Chơi tết đâu chỉ những ngày mùng

28/01/2025 - 20:17

PNO - Chơi tết nào ở những ngày mùng. Bước qua 20 tháng Chạp, quê tôi đã bắt đầu chơi tết.

Ảnh minh họa: Phùng Huy
Ảnh minh họa: Phùng Huy

Những ngày tháng Chạp cận giao thừa, cuộc chơi tết của trẻ nít lẫn người lớn xóm tôi bắt đầu bằng 2 chữ "tất niên". Chu cha ơi là những ngày "ăn" tất niên, mỗi ngày 1 nhà, có khi 2 nhà trong cùng ngày. Để tránh trùng lắp, các nhà có khi lại bỏ nhỏ nhau ngày cúng, sao để cả xóm ai cũng có mặt trên bàn cỗ nhà mình, chén thù chén tạc, hỏi chuyện đông chuyện tây.

Ngày đó, lũ con nít được báo là hôm bay nhà sẽ không có cơm. Thế nhưng lũ con nít không buồn mà trái lại, vì được "qua nhà chú Sáu tất niên", nghĩa là có giò chả, gà luộc, bò xào, thịt heo nướng... Mâm cúng tất niên các nhà đều gần như giống nhau, có khác chăng lúc thì dĩa tôm hấp bia, lúc thì mực hấp gừng. Còn lại, những món gà, giò chả, bánh tét, dưa kiệu... thì chả mâm nào thiếu. Ấy thế mà lũ con nít đâu hề ngán, bữa tất niên nào cũng vui như hội, giành nhau chí chóe, nhất là mỗi khi những lon nước ngọt được người lớn "thả cửa" đem ra.

Còn trên mâm của người lớn thì, ôi thôi là rôm rả. Tiếng đũa gắp, tiếng cụng ly, tiếng hỏi nhau râm ran vang cả khoảng sân rộng. "Thằng Tí nhà ông năm nay đã dắt đứa nào về ra mắt chưa? Ôi sao mà mấy đứa thanh niên giờ kém thế, trên 25 tuổi đầu mà còn ế". Rồi: "Con Hân nhà bà vẻ năm nay muốn cưới rồi đúng không? Thôi thì cưới đi cho tụi nó ổn định, còn lo làm ăn"...

Xóm nhỏ chưa tới 20 nóc nhà, ai cũng sáng lo chợ búa, trưa về lại tranh thủ dọn dẹp, sắm sửa ba ngày tết. Vậy nhưng cũng phải tranh thủ có mặt ăn chén cơm tất niên, vì "trời ơi tết mà không có tất niên thì còn gì tết".

Năm nào làm ăn thất bát, tiếng thở dài quanh năm suốt tháng hiện diện khắp nơi, vậy chớ trên bàn tiệc tất niên đó, chỉ có tiếng hỉ hả cười. "Còn thở là còn gỡ mà, mấy ông bà cứ khéo lo chi", câu nói đó cắt ngang những lời thở than, làm người định than thở cũng chững người, đưa đũa gắp miếng chả mà không khỏi suy ngẫm. Đúng rồi, làm ăn thì phải có năm được năm mất, chỉ cần con cái khỏe mạnh, cha mẹ già không ốm đau thì làm lại mấy hồi. Vậy là từ đó trở đi, trên bàn tiệc chỉ còn chuyện đàn gà đàn heo, đám con đã lớn bộn đang đi làm ăn xa, đứa ở nhà hôm qua vừa bị đét đít vì lười học bài...

Bạn tôi ở phương xa, có lần nghe tôi kể chuyện "tour tất niên" mà ngỡ ngàng, bảo năm nào cũng như năm nấy, lẽ nào không chán? Bạn không biết rằng, ngược lại, "tour tất niên" mới là những ngày chơi tết chính của quê tôi. Như thể bao nhiêu đầu tắt mặt tối của suốt một năm giờ có dịp, có người để trút xả, nên cũng nhẹ nhàng đi biết bao nhiêu. Mà, ở bàn tiệc tất niên đó, có khi lại nhìn rõ mặt nhau, nhận ra những vết chân chim đã hiện diện trên từng đôi mắt như thế nào.

Chúng tôi lớn lên, đi học rồi "di cư" nhiều phương, nhưng mỗi khi nhạc xuân rộn ràng khắp ngả phố là lại nhắn vào các group chat, hỏi nhau ngày mấy về quê để còn tính "lịch" tất niên sao cho đủ đầy các gương mặt. Thời buổi công nghệ, các group chat sáng đèn 24/24, thích nhìn nhau thì video call cả nhóm, thông tin của nhau cũng cập nhật nhanh chóng. Vậy nhưng cái bàn tiệc tất niên, sao mà mong đến khắc khoải. Cứ như cả quãng đời đáng nhớ đọng lại ở đó.

Giao thừa rồi, bữa tiệc tất niên cuối cùng cũng vừa qua. Cuộc chơi tết lại mang một hình thái khác. Những ngày mùng, nào lễ lạt, chúc viếng họ hàng, tổ tiên mà ngày cũng đi qua rất nhanh. Những ngày tết đó, chầm chậm và trầm mặc, như nhịp bắt đầu của một đường đua mới. Khác hẳn cái rôm rả, bỗ bã và trút xả của ngày hôm qua.

Tết rồi, tết từ những ngày tháng Chạp rồi. Còn chờ gì nữa mà không dọn lòng, đặng bình an.

Hoàng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI