Tiến sĩ Lê Minh Thuận – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM – cho biết dù chưa ghi nhận trường hợp trẻ em tham gia trò chơi tự sát như ở các nước trên thế giới như "Cá voi xanh", tuy nhiên, bệnh viện này đang điều trị tâm lý cho rất nhiều thanh thiếu niên “cuồng” trò chơi rạch tay, tự làm tổn thương mình.
|
Chia sẻ của một thanh niên Ấn Độ được cha mình giải thoát khỏi trò chơi. |
Trong lúc tuyệt vọng, trẻ thường bị cuốn vào những trò chơi nguy hiểm
Em Bùi Quang Minh (đang học lớp 9 ở một trường tư tại TP.HCM) được ba mẹ dẫn đến chuyên gia tâm lý khi hai cẳng tay chi chít đường rạch bằng dao lam còn đang rỉ máu.
Ba mẹ em một mực cho rằng Minh lì lợm, khó dạy, suốt ngày theo đám bạn chơi những trò kỳ quặc. Tuy nhiên, sau vài tiếng im lặng, Minh nói rằng sau 4 lần mang dao lam về nhà theo thách đố của bạn bè, em đều sợ đau, không làm được.
Nhưng trong một lần bị ba mẹ mắng oan vì nhà trường gửi nhầm sổ liên lạc với điểm số thấp về nhà, Minh căng thẳng tột độ, em nhốt mình, tắt hết đèn và từ từ rạch tay. Càng rạch, máu càng chảy, Minh càng thấy thoải mái.
Cứ như vậy, để trút giận, Minh rạch tay ngày càng nhiều. Đỉnh điểm là lúc ba mẹ Minh gọi em dậy đi học nhưng mãi không nghe trả lời, thì ra Minh đã kiệt sức, ngất xỉu, 2 cẳng tay vẫn còn rỉ máu vì bị rạch tan nát.
|
Trong năm 2016, rất nhiều thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia thử thách "khắc" cơ thể mình bằng dao lam, vật nhọn. |
|
Những người tham gia cho rằng rạch lên cơ thể mình mang lại cảm giác thoải mái. |
Theo chuyên gia tâm lý Lê Minh Thuận, hiện tượng học sinh cấp 3 ở Việt Nam tự tử ngày càng phổ biến. Ngoài ra, đối tượng tự sát còn thuộc nhóm sinh viên con nhà khá giả, được cha mẹ bao bọc quá kỹ. Khi đi học xa nhà, phải ở trọ một mình nên những “cậu ấm, cô chiêu” đột nhiên phải tự lập khi cả tâm lý, ứng xử chưa kịp thích nghi, từ đó dễ gây cảm giác lạc lõng, bất lực.
Năm 2016-2017, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng các nước Nga, Ý, Braxin, Pháp, Canada,... đều lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của trò chơi “Cá voi xanh”. Việc liên tục điểm danh người chơi lúc 2g sáng khiến họ bị rối loạn giấc ngủ, không tỉnh táo, dần dần bị rối loạn về thần kinh. |
Lý giải về trò chơi tự sát “Cá voi xanh” đang khiến phụ huynh ở nhiều nước chao đảo vì trẻ mất mạng khi tham gia trò chơi này, tiến sĩ Lê Minh Thuận phân tích: trò chơi nào cũng có luật chơi, “Cá voi xanh” có luật chơi vô cùng khắc nghiệt, bào mòn tinh thần, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, thần kinh, càng tiến sâu vào thử thách càng vắt cạn sức lực, ý chí... khiến người chơi không kiểm soát được hành vi, đẩy họ đến cửa tử.
“Khi chơi trò Cá voi xanh, người chơi phải chinh phục những mức độ cao hơn như tự làm đau mình, rạch tay, cắt da… Người ngoài nhìn vào nghĩ bọn trẻ khùng, không biết đau nhưng thực tế khi thần kinh đang bị stress nặng, việc hủy hoại cơ thể thông qua cắt, rạch những đường nhỏ khiến họ cảm thấy thoải mái hơn.
Cứ như thế, người lập ra trò chơi đã áp dụng “một cách khoa học” về tâm lý, tinh thần làm cho người chơi bị rối loạn tâm vận động, đồng hồ sinh học, rối loạn thần kinh, tri giác. Dần dần họ không thể suy nghĩ, kiệt sức và muốn giải thoát bằng cách “chiến thắng” là tự tử”, chuyên gia Thuận nói.
|
Chuyên gia tâm lý Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM. |
Anh cho biết thêm: “Những người càng tự lập, càng phấn đấu càng dễ tự tử. Ai cũng nghĩ những người này mạnh mẽ, quyết đoán, đang có thành công nhất định thì sẽ càng yêu đời. Người xung quanh luôn thấy họ vui cười, hoạt ngôn, nhưng thật ra họ đang mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết, hoàn cảnh gia đình nên lúc nào cũng gồng lên để mọi người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ở một khoảnh khắc nào đó, họ trở nên yếu đuối và quyết định kết thúc cuộc sống của mình”.
Làm sao để phát hiện con em mình đang suy nghĩ tiêu cực?
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, TP.HCM – 70% người tự sát có liên quan đến vấn đề thần kinh, tâm thần và trầm cảm, còn lại liên quan đến nhiều nguyên nhân bộc phát, không loại trừ rủ nhau tự tử.
Trẻ ở độ tuổi cấp 2, 3 luôn muốn khẳng định, chứng tỏ bản lĩnh. Các em thường bị kích thích bởi trò chơi hóa thân thành nhân vật chiến binh, anh hùng. Trẻ nhốt mình trong phòng và đắm chìm vào thế giới ảo, hoặc muốn tách khỏi người lớn, đi “giải cứu thế giới”.
|
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, TP.HCM. |
Bác sĩ Thắng cho biết: “Tuổi trẻ luôn có những đam mê, lý tưởng nhưng ở độ tuổi 12-18 tuổi, trẻ còn bốc đồng, bị cuốn vào các trò chơi xã hội ảo như cá độ, đánh bài, bạo lực, sex… Càng lậm sâu càng khiến suy nghĩ lệch lạc.
Ở bất kỳ trò chơi nào cũng vậy, người chơi sẽ bị lôi kéo rất dữ dội bởi thành tích, sự ganh đua, hiếu thắng, càng nhiều thử thách càng thu hút người chơi. Người có ý định hoặc tự sát chưa thành công vẫn tiềm tàng mong muốn.
Trong xã hội có nhiều vấn đề khiến người ta chán sống, khi gặp được trò chơi này họ sẽ tham gia và thúc đẩy hành vi tự sát lên cao. Đặc biệt, khi nghiện trò chơi trực tuyến, các em nghĩ mình sẽ được hồi sinh sau khi thực hiện nhiệm vụ như nhân vật trong trò chơi trước đó.
Gia đình không thể cấm trẻ sử dụng điện thoại, máy tính, kể cả các nội dung trên mạng xã hội, vì vậy hãy cố gắng kiểm soát và định hướng khi trẻ tham gia vào thế giới ảo. Cha mẹ nên cùng con lập kế hoạch, trao đổi các vấn đề trong cuộc sống, lắng nghe, chia sẻ với trẻ.
|
Theo bác sĩ Thắng, 70% người tự sát liên quan đến vấn đề thần kinh, tâm thần và trầm cảm, còn lại liên quan đến nhiều nguyên nhân bộc phát, không loại trừ rủ nhau tự tử. |
Chỉ khi cảm nhận được sự tôn trọng, trẻ mới có niềm tin vào cha mẹ và sẽ chủ động nói ra những áp lực, căng thẳng mà bản thân đang gặp phải.
Hầu hết trẻ tự tử do người lớn đặt quá nhiều tiêu chí về học tập, cuộc sống, mối quan hệ xã hội khiến trẻ càng cố gắng càng cảm thấy bản thân mình vô dụng. Trong lúc tìm cách xả stress, vô tình biết đến trò chơi tự tử, trẻ sẽ lập tức tham gia. |
Bác sĩ Thắng cảnh báo: “Nếu đột nhiên trẻ ăn ít, ngủ ít, thường mệt mỏi, không muốn làm gì, luôn có cảm giác lo lắng, buồn chán, nghĩ đến những vấn đề tiêu cực, tự thay đổi màu sắc trang phục, phụ kiện sang những màu tối, nhốt mình trong phòng hoặc tìm góc riêng, tách biệt với mọi người thì đó là dấu hiệu trẻ đang có nhiều vấn đề về stress, trầm cảm”.
Lúc này, thay vì truy hỏi hoặc mặc kệ, cha mẹ nên trở thành điểm tựa niềm tin cho con, hãy đồng hành, lắng nghe trẻ nói, đừng bác bỏ hoặc nghe xong để đó. Khi tâm lý trẻ bất ổn, nội dung trẻ nói dù sai hay đúng cũng có thể là những lời tâm sự sau cùng.
Tháng 2/2018, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lần đầu tiên công bố báo cáo sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trẻ em và thanh niên Việt Nam.
Theo đó, tỷ lệ hiện mắc các chứng tâm thần chung ở các em là 8%-29%. Thanh niên từ 18 - 21 tuổi có ý định tự tử ở mức cao nhất. Phụ nữ có ý định tự tử nhiều hơn nam giới gấp 2 lần. Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhưng nhiều địa phương không có các dịch vụ này, thiếu các nhà tư vấn tâm lý cho trẻ.
Đại đa số trẻ em từng có ý định muốn tự tử sống trong các gia đình có cha mẹ trình độ học vấn thấp và làm lao động chân tay.
Nguyên nhân chính xuất phát từ những kỳ vọng quá cao mà gia đình, nhà trường dành cho các em, vô tình gây nên áp lực nặng nề. Bên cạnh đó, trẻ thiếu giao tiếp, sự thấu hiểu của các thành viên trong gia đình và thất bại trong các mối quan hệ tình cảm... Mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Trẻ em rất nhạy cảm, khi đối diện vấn đề, trẻ tự gây tổn thương và cô lập mình hoặc tìm đến cái chết.
|
Phạm An