Tuần trước, cô bạn thân gọi tôi ra để… nói xấu chồng. Thôi thì vô số, nào là tính tình chồng bạn trên mây trên gió, sự nghiệp trồi sụt chẳng đến đâu, việc nhà không bao giờ đụng tay, ăn nói thì vô duyên bỗ bã, xem bố mẹ vợ như người dưng…
Càng nghe, tôi càng thấy tức giùm bạn nên hỏi: “Thế sao ngày xưa bạn lấy ông ấy?”. Bạn bảo: “Ngày xưa mình thấy ông ấy hiền lành, chung thủy, lại đẹp trai”. “Vậy giờ ông ấy còn hiền, còn chung thủy, còn đẹp trai không?”. “Còn, nhưng mình không chịu được mấy cái tính xấu kia nên mấy ưu điểm đó cũng thành zero rồi”.
Ảnh minh họa
Tôi lại hỏi: “Ngày xưa bạn có thấy mấy điểm tệ này của ông ấy không?”. Bạn tôi thở dài: “Có, nhưng mọi người bảo ai mà chẳng có khuyết điểm, quan trọng là hiền lành, chung thủy, nhưng giờ mới thấy sống chung với khuyết điểm của người khác đâu có dễ”.
Nhìn gương mặt ngán ngẩm của bạn mình, bất giác tôi nhớ đến một chia sẻ khá hay trong quyển Làm lành với hôn nhân của Elizabeth Gilbert. Vào một ngày đẹp trời, Elizabeth hỏi bạn trai của mình - Filipe - suy nghĩ thế nào về cô và mối quan hệ của họ. Filipe - vốn là một nhà kinh doanh đá quý - đã trả lời rằng, trong những năm đầu kinh doanh, anh thường mua những gói đá quý từ các tay buôn. Mỗi gói như thế sẽ có hai hoặc ba viên đá rất to, rất đẹp và rất nhiều viên nhỏ, xấu, góc cạnh. Lúc đầu, anh luôn xem kỹ các viên đá to, đẹp và quyết định chọn gói nào dựa trên các viên đá lộng lẫy đó. Nhưng khi bắt đầu bung gói đá quý ra để chế tác, anh mới thấy mệt mỏi vì các viên đá xấu, không biết làm thế nào để chúng trông đẹp hơn, bán dễ hơn và không bị lỗ.
Sau vài lần như thế, Filipe đổi cách chọn đá. Anh không quan tâm đến những viên đá to và đẹp nữa, mà tập trung nghiền ngẫm những viên đá bị lỗi, suy nghĩ xem mình có thể làm gì với chúng rồi mới quyết định chọn. Và bây giờ với tình yêu cũng vậy. Anh bảo với Elizabeth rằng, anh đã ở bên cô đủ lâu để nhìn hết, hiểu hết các “viên đá xấu” và sẵn sàng “mua trọn gói”.
Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?
Có một thực tế gần như định hình trong suy nghĩ của chúng ta là khi chọn người yêu hay bạn đời, chúng ta thường đặt ra và tìm kiếm theo các tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn này luôn là ưu điểm như hiền lành, chung thủy, thành đạt… Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng, khuyết điểm - như các viên đá xấu - nhìn có vẻ chẳng đáng kể nhưng lại là thứ chúng ta phải “vật lộn” hằng ngày, thậm chí cảm thấy bế tắc vì không làm sao cho khá hơn được.
Ảnh minh họa
Sau nhiều thất bại trên tình trường và từ cuộc hôn nhân của mình, tôi nghiệm ra rằng, chọn người yêu hay bạn đời theo tiêu chuẩn là một trong những cách gần nhất để đi đến thất vọng. Các ưu điểm luôn ở đó, nhưng khuyết điểm thì không. Nó mỗi ngày một “phình to” và luôn tỷ lệ nghịch với sức chịu đựng của người trong cuộc. Và khi ấy, chúng ta - như những nhà kinh doanh đá quý kém kinh nghiệm - chẳng còn cách nào khác ngoài buông luôn “gói đá quý” của mình hoặc cứ ôm lấy nó mà nhìn niềm vui sống của mình bị hút đến cạn kiệt.
Vậy nên, có dịp nói chuyện với các cô gái trẻ sau này, khi nghe các cô than về người yêu rồi tặc lưỡi: “nhưng mà anh ấy cũng được…”, tôi lại kể cho các cô nghe kinh nghiệm mua đá quý của Filipe. Rằng hãy nhìn vào các khuyết điểm và cân nhắc xem liệu chúng ta có sẵn lòng “mua cả gói” hay không. Rằng thay vì liệt kê ra một bảng tiêu chuẩn chọn người yêu, chúng ta nên liệt kê một bảng “phất cờ” để né các “đối tác” không thích hợp. Bảng bao gồm những khuyết điểm mà bạn không bao giờ thỏa hiệp được (cờ đỏ) và những khuyết điểm bạn có thể chấp nhận, đồng thời tìm giải pháp (cờ xanh). Nếu anh ấy vướng “cờ đỏ”, hãy quyết tâm dừng lại, còn “cờ xanh” thì bạn có thể suy nghĩ thêm. Bằng cách này, chúng ta sẽ tránh bị mù quáng bởi những “viên đá lộng lẫy”, cũng như sẵn lòng hơn để đón nhận những “viên đá xấu”. Mối quan hệ nhờ thế sẽ thực tế và bền vững hơn.
Trở lại với câu chuyện của bạn mình, tôi bảo bạn rằng: “Bạn có thể đã “mua” nhầm “gói đá quý” ban đầu nhưng bạn vẫn còn cơ hội để “mua” lại các “gói đá quý” khác.
Hãy xem lại thật kỹ những “viên đá xấu” bạn đang có và nghĩ xem có thể làm gì với chúng hay không. Nếu thật sự bế tắc, hãy mạnh dạn từ bỏ và lần sau, bạn sẽ… có kinh nghiệm hơn”. Hôn nhân hay tình yêu, suy cho cùng, không chỉ là cảm xúc mà còn là một sự lựa chọn.