Về quê dự đám cưới của cháu họ trong những ngày hè, qua lớp cửa kính xe, tôi vẫn cảm nhận được cái nắng rực rỡ treo trên những tán lá dừa lá chuối héo rũ, trên mặt nước sông với cơ man nào là những ngôi sao lấp lánh và thấp thoáng trên những khuôn mặt người.
Tôi cố tìm, như một người lâu quá chợt nhớ ra món đồ đã bỏ quên không dùng, trong ký ức của mình, một lời xác nhận rằng ngày còn nhỏ, hè ở quê có nóng như bây giờ không hay do làm việc dưới máy điều hòa, ngủ nhờ máy điều hòa gần như quanh năm, tôi không còn có khả năng chịu được cái nắng nóng ngoài kia.
Những tàu lá dừa, lá chuối thi thoảng lắc lư theo gió, như tiếng reo của người thân gặp lại người thân; làm thức dậy trong tôi về một vùng cây cỏ, gió nắng, về những ngày nằm trong căn nhà chòi nhìn lên bầu trời xanh trong vời vợi, cảm thấy mình thật tự do, thoải mái, thả trí tưởng tượng bay theo những cánh chim về vùng trời mơ hồ nào ấy. Không biết trẻ con miền Tây bây giờ còn chơi nhà chòi vào những ngày hè không?
|
Một kiểu nhà chòi của bọn trẻ quê |
Nhà chòi - ngay tên gọi đã nói lên đầy đủ tính chất cái nhà mà như chòi chơi vậy. Thì là trò chơi mà. Trẻ con chung xóm tụm lại chia nhau ra thành từng nhóm, có khi là chị em anh em ruột, anh em họ hoặc là do thích nhau thì vào chung nhóm với nhau. 2 người trở lên là có thể thành nhóm mà chơi rồi. Cái thú vị của trò chơi nhà chòi chính là tính chất đội nhóm, khả năng sáng tạo - thứ mà trẻ thành thị hiện nay được cha mẹ trả hàng chục triệu đồng cho các khóa học kỹ năng sống mà vẫn còn thiếu hụt.
Như bầy ong, các nhóm tíu tít phân công nhau để dựng chòi. Chúng tôi kéo nhau đi chọn mảnh đất cao ráo hay mát mẻ theo ý mình để bắt đầu dựng nhà. Trẻ lớn hay con trai thường nhận nhiệm vụ dựng nhà. Có đứa đốn cả cây tầm vông, cây tre có trong vườn và láu lỉnh trấn an cả bọn: “Ông nội tao/ba tao không biết đâu/không la đâu”. Đứa nhát hơn thì chạy về nhà lôi cái cây nào đó dựng sau hè nhà mình mang đến cho đồng bọn. Có đứa thông minh, lợi dụng 1, có khi 2 gốc bưởi gốc mít hay một cái cây có sẵn, vừa mát, vừa kiên cố làm cột nhà.
Khó nhất là dựng cột nhà, nếu cột không đủ to và sâu để có độ vững chãi thì khi lợp mái hay vách, có khi căn nhà sẽ xiêu vẹo rồi ngã nhào, khiến cả bọn ngẩn tò te vừa quê với những nhóm khác vừa tiếc công.
Con gái hay những trẻ nhỏ thường được giao đi cắt lá chuối tươi để lợp mái nhà, cắt dây chuối hay đơn giản hơn là chỉ giữ đầu một cái cây, tàu lá cho trẻ lớn cột. Vui nhất, thể hiện đẳng cấp khéo léo hay “giàu có” của nhà này so với nhà kia chính là trang trí và bày biện tiện nghi “nội thất”. Có nhiều bạn khéo tay lợp mái thật khéo thật đẹp, thắt cả những con cào cào bằng lá dừa treo tòng teng trước cửa chính và cửa sổ. Bọn không có một chút hoa tay nào cũng đâu có chịu thua, chạy về nhà len lén lấy món nào đó để thể hiện sự “giàu có” của nhà mình, rồi khoái chí hả hê khi ngó qua hàng xóm không có.
Tôi nhớ, hồi ấy, mình vụng về lại ốm yếu, không biết làm gì nhiều. Cứ đụng tay vào dao là trước sau gì cũng đứt tay rồi khóc ầm ĩ, cũng không biết buộc dây cho chặt hay trang trí gì cả nên luôn là đứa lon ton chạy về nhà lấy trộm đồ. Có khi tôi bê cả bộ bình trà còn nằm trong trái dừa ủ ấm của ông nội. Rồi cả bọn khoanh chân ngồi cụng ly, giả bộ uống cái nước đắng chát ấy, rồi khà khật khen ngon thơm, như cách các ông chơi cờ tướng thưởng trà bình Tam quốc chí. Có khi tôi chờ bà cố đi ra sau bếp, lẻn vào phòng ôm cái radio bà cưng như trứng - là món quý hiếm thời ấy - ù té chạy không kịp thở. Cả xóm nhà chòi túm tụm nghe bất cứ cái gì phát ra từ radio, đôi khi chỉ là tiếng rà đài rè rè cũng háo hức và vui thú lạ thường.
|
Ảnh mang tính minh họa - Internet |
Nhớ nhất là khi các ngôi nhà hoàn thành. Không ai nhớ mệt, nhớ nắng, nhớ những ngón tay xước da chảy máu; chúng tôi cảm thấy mình đã có thể tự thân làm ra ngôi nhà của mình, riêng tư và bản lĩnh. Khi nằm trong những khoảng trời riêng bé nhỏ ấy, cùng nhau ăn những trái ổi, trái xoài, bánh kẹo, có lẽ ít nhiều bọn trẻ chúng tôi đã gieo trồng đâu đó trong tâm thức mình hạt mầm khát vọng về một căn nhà, trách nhiệm, sự vun vén, dọn dẹp trang trí, về sự sẻ chia…
Hạt mầm mạnh mẽ ấy đã thực sự lớn thành cây rồi phát triển vững chãi, nâng đỡ chúng tôi rất nhiều khi trưởng thành; dẫu 1 năm hay nhiều năm chúng tôi không gặp nhau, không thể về thăm quê.
Cái nắng hè vẫn rực rỡ ngoài kia. Có thể sau 20, 30 năm trò chơi nhà chòi của chúng tôi không còn yêu thích với trẻ em bây giờ nữa. Nhưng, được chơi, được tự do làm điều mình thích, được tha hồ sáng tạo, được cùng nhau, có bao giờ không quý giá với trẻ? Tôi bỗng ước sao, tất cả trẻ em, mùa hè xếp sách vở, đều được trải nghiệm những phút giây như thế.
Triệu Vẽ