù của chuyên ngành. Kiên trì, không ngại gian khó, không ngừng nghiên cứu, học tập từ đồng nghiệp, chuyên gia liên ngành và từ chính phụ huynh là những phẩm chất quan trọng mà sinh viên cần học tập. Đặc biệt, các bạn luôn phải đặt mục tiêu giúp trẻ khuyết tật có cơ hội phát triển lên hàng đầu. Những năm gần đây, do nhu cầu giáo viên giáo dục đặc biệt ngày càng lớn nên sinh viên ngành này có tỷ lệ việc làm rất cao, trên 90%, theo thống kê hằng năm của trường. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI