Chọn chồng là bạn đường

28/12/2021 - 05:55

PNO - Hình ảnh bố đồng hành cùng mẹ đó cứ trở đi trở lại trong tôi. Đến tuổi lập gia đình, trở thành kim chỉ nam để tôi chọn chồng.

Hồi ấy, để có tiền sắm tết, vào những tháng cuối năm mẹ tôi hay vào rừng nhặt củi. Khu rừng khá xa nên mẹ thường đem theo cơm nắm để ăn trưa. Mẹ sẽ chọn những cây thân thẳng, trẩy hết cành và lá rồi chặt thành những khúc ngắn đều nhau, sau đó cột lại thành từng bó, đến chiều thì gánh về nhà.

Tôi lúc đó đang học khoảng lớp Ba. Thời gian đến trường chỉ trong buổi sáng nên buổi chiều tôi thường lon ton chạy theo bố đi đón mẹ, sau khi bố đi làm về. Cả đoàn có đến gần chục người phụ nữ cùng đi lấy củi, nhưng có mỗi mình mẹ tôi được bố đón và gánh hộ nửa đường. 

Mãi sau này, hình ảnh bố đồng hành cùng mẹ đó cứ trở đi trở lại trong tôi. Đến tuổi lập gia đình, trở thành kim chỉ nam để tôi chọn chồng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Tôi luôn thầm nhủ: Chồng mình không cần giàu có, nhiều tài năng, cũng chẳng cần thấu hiểu, nhường nhịn tôi đến mức tri âm tri kỷ. Anh ấy chỉ cần là một người bạn đường, luôn có mặt vào những lúc tôi cần. Để trở thành một người bạn đường, yếu tố gốc rễ là tình thương. Tình thương sẽ giúp ta nhìn thấy, nhận ra đau khổ, khó khăn của đối phương, từ đó mà sáp lại gần để động viên và giúp đỡ lẫn nhau.

Trong cuộc sống, có nhiều cô gái khi yêu thường đặt hết tình cảm và kỳ vọng, họ mong muốn sở hữu một mối tình nhiều mật ngọt, một người tình lắm đắm say. Để rồi đến khi đi qua thời tuổi trẻ, trải nghiệm nhiều bão giông mới thấy cuộc tình được đắp đổi từ những mộng mơ, bay bổng ấy thật quá mong manh.

Hôm vừa rồi, tôi nghe Diệu kể: “Cuối tuần mình bị ngã xe, chân tay be bét máu, khó khăn lắm mới chạy được về tới nhà. Việt trong nhà nhìn ra thấy vợ mà chẳng thèm nhấc chân, vẫn điềm nhiên ngồi chơi game”.

Diệu và Việt là mối tình đầu của nhau. Từ khi quen đến lúc ra trường, đi làm, rồi mở công ty riêng, mối quan hệ giữa hai bạn luôn được duy trì một cách thuận lợi. Thế nhưng, ngày công ty phá sản, Việt nai lưng gánh nợ, gia đình nhỏ của bạn lập tức rơi vào cảnh cãi vã, lục đục.

Diệu càng dịu ngọt để san sẻ, động viên chồng bao nhiêu thì Việt càng xuống dốc, chướng nết bấy nhiêu. Có những lúc quá đáng, Diệu mở lời nhắc nhở, đánh động vài câu, Việt lại cho là cô hẹp hòi, khinh chồng sa cơ lỡ vận. 

Sau này, lúc Diệu xin được việc làm mới với mức lương khá hấp dẫn, Việt lại càng dở chứng nhiều hơn. Việt cho rằng Diệu cặp kè với sếp nên mới được cân nhắc, và vì mối quan hệ mờ ám đó nên mới luôn đi sớm về muộn. Việt đâu biết cô bận sấp mặt, để có thêm tiền giúp Việt trả nợ, ngoài việc công ty Diệu còn nhận thêm tài liệu, hồ sơ ở những đơn vị khác để làm thêm. 

Càng ghen tuông, Việt càng đổ đốn, chẳng còn chút tôn trọng, nâng đỡ vợ. “Mình từng nghĩ Việt là bạn đời, nhưng đến khi gập ghềnh mới biết cảm giác là bạn đường còn chưa có nổi”, Diệu chua chát nhắn với tôi.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, mỗi năm cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn. Con số ấy quả thật đáng suy nghĩ. Vậy nhưng, số cuộc hôn nhân vẫn duy trì nhưng không còn giữ được hạnh phúc thì tôi tin chẳng giấy mực nào thống kê hết. 

Những người trong cuộc sẽ có muôn vàn lý do để biện hộ, níu kéo mối quan hệ vợ chồng đã cạn ráo cả nghĩa lẫn tình. Như Diệu, bạn tôi, có lẽ, bạn ấy cũng như trăm ngàn phụ nữ khác, vì thương con, vì không muốn con cái lớn lên trong gia đình - khuyết - đi - một - nửa, nên vẫn mãi dùng dằng. Bé Nhím, cu Bin… con bạn sẽ khó tránh được tổn thương khi phải sống chung với một người bố không còn thương và tôn trọng vợ.

Tuy nhiên, điều tôi mong muốn hơn là vợ chồng bạn ngồi lại với nhau, bỏ qua những hiểu lầm, những tự ái mà cùng lên kế hoạch giúp nhau để vẫn còn là bạn đường, bạn đời của nhau. Đó mới thật sự là vì con.

Tình yêu mang đến cho lứa đôi sự thăng hoa, khiến họ nhìn thấy những thiên đường mà mình đang bay đến. Tình thương thì khác, nó chẳng phải phép nhiệm màu nào cả. Tình thương là sự gắn bó bền chặt, là những nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ nhau mỗi ngày. 

Tôi nhớ, trong những bó củi mà mẹ tôi kiếm được năm xưa, mẹ luôn dắt kèm vào đó những nắm lá rừng bố yêu thích, đem về nấu nước uống. Những nắm lá thập cẩm ấy, có mùi thơm thảo dược giúp bố ăn ngon và ngủ sâu giấc… 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI