Chọn đồ gốm sứ an toàn

05/10/2013 - 16:25

PNO - PN - Thị trường hiện có nhiều sản phẩm gốm sứ với xuất xứ, chất lượng, mẫu mã, giá thành khác nhau. Có sản phẩm chén, đĩa, ly bằng gốm sứ giá hàng triệu đồng/bộ nhưng cũng có những sản phẩm giá chỉ vài chục ngàn đồng/bộ.

edf40wrjww2tblPage:Content
Ảnh minh họa: internet
 

Nhân viên các cửa hàng chuyên bán chén, đĩa, ly bằng gốm sứ trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3, TP.HCM cho biết, phần lớn hàng hóa ở khu vực này được mua từ các lò gốm sứ Bình Dương và hàng của Trung Quốc. Trên tuyến đường Võ Thị Sáu, Q.3 cũng bày bán nhiều bình hoa, bình trưng bày được giới thiệu là gốm sứ Bình Dương, Bát Tràng và cả gốm ngoại nhập nhưng không rõ nguồn gốc. Vì thế, nhiều người tiêu dùng băn khoăn không biết nên mua loại nào cho an toàn.

TS Phạm Thành Quân - Trưởng khoa Hóa, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, độ an toàn của sản phẩm gốm sứ phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc nguyên liệu. Về nguyên tắc, vùng nguyên liệu khai thác phải bền vững và được kiểm tra, phân tích mẫu kỹ lưỡng, đạt yêu cầu không lẫn chì, cadmium, tạp chất… thì mới được sử dụng nung nấu thành phẩm. “Phân tích mẫu nguyên liệu rất đắt tiền nên nhiều cơ sở bỏ qua công đoạn này, thậm chí tận dụng những mảnh chén, đĩa vỡ trộn lẫn vào nguyên liệu để tiết kiệm chi phí. Nếu nguyên liệu không đạt yêu cầu và tỷ lệ pha trộn không thích hợp, nguy cơ thành phẩm nhiễm chì rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”, TS Quân cảnh báo. Đồ dùng bằng gốm sứ an toàn, chất lượng, ngoài tiêu chuẩn không chứa chì, cadmium còn phải đảm bảo độ bền, cứng, khó trầy xước, nứt, mẻ khi dùng và lớp men bảo vệ phải trong suốt, láng bóng, phẳng mịn, đẹp; khó bám bẩn, dễ tẩy rửa…

Một số tiểu thương bán sản phẩm gốm sứ lâu năm cho biết, chén, đĩa, nồi niêu bằng sứ nhẹ, bóng, nhưng chịu được va đập, nhiệt độ cao và khó vỡ hơn đồ gốm. Khi mua, dùng tay sờ vào lớp hoa văn, không có cảm giác cộm, nhám thì mới chọn, không nên mua sản phẩm có vết rạn nứt. Nhiều loại nồi niêu bằng đất nung bày bán ở chợ dùng để kho cá, thịt khi dùng rất dễ thấm nước, khác với loại nồi niêu bán trong cửa hàng, siêu thị có độ chắc, cứng và lớp men láng bóng trong ngoài. Theo phân tích của người trong nghề, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.5000C mới đạt yêu cầu, nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800 - 1.1000C. Ngoài ra, đồ sứ, gốm còn có nguy cơ chứa chì, cadmium... trong men trang trí hoa văn nếu không tuân thủ đúng kỹ thuật. Những sản phẩm không đạt yêu cầu nếu dùng đựng thức ăn nóng, chua… có axit, kiềm muối ở nhiệt độ cao sẽ làm giải phóng chì, nhiễm vào thức ăn, rất độc hại. Người tiêu dùng khi mua nồi niêu nên kiểm tra bằng cách đổ nước vào nồi: nếu nồi hút nước nhanh là đồ gốm nung không đủ nhiệt, có nguy cơ gây nhiễm độc chì. Hoặc có thể thử bằng giấm: nếu bát, đĩa ngâm vào giấm mà nước giấm đổi màu thì không nên sử dụng, vì đồ dùng dễ bị thôi nhiễm.

 Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI