'Chồm hổm giữa chợ quê': Mùi quê ở xứ xa

14/07/2017 - 10:25

PNO - Ngày mang câu chuyện 'Chồm hổm giữa chợ quê' mới đây, Nguyễn Hữu Tài đã mang cả một góc chợ nhỏ với những mâm bánh quê ra bày cùng sách- hình ảnh gợi ký ức của những đứa trẻ lớn lên nơi quê nghèo, rồi bước chân đi...

“Có độc giả già ở Đức, mỗi lần tôi ra sách là lại nhờ gửi sang. Ông nói đọc sách của tôi để thấy lại quê hương, ký ức mình hồi đó” - nhà văn Nguyễn Hữu Tài, hiện sống và làm việc ở Mỹ nhưng đã in rất nhiều tác phẩm viết về Việt Nam, chia sẻ. Đó cũng là điều khiến tác giả sinh năm 1981, đã có hơn 15 năm sống ở xứ người, cảm động. Các buổi ra mắt tác phẩm mới của anh ở Mỹ cũng tràn ngập nỗi nhớ của người Việt tha hương về năm tháng cũ.

Ngày mang câu chuyện Chồm hổm giữa chợ quê (tạp văn, NXB Văn hóa Văn nghệ) ra Đường sách TP.HCM trong lần về nước ngắn ngủi mới đây, Nguyễn Hữu Tài đã mang cả một góc chợ nhỏ với những mâm bánh quê ra bày cùng sách - hình ảnh gợi ký ức của những đứa trẻ lớn lên nơi quê nghèo, rồi bước chân đi... 

'Chom hom giua cho que': Mui que  o xu xa
 

“Đi chợ quê, ngồi chồm hổm, ăn những món dân dã; những cuộc trò chuyện cũng mộc mạc, bình dị và đáng nhớ. Cái dáng ngồi kiểu nhà quê ấy, chỉ có thể thấy khi chúng ta ra chợ - thật bình dị mà đi xa rồi lòng cứ thèm, cứ nhớ mãi không quên” - Nguyễn Hữu Tài tâm sự. 

Bao lần về quê nhà Ninh Hòa (Khánh Hòa), anh vẫn “theo lối cũ”, ra chợ ngồi ăn hàng như đứa trẻ năm xưa. Ăn để thỏa nỗi nhớ, mà cũng là để được tiếp tục viết về quê nhà. Mùi vị quê hương trong những trang sách của Tài không chỉ khiến người xa quê thổn thức, mà chính người ở quê nhà đọc cũng phải xốn xang. Những món rạm giòn cay, canh chua cá trầu, cơm cháy chiên tóp mỡ... ngon lành, đẹp đẽ và da diết nhớ thương trong tháng năm đã không còn tìm lại được. 

Có rất nhiều khu chợ quê sống trong ký ức bao người, cũng có nhiều cuốn sách viết về những món ăn dân dã đặc trưng mỗi vùng miền. Nhưng mùi quê ở xứ xa trong sách của Tài đầy ắp những ân tình đã mãi nằm lại trong chốn thương của những ngày quá vãng. Tác giả sống cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhưng bạn bè kết nối trên facebook lại như thấy không gian ấy rất gần; bởi mùi quê nhà cứ được nhìn thấy từ những món ăn thân thuộc mà Tài cất công tìm mua mỗi cuối tuần từ khu chợ người Việt.

Giữa lúc nhiều người trẻ trong nước tìm đến những miền đất lạ để mang về những trang sách du ký ăm ắp trải nghiệm thì nhiều người xa quê lại muốn trở về viết cho “con sông Dinh”, cho những buổi chợ quê... “Cộng đồng người Việt nơi tôi sống, nhiều người lớn tuổi vẫn dùng ngôn ngữ cũ; nên nhiều khái niệm, ngôn ngữ hiện đại tôi viết họ không hiểu. Nhờ vậy mà tôi được dịp giải thích, tìm hiểu và càng thấy gần gũi hơn với quê mình” - Tài bộc bạch.

Ngòi bút thiên di, mang hồn cốt quê nhà đến xứ người bằng những trang viết, có lẽ cũng là niềm an ủi và lưu giữ cố hương cho một thế hệ khác đang lớn lên ở xứ người. 

Tiểu Quyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI