Chơi đùa vướng dây điện, bé gái bị bỏng nước sôi khắp người

15/08/2018 - 13:29

PNO - Ấm đun siêu tốc đang nấu đổ vào người khiến bé gái (20 tháng tuổi, ở An Giang) bỏng nặng.

Ngày 15/8, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết đang điều trị cho bé gái N.Y.V. (20 tháng tuổi, ở An Giang) bị bỏng khắp người do nước sôi từ ấm đun siêu tốc.

Người nhà bệnh nhân kể, cách đây 2 ngày, khi đang chơi đùa, bé V. vướng phải sợi dây điện của ấm đun siêu tốc khiến chiếc ấm rơi xuống, văng đổ nước sôi vào người bé.

Choi dua vuong day dien, be gai bi bong nuoc soi khap nguoi
Bé V. bị bỏng khắp người.

Khi vào bệnh viện, bé V. bị bỏng toàn bộ da đầu, trước ngực, bụng, hai tay, đùi trái và cả bộ phận sinh dục. Vùng da bị bỏng sưng rộp lên và bong tróc. Diện tích bỏng được ghi nhận trên 30%. Bé bị sốt cao liên tục và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, tiên lượng nặng.

Bà ngoại của bé kể, từ hôm nhập viện, V. liên tục rên khóc do đau đớn: "Mỗi lần thăm cháu, tôi không kìm được nước mắt. Nhìn cháu toàn thân quấn băng trắng toát, đau đớn, tôi càng đau lòng".

Sau khi cắt lọc vùng da hoại tử, loại bỏ dị vật vảy da, các bác sĩ quấn băng toàn bộ vùng bị bỏng, tiến hành truyền dịch chống sốc, cho thuốc kháng sinh, vận mạch và giảm đau cho bé.

Hiện bé V. đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực.

Theo các bác sĩ, bỏng nước sôi là một hình thức bỏng nhiệt, gây đau rát và tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% diện tích cơ thể (bằng vài ngón tay), nếu không điều trị kịp thời và đúng cách cũng có thể khiến vết bỏng bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Cách chăm sóc vết bỏng tại chỗ

Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà, xối rửa nhiều nước (không xối nước đá hoặc nước lạnh) mục đích làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước.

Nhờ đó nạn nhân sẽ bớt đau, hạn chế diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương do bỏng. Sau đó, người nhà đưa bé đến ngay cơ sở y tế để có hướng xử trí thích hợp.


Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI