Chọn dễ hay chọn hạnh phúc?

28/09/2024 - 08:25

PNO - Đậu đại học đúng là quan trọng nhưng nếu nó khiến ta trở thành một trong số những người thuộc thế hệ lao động không hạnh phúc thì đó là một sai lầm.

Khi cháu tôi bảo “Con chọn ngành PR của Học viện Báo chí và Tuyên truyền bác ạ! Với dự đoán về điểm thi của mình, con nghĩ mình sẽ đậu”. Tôi ngạc nhiên vô cùng vì cô bé chưa bao giờ nói thích ngành này. Tôi hỏi đi hỏi lại mới hiểu rằng cháu chọn ngành này vì… có khả năng cao sẽ đậu và dễ tìm việc. “Đó không phải ngành con thích nhưng cũng như bác học sân khấu điện ảnh mà vẫn ra làm báo đó thôi. Quan trọng là đậu đại học cái đã, bác nhỉ?” - cháu giải thích.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Không phải thế đâu cháu gái của bác ạ! Bác thi sân khấu điện ảnh vì bác thực sự yêu thích việc sáng tác, nghề báo đến với bác vì nó gần với nghề viết. Sâu thẳm trong bác vẫn là việc sáng tác. Bác hạnh phúc khi thấy các tác phẩm của mình thành hình hài trên màn ảnh rộng, trên sân khấu kịch. Còn cháu thích làm báo và chưa hề quan tâm gì về PR, truyền thông. Đậu đại học đúng là quan trọng nhưng nếu nó khiến cháu trở thành một trong số những người thuộc thế hệ lao động không hạnh phúc thì đó là một sai lầm.

Có một thế hệ lao động không hạnh phúc như thế ngoài kia. Đôi khi ngay trong nghề báo của tôi, có những phóng viên chẳng viết nổi một bài báo ra hồn, ngày ngày cầm thẻ nhà báo đi làm những việc tổn hại đến uy tín nghề báo. Dù kiếm bộn tiền từ những bài báo đánh đấm doanh nghiệp nhưng họ không hề được xã hội, đồng nghiệp trân trọng. Hay những “xác sống” đang ngồi trong nhiều công sở, họ đi làm chỉ như đi cày ải để được trả lương, sinh tồn. Hoặc cả những “con ông cháu cha” làm nghề cha truyền con nối nhưng chưa khi nào hạnh phúc. Và cả những người như cháu tôi, chọn một trường dễ đậu rồi phí hao những năm tháng sau đó trong một công việc mình chưa từng yêu thích.

Đúng! Chúng ta vẫn cứ nói: nếu không làm được việc mình thích thì hãy thích việc mình làm. Nhưng đó chỉ là câu nói động viên, khích lệ mang tính vuốt ve người thất bại và chán chường với công việc họ đang làm. Còn với những người trẻ hôm nay, những người đang đặt bút điền đơn vào những ngành học, trường học chỉ vì nó chắc chắn đậu dù không phải ngành học, trường học mình mong muốn, yêu thích thì... phí phạm quá. Phí phạm 4 năm học. Phí phạm có khi cả 40 năm sau đó nếu ta cứ chép miệng như loài thạch sùng. Rồi đổ lỗi cho số phận đưa đẩy. Rồi nói nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề.

Chúng ta có thể chọn sai vì đam mê của năm 18 tuổi chưa chắc đúng với năng lực thực sự mà ta nhận ra khi ta 20, thậm chí 30. Chúng ta có thể sửa sai vì chúng ta còn dư dả thời gian. Như vợ tôi, chọn thi văn bằng 2 là ngoại thương năm 24 tuổi, sau khi đã mất 4 năm học Học viện Nông nghiệp, 2 năm đi làm ở Viện Di truyền. Đó là khi nàng nhận ra nàng thích kinh doanh hơn. Nhưng nếu như hôm nay, khi ta đang có quyền lựa chọn, tại sao ta chọn Dễ để rồi bỏ qua Hạnh Phúc? Đậu đại học có thể khiến ta hạnh phúc nếu đó là trường đại học ta hằng mơ ước, là ngành học mà ta muốn được làm việc mai này. Còn nếu chỉ là để “đậu”, để dễ tìm việc, ta có hạnh phúc không?

Bắt đầu sai thì mọi thứ sau đó đều chẳng thể cố thành đúng được. Ta chỉ tự đánh lừa mình bằng những thứ giả dược hạnh phúc. Những người già, hết cơ hội sửa chữa rồi mới an phận thủ thường chứ các bạn trẻ hôm nay còn rộng dài thời gian sao có thể chọn Dễ để làm Khó cả một hành trình phía trước, để đẩy mình vào đội ngũ thế hệ lao động không hạnh phúc? Phải chăng vì năm rộng tháng dài nhưng lòng người sốt ruột; phải chăng vì chúng ta sống trong thế giới 5 giây đèn đỏ cũng không muốn chờ, tiêu thụ những văn hóa cụt lủn - 30 giây TikTok, sách rút gọn, thời trang nhanh, thức ăn nhanh… nên cả cha mẹ lẫn con cái đều chỉ chăm chăm “tới đích” thay vì “trúng đích”?

Ta chọn Dễ hay ta chọn Hạnh Phúc thực sự?

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI