Giữa tôi và cha mẹ mình luôn có một khoảng cách lớn, dù họ vẫn luôn yêu thương con cái. Khi còn thơ ấu, những khi cần chút vỗ về hay đùa nghịch với cha mẹ, tôi luôn nhận được câu nói: “Con đừng lờn mặt”. Thỉnh thoảng, tôi nghe người lớn nhắc nhau: “Thương con cũng đừng thể hiện quá, tụi nhỏ sẽ… trèo lên đầu ngồi”.
Tôi tin mình không phải là trường hợp cá biệt. Và khi trở thành một người mẹ, tôi lắm lúc lúng túng không biết nên thể hiện sự thân thiết với con mình ở mức độ nào, để con vừa chơi với mình như một người bạn, mà vẫn giữ được sự tôn trọng cần thiết.
Chúng ta hẳn đã nghe nhiều về lý thuyết: cùng chơi với con để tạo sự gắn kết mối quan hệ gia đình, giúp trẻ phát triển các kỹ năng thể hiện cảm xúc, giao tiếp xã hội, và xây dựng cho trẻ những cách tự tạo niềm vui cho chính mình… Nhưng trên thực tế, người lớn có thực sự thấy vui vẻ, thoải mái khi hằng ngày cùng con chơi các trò tháo lắp, ghép hình, tô màu, rượt đuổi, trốn tìm…?
Chúng ta hầu như không có khái niệm chơi cùng con, vì công việc mưu sinh, những mối quan hệ xã hội, những việc nhà không tên… đã chiếm hầu hết thời gian của chúng ta rồi. Và hơn hết, chúng ta không phải là trẻ con nên không có nhu cầu, cũng như không còn phản xạ để chơi với một đứa trẻ, dù đó là con mình. Cuối cùng, trẻ trải nghiệm toàn bộ thời gian ấu thơ với người giúp việc, với thiết bị điện tử, với thầy cô và các bạn nhỏ khác, hoặc là tự chơi một mình.
Hiếm có cha mẹ nào dũng cảm thừa nhận mình không thích chơi cùng con. Thông thường, người lớn dễ bị sự chai sạn của mình lấn át. Chúng ta không còn đủ trong trẻo để tìm thấy niềm vui thật sự trong những trò chơi ngây ngô đó. Mấu chốt vấn đề chính là ở chỗ này, trẻ con thích chơi một hai thứ lặp đi lặp lại mà không hề thấy chán, nhưng người lớn thường thấy những trò chơi đó vô ích, khó hòa nhịp. Hoặc nếu tham gia, họ vẫn không cởi bỏ được vai trò “cha mẹ” để trở thành bạn chơi của con. Trong khi đó, theo các chuyên gia, chơi lặp đi lặp lại cũng là cách học và khám phá thế giới xung quanh của con trẻ.
|
Thử chơi vài trò đơn giản với trẻ, bạn sẽ hiểu niềm hạnh phúc của chúng lớn đến thế nào - Ảnh minh họa |
Con trai tôi từ lúc ba, bốn tuổi đã thể hiện niềm đam mê kỳ lạ với môn cờ vua. Khi đi nhà sách, bé đã tự chọn cho mình một bàn cờ, và từ đây, những ngày chơi cùng con của tôi trở nên thường xuyên hơn. Thông qua việc chơi cùng, chúng tôi được trải nghiệm rất nhiều bài học chung. Khi mới bắt đầu biết chơi, con tôi thường thua một cách dễ dàng. Những lúc gần thua, thằng bé xoay bàn cờ lại để quân thắng thuộc về mình, và nói: “Bàn cờ của ai thì luật của người đó”.
Lúc đầu tôi quá sửng sốt và bật cười rồi bỏ qua. Nhưng sau khi bé làm vài lần, đến lượt tôi đưa ra luật thì bé cũng phải chơi “fair play” đến cùng, nếu bé không giữ lời hứa thì phải chơi một mình. Và tôi cũng không cần phải giả bộ thua để con vui.
Sau một thời gian, khi trình độ chơi cờ của con tiến triển, thì tôi cũng tự động bị loại mà không cần phải từ chối, vì “mẹ đã không còn là đối thủ của con”.
Do văn hóa kính trên nhường dưới, hoặc do sự chiều chuộng con trẻ thái quá ở một số gia đình, việc cha mẹ và con cái chơi cùng với sự tương tác đồng đẳng trong lúc chơi là hiếm có. Việc nảy sinh những niềm vui tự nhiên trở nên không hề dễ dàng. Hoặc là cha mẹ ở thế áp đặt, hoặc cha mẹ ở thế “luôn giả bộ thua” để nhường con, dẫn đến cả hai phía đều dễ thấy chán hoặc không có tiếng nói chung. Và để tìm niềm vui, con cái chúng ta bắt đầu gắn chặt với ti vi, máy tính bảng, điện thoại… dù ai cũng biết tác hại của những tiện nghi này.
Từ sự lúng túng ban đầu, tôi dành thời gian quan sát, tìm hiểu, chơi với con và học hỏi từ con mình. Tôi quan niệm rằng những gì cha mẹ để lại cho con cái là kỹ năng và ký ức về những ngày cha mẹ và con cái lớn lên cùng nhau. Nghĩa là, con cũng giúp tôi trở về tuổi thơ một lần nữa, để lại đồng hành và lớn lên cùng con mỗi ngày.
Cách chơi với trẻ
Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, có một số quy tắc cha mẹ cần ghi nhớ khi chơi với trẻ:
- Cha mẹ nên theo yêu cầu và luật của con về trò chơi, nhưng hãy đảm bảo trò chơi an toàn cho trẻ.
- Không nên sử dụng vai trò cha mẹ để áp đặt con cái theo ý mình trong lúc chơi, hãy để đứa trẻ chủ động chọn thay đổi trò chơi.
- Lắng nghe trẻ, có thể góp ý nhưng không nên ra lệnh.
- Thỉnh thoảng nên có những đối thoại tương tác theo cách hỏi gợi ý để tăng trí tưởng tượng cho trẻ.
- Không nên hạn chế thời gian chơi của trẻ.
- Cho phép trẻ thử nghiệm những trò chơi mới lạ theo trí tưởng tượng, miễn đảm bảo tính an toàn.
- Không cạnh tranh với trẻ.
- Luôn đề cao và khích lệ những nỗ lực của trẻ trong lúc chơi để trẻ có thể phát huy thêm những khả năng, vì đối với trẻ, chơi là cách bắt chước đóng vai, làm nhiệm vụ và đang thực hành vai trò như cách người lớn chúng ta đang sống mỗi ngày.
Nhất Phương