"Chơi Tết" ở ngày giáp tết

19/01/2023 - 16:47

PNO - Không phải chỉ khi đồng hồ điểm sang giao thừa thì mới là Tết. Với cánh đàn ông, việc chơi Tết đã bắt đầu khi rinh những chậu mai, tắc... về nhà.

 

Cảm nhận được sự bình yên của Sài Gòn dịp tết, ấy đã là chơi tết
Cảm nhận được sự bình yên của TPHCM dịp tết, ấy đã là "chơi Tết"

"Chậu mai này chưa hé búp, sợ là mùng Một chưa kịp nở bông", "chậu tắc này đi, để nó ngay hè là chuẩn luôn", "mấy cái liễng này treo lên cành mai thì phòng khách sẽ rực rỡ lắm"... 

Từ 27 tháng Chạp, tôi đã "lu xu bu" với hàng tỉ thứ như thế. Mỗi sáng, chạy xe ngang các vườn cây, tôi đều cho xe chầm chậm để ngắm và tính tính toán toán trong đầu. Rồi nghĩ, chiều nay xong việc mình sẽ đi mua cái đó, cái kia, cái này nữa...

Bạn bè hay hỏi tôi, dân Sài Gòn thường chơi tết ra sao? Thằng bạn quê miền Trung, có một năm quyết định ăn tết Sài Gòn, sau đó than thở rằng Tết gì mà chán quá, chả có cảm giác Tết, hàng quán thì đóng cửa, bạn bè hầu hết về quê, muốn chơi tết cũng chẳng biết chơi gì, ở đâu... Thật ra "chơi Tết" nào gói gọn trong phạm vi "ở đâu". Tết là cảm nhận, từ những khoảnh khắc đôi khi rất nhỏ xung quanh.

Với tôi, chơi tết đã bắt đầu từ những ngày giáp năm mới, là chọn cái gì đặt ở phòng khách kia, mua gì chưng bàn thờ cho đẹp, bàn với vợ nên đặt bánh chưng loại gì cho hợp vị gia đình... Là đêm giao thừa, cả nhà mặc chiếc áo đã ủi thơm tho, bọn trẻ đi "countdown" chán rồi về là lúc ba mẹ đã cúng giao thừa xong, bày ra dĩa bánh, hạt dưa... Cả gia đình cứ thế mà nói chuyện, cười rôm rả đến tận 2g sáng. 

Ừ, chơi tết thật ra chỉ là trận ngủ nướng đến thả ga ngày đầu năm, sau đó thì diện tấm áo mới, soạn phần bánh trái đã chuẩn bị sẵn, rồi cùng vợ đến chùa thắp hương trên bàn thờ đặt tro cốt của ba mẹ tôi. Mùi nhang trầm quyện trong tiếng chuông chùa, tiếng khấn vái thì thầm cầu một năm khỏe mạnh bình an...

Rồi tôi chở vợ về, nhưng không về thẳng nhà mà làm một vòng phố xá, để cảm nhận sự yên bình của Sài Gòn. Tiếng còi xe inh ỏi, hàng xe dài nghìn nghịt ở các ngã tư đã đâu mất, như chưa từng tồn tại. Một Sài Gòn thật khác, trong cái không khí mát dịu thật đặc trưng của ngày tết. Lắng tâm trí, hít tràn buồng phổi cái không khí ấy, thanh âm ấy, sẽ thấu được "chơi Tết" là gì. 

Cũng là tết, nhưng trong mỗi người đã có cái tết khác nhau. Bởi tết là câu chuyện cuộc đời với những xuất phát khác nhau, tình tiết khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, ký ức càng không giống nhau. Chưa kể, tiếng Việt mình thú vị lắm, "chơi" mà thật ra không phải là chơi. Có lần đồng nghiệp người nước ngoài của tôi hỏi, chơi tết có giống "play Tết"? Lần đó thì tôi cười phá ra, cảm thấy tiếng Việt quả thật là một "game" quá khó đối với những người như bạn. "Chơi" nhưng không phải chỉ chơi, mà còn có cảm nhận, thẩm thấu và ứng xử, nhớ về...

Thuở bé, chúng ta thường gọi "chơi Tết" qua việc xúng xính áo mới, trải tấm chiếu bầu cua rồi xóc xóc cùng những đồng lẻ, cười inh ỏi. Hay kéo nhau đến chợ lô tô, cái chợ chỉ mọc lên trong những ngày tết, móc số tiền vừa được lì xì, chơi bằng hết những trò có trong chợ. Thua nhiều hơn thắng, để nhận được phần quà là lon Coca-Cola ở gian hàng ném vòng, có khi phải mất số tiền còn nhiều hơn tiền mua nó ở tiệm tạp hóa. 

Ở tuổi trung niên, bọn trẻ ôm lon Coca-Cola nhảy nhót vui mừng ngày nào đã khác. Chơi tết, dường như trước tiên là bằng cảm nhận thanh âm của đất trời vào những ngày giáp năm, cũng là giáp mùa, giáp tháng. 

Chơi tết ở Sài Gòn, là dừng mình lại, cảm nhận một Sài Gòn rất khác, khác kể từ ngày cuối năm.

Đạt Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI