Chơi nhạc trên phố: Cái khó ló cái hay

05/08/2017 - 15:25

PNO - Có thể nhìn vào cách của một số đô thị trên thế giới, người nghệ sĩ đường phố được trân trọng và nghệ thuật đường phố có chỗ đứng riêng.

Tuần qua, dư luận khá ồn ào câu chuyện cậu học sinh 15 tuổi chơi vĩ cầm trên phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội, bị yêu cầu phải có giấy phép biểu diễn. Đây là chuyện gây tranh cãi ở nước ta, nhưng lại là “chuyện thường ngày” tại nhiều nước. 

Choi nhac tren pho: Cai kho lo cai hay

Màn tam tấu ngẫu hứng ở sân bay Heathrow (Anh)

Đây không phải lần đầu và là chuyện hiếm gặp ở khu vực hồ Gươm, Hà Nội, bởi đã có rất nhiều “cuộc chơi” tương tự diễn ra ở nơi đông người qua lại này. Không chỉ cuối tuần, tức thời điểm có phố đi bộ, mà cả những ngày thường vẫn có thể thấy khách du lịch nước ngoài hoặc người địa phương tự tin biểu diễn nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

Không biết những người biểu diễn dùng tiếng đàn của mình để nhận quyên góp từ khách bộ hành có “giấy phép hoạt động” không, chỉ biết hiếm có trường hợp nào thu hút sự chú ý của dư luận như vụ em học sinh 15 tuổi vừa xảy ra, chắc chắn là do tác động từ những phát ngôn của bố mẹ em trên facebook. Chỉ đến khi người mẹ xin lỗi, lời qua tiếng lại mới lắng xuống. Trong vụ này, nếu các bên biết cư xử nhẹ nhàng, bình tâm lắng nghe nhau, thì chuyện bé đã không bị xé ra to.

Có một trường hợp tương tự cách đây không lâu, được xử lý ổn thỏa hơn nên không tạo thành dư luận ồn ào. Nơi diễn ra “chương trình nghệ thuật đường phố” là phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất.

Choi nhac tren pho: Cai kho lo cai hay
Dàn nhạc Maius Philharmonic chơi ngẫu hứng tại sân bay

Trong khi chờ chuyến bay ra Hà Nội bị trễ, các thành viên thuộc dàn nhạc trẻ Maius Philharmonic của Việt Nam đã cùng đứng dậy chơi bài Canon in D. Cuộc chơi ngẫu hứng ấy đương nhiên thu hút sự chú ý của các hành khách. Nhiều người còn dùng điện thoại quay lại. Sự hào hứng đó không được lâu khi bảo vệ sân bay xuất hiện. Gần 20 nhạc công nhanh chóng ngưng tiếng đàn.

Sau khi clip trên được đưa lên Youtube có nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng bởi sự can thiệp của bảo vệ đã cắt đứt một “khoảnh khắc đẹp”; nhưng nhạc trưởng của Maius Philharmonic đã từ tốn: “Chúng tôi không phản đối việc bị ngưng chơi nhạc. Người bảo vệ chỉ làm đúng nhiệm vụ. Lần sau, nếu muốn chơi, chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn”. 

Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy văn hóa đường phố đang dần được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam. Các hoạt động biểu diễn ngoài trời, những cuộc trình diễn tập thể (flashmob) với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau đang giúp không gian đô thị trở nên sinh động hơn, người dân và “nghệ sĩ đường phố” được gặp gỡ theo một cách thật tự nhiên. Vấn đề là làm thế nào để những điều tốt đẹp này có điều kiện lan tỏa?

Phút ngẫu hứng của dàn nhạc Maius Philharmonic tại sân bay:

 

Có thể nhìn vào cách của một số đô thị trên thế giới, người nghệ sĩ đường phố được trân trọng và nghệ thuật đường phố có chỗ đứng riêng. Thay vì cấm đoán, ở các nước như Mỹ, Anh, Italia đã dành riêng những khu phố nghệ thuật  phức hợp, không chỉ kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ và nghệ thuật bản địa mà còn tạo sức hấp dẫn cho du khách.

Ở những không gian có tính mở và loãng hơn như phố đi bộ, chính quyền thành phố gần như không can thiệp vào hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ cá tính mà chính các nghệ sĩ, các nhóm chia nhau hoạt động theo từng khu vực và tự điều chỉnh cho thích hợp với cộng đồng chung. Không phải nơi nào cũng có thể đàn hát vì có thể gây ồn ào, mất trật tự, nên cần có những đoạn phố được quy hoạch cố định cho việc tự do biểu diễn.

chưa thấy có phòng chờ nào ở các sân bay Việt Nam cho khách chơi nhạc ngẫu hứng, nhưng ở một số sân bay, nhà ga tại Paris, Hong Kong… thậm chí còn đặt sẵn piano, nhờ vậy mà có những lúc hành khách được thưởng thức âm nhạc của nhau thoải mái. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI