Mời bạn chia sẻ quan điểm, câu chuyện về việc con trẻ tiêu xài sang chảnh cùng diễn đàn "Rich kid - con là ai?".
Bài viết, ý kiến, clip... xin gửi về địa chỉ email online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn như quy định.
|
Một ngày đẹp trời, con tôi khoe: “Bất cứ đôi giầy hiệu nào, chỉ cần mẹ đưa hình là con đọc được tên dòng sản phẩm, năm ra đời và giá chính xác”. Tôi bật cười: “Từ hồi nào con chuyển từ mê sách sang mê giầy vậy?”...
Hôm vừa rồi, con năn nỉ xin bà nội 7 triệu đồng mua đôi giầy thể thao hàng hiệu, gia đình tôi chấn động.
Nếu chúng tôi khá giả thì chuyện ấy cũng thường. Nhưng thu nhập của tôi và ba của bé mỗi tháng cũng chỉ bằng hai lần giá đôi giày kia. “Sao con lại đua đòi vậy? 7 triệu đồng là mấy tháng lương hưu của bà nội đấy!”, chồng tôi la lối. Con tôi im lặng, thái độ lầm lì.
|
Cậu bé Gia Kỳ đi siêu xe, xài thẻ tín dụng hạn mức bạc tỷ, học trường quốc tế có mức phí đắt đỏ ở TP.HCM đang là một hình mẫu rich kid tiêu biểu |
Tôi và ba bé cãi nhau. Anh nói rằng tôi nên cấm con chat chít với Thu Tâm, vì bé Tâm quen xài sang nên con đua đòi.
Quả thật gần đây con tôi hay nhắc chuyện giàu nghèo. Nhiều hôm con nói: “Mẹ, Tâm lại được đổi iPhone 12". "Mẹ tính coi từ đầu tới chân Tâm khoảng nhiêu tiền? Cái gì trên người nó cũng là đồ hiệu!”.
Tâm là con gái của bạn tôi. Tôi và cha mẹ bé từ tỉnh lẻ vào TPHCM học đại học và Tâm không phải đứa trẻ “ngậm thìa vàng”, sinh ra ở vạch đích. Ông bà nội ngoại của bé đều là nông dân. Cha mẹ của bé trước kia cũng chỉ là nhân viên bình thường trong một tập đoàn xây dựng.
Hồi những năm 2016-2018, cha bé ra ngoài kinh doanh bất động sản và "trúng đất" nên giàu lên nhanh chóng. Anh bắt đầu mua nhà lớn, đổi xe sang cho vợ đi làm, thuê tài xế riêng chở con đi học trên chiếc Lexus trên 7 tỷ.
Lên cấp II, Tâm được chuyển từ trường công sang trường quốc tế có mức học phí vài trăm triệu đồng một năm. Bé có mấy tủ đồ thời trang với cả trăm loại giầy và túi xách hiệu.
Ngoài sống sang chảnh, Tâm còn được đầu tư cho đi học các khóa ngoại ngữ và kỹ năng đắt đỏ. Mẹ bé nói với tôi: “Nhà có mỗi đứa con, đầu tư môi trường tốt để nó có phong cách sang chảnh một tí. Mai mốt con đi du học hay phải giao tiếp với giới thượng lưu của ba, sẽ không bỡ ngỡ.”
|
Bé Bảo Ngọc - ngôi sao của seri phim truyền hình ăn khách "Gia đình là số Một" phiên bản Việt - đã thành công trong vai một một rich kid |
Từ tâm tình của bạn, tôi nhớ lần một đại gia Vũng Tàu gọi. Chị hỏi tôi làm ngành giáo dục có biết trường cấp III nào mà con cái giới nhà giàu Sài Gòn chọn học không? Chị muốn con gái chuyển nơi học, còn kiếm bạn trai phù hợp, bởi con chị đang có "nguy cơ yêu phải thằng khố rách áo ôm”, “ thằng đào mỏ”...
“Để ở nhà, nó giao du với bọn hư hỏng, nghiện hút nữa… thì mệt”, chị nói rồi khoe đã tính toán sẽ thuê biệt thự khu nào ở TPHCM, sẽ thuê cô giúp việc phục vụ cơm nước, thuê lái xe tin cẩn đưa đón con...
Suy nghĩ của bà mẹ Vũng Tàu không sai, suy nghĩ của cô bạn tôi càng không sai, “mây tầng nào gặp gió tầng ấy”, định hướng bạn bè, người yêu cho con là việc người mẹ nào cũng muốn. Thế nhưng, trong cái kế hoạch của các bà mẹ giàu, tôi cứ thấy lấn cấn gì đó...
|
Các cô gái con nhà giàu thường chơi với nhau - Ảnh minh họa |
Tuần vừa rồi, mấy gia đình quen thân rủ nhau đi cà phê, tôi hầu như không nhận ra cô bé Thu Tâm dễ thương ngày xưa. Khi những đứa trẻ khác chơi với nhau vui vẻ thì bé Tâm nhìn cả nhóm bằng ánh mắt lạnh lùng, khinh khỉnh. Hầu hết thời gian bé lấy điện thoại ra bấm. Từ cung cách, kiểu ăn nói quá tự tin tới thứ ngôn ngữ Việt trộn Anh hỗn loạn của bé, tôi thấy Tâm đang say mê trong viễn cảnh cha mẹ vẽ ra.
Tâm nói với mẹ con tôi rằng: "Ba con nói sẽ tập cho con sớm tiếp quản công ty và sẽ để lại cho con tài sản ít nhất 500 tỷ đồng. Bây giờ con chỉ cần học giỏi tiếng Anh để làm ăn với người nước ngoài. Không cần học mấy môn tự nhiên chi cho đau đầu!".
Nghe Tâm nói bằng cái giọng còn ngây thơ, tôi ngỡ ngàng. Bé mới 12 tuổi, việc đáng ra con phải lo bây giờ là hoàn thành các môn học ở trường và rèn luyện kỹ năng sống, bồi đắp văn hoá... Con cũng cần học cách ăn uống và sinh hoạt lành mạnh thay vì cận nặng vì bấm điện thoại và để dư cân quá mức như hiện tại.
Lo lắng cho Tâm, tôi muốn góp ý với mẹ bé. Nhưng bây giờ, khoảng cách giàu nghèo giữa tôi và bạn đã quá xa. Suy nghĩ và quan điểm sống chẳng ai còn như xưa nữa, tôi biết nói thế nào đây?
Chưa kể, con tôi là "con nhà nghèo đích thực" mà cũng có tư tưởng đua đòi, hưởng thụ, thích dùng hàng hiệu, tôi phải lo dạy con mình trước đã!
Hồng Hạnh
(Q. Tân Phú, TPHCM)