Chơi bù rầy - một vé đi tuổi thơ

28/08/2020 - 23:35

PNO - Cầm tờ giấy nguệch ngoạc mấy chữ và cái hộp nhựa đựng ba con bù rầy nằm im lìm như ba hòn đất nhỏ trên dăm chiếc lá mì hãy còn tươi xanh, tôi nghe thời gian như đông cứng lại.

Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa kéo đến nhanh hơn ý nghĩ. Trừ phi ảnh hưởng từ các cơn bão xa, ở Sài Gòn ít khi mưa dầm từ sáng đến tối hay từ tối hôm nay sang sáng hôm sau. Mưa ở quê thì khác.

Mưa rả rích như đứa con gái nhỏ được nuông chiều bị mắng oan, trốn vào trong kẹt tủ thút thít mãi không thôi. Tôi còn nhớ như in những ngày mưa như thế. Mấy chị em nằm trên bộ đi-văng ở nhà trên, nghe tiếng lộp bộp rơi trên mái lá hòa cùng tiếng muỗi vo ve, cảm nhận những giọt buồn trong trẻo mơ hồ rót vào mình, mông lung nghĩ về những việc không đầu không cuối, rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Cách đây ngót ngét gần 30 năm, trẻ con chúng tôi có những ngày hè dài lắm. Những ngày hè tuyệt đối để cho sách vở ngủ quên. Những ngày hè chỉ có nắng, có gió, có những trò chơi mê mải với bạn bè. Những ngày hè thỏa thích với những căn nhà chòi làm bằng lá dừa, lá chuối, những buổi tắm sông đến “mọc rong mọc rêu” như cách bà nội mắng, những trưa khệ nệ ôm bầy trâu bò, nồi niêu nắn bằng đất sét ra phơi, ngồi trong thềm nhà canh từng vệt nắng…

Sau này lớn lên, tôi chợt nhận ra, chút thiếu thốn sẽ khiến cho người ta nuôi dưỡng nhiều ước mơ hơn, chút trượt ngã sẽ khiến người ta thêm phần cứng cỏi gan góc, chút xa cách để nỗi khát khao trở về, tìm gặp sẽ mạnh mẽ hơn. Những ngày hè ấu thơ là khoảng cách cần thiết để chúng tôi háo hức, hồi hộp không ngủ được khi ngày tựu trường đến.

Trẻ con Sài Gòn giờ không có hè, hoặc nếu có, thì hè của các con cũng chỉ là bốn bức tường đằng sau cánh cửa nhà đóng kín với chiếc điện thoại thông minh, máy tính hay ti vi. Tôi thật tình hoang mang khi cậu trai 11 tuổi tức tưởi vào ngày sinh nhật: “Mẹ biết không, trong lớp chỉ còn con là không có iPad hay điện thoại đó!”. Cũng như chỉ biết nặng lòng mấy ngày liền khi hơn mười em học sinh lớp 11 có thể kể vanh vách về các dòng nhạc thịnh hành, những quán cà phê sang trọng, những đôi giày thể thao thương hiệu danh tiếng giá mấy chục triệu đồng, nhưng không hề biết cây trúc là cây gì.

Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như mình ngồi trên chiếc thuyền chưa có mái chèo, cũng chưa định được phương hướng, không biết làm gì trước dòng chảy quá nhanh, quá mạnh đang cuồn cuộn ngoài kia.

Hôm nay trời lại mưa. Tôi lụp xụp áo mưa chạy đi nhận túi quà mẹ gửi từ quê vào. Bao nhiêu năm, cứ nhìn chiếc túi thôi là tôi biết bên trong có những gì. Chạm tay vào những trái ớt hiểm nhỏ xíu, chai nước màu được thắng bằng nước dừa chỉ có ở Bến Tre, rồi bịch hủ tíu dai, chuối xiêm ép khô, con gà tre, con cá, con tôm… như chạm vào quê nhà bằng da bằng thịt.

Không dưng mái tóc bạc như bông gòn của mẹ chờn vờn trước mặt. Sẽ có ngày nào đó mình không còn nhận những gói ghém này phải không? Đôi tay tôi nghe lạnh ngắt, lẽ nào chỉ do dầm mưa?

“Mẹ gửi mấy con bù rầy cho cháu ngoại. Bù rầy mốc, siêng lắm!”. Cầm tờ giấy nguệch ngoạc mấy chữ và cái hộp nhựa đựng ba con bù rầy nằm im lìm như ba hòn đất nhỏ trên dăm chiếc lá mì hãy còn tươi xanh, tôi nghe thời gian như đông cứng lại.

Tôi dường như thấy mình đang rón rén những bước chân trần trên mảnh đất thương quen. Sau cơn mưa dầm tháng Sáu, đất tỏa một mùi hăng nồng khó diễn tả, dò tìm từng ổ đất ùn lên như một quả núi con con, lấy một cây tre nhọn xới lên để kiếm bù rầy.

Ba tôi hay mấy anh trai có cách bắt bù rầy mà con gái chúng tôi không làm được. Đó là đốt phân bò với lá tre. Từng cuộn khói bay lên là bù rầy ở đâu bay xè xè tìm đến, chỉ cần dùng vợt là có thể bắt được hàng chục con. Từng con tròn bằng ngón tay cái, chen chúc loe ngoe với cơ man nào là chân ở đáy vợt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bù rầy có nơi còn gọi là bọ rầy, một loại côn trùng cánh cứng, nhưng không hôi, cũng không cắn và không độc. Chúng chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa. Sau này tôi nghe bạn kể một vài nơi như An Giang, Trà Vinh người ta còn ăn bù rầy. Nhưng Bến Tre quê tôi, bù rầy chỉ làm đồ chơi cho trẻ con. 

Chúng tôi lật hai cánh cứng của bù rầy lên, xếp sát lại với nhau, giữ chặt, bên trong sẽ lộ ra phần cánh mềm màu nâu nâu như cánh gián. Chỉ cần chu môi thổi phù phù, nghe hơi gió là đôi cánh mềm ngay ngắn ấy sẽ bay vù vù như hai cánh quạt mini. Mát rượi. Chúng tôi hay bày trò thi nhau xem con bù rầy của ai bay lâu nhất. Chủ nhân của chú bù rầy lười biếng dừng bay sớm sẽ bị ngay một phát lọ nghẹ vào má trong tiếng cười giòn như bánh tráng vỡ của những đứa còn lại.

Có đôi khi ba tôi dùng sợi chỉ may đồ, cột vào một chân trong nhiều chân của bù rầy và cứ thế bọn tôi quay tít vòng tròn, nghe hơi gió cánh bù rầy lại vỗ… Bù rầy có con siêng cứ bay mãi, có con lười, chu môi thổi văng nước miếng, mỏi miệng, nhất định vẫn im lìm. Mẹ tôi thường dặn chọn con nào có hai cánh mốc trăng trắng sẽ siêng hơn…

Tôi nhớ có lần em gái út, cầm sợi chỉ quay tít, không để ý, con bù rầy đập vào gốc cột nhà. Khi em thu được sợi chỉ thì chú bù rầy nhỏ xíu nằm im. Em cũng ngồi im, để con bù rầy trên tay, nước ở đâu chảy dài trên má. Sau này tôi không thấy em đòi ba cột chỉ vào chân bù rầy để quay tít mù nữa. Em chỉ để trong chiếc lọ thủy tinh, lâu lâu cầm hai cánh thổi phù phù rồi bỏ vào…

Tôi run run thò tay vào chiếc lọ nhựa, chạm vào phần cánh cưng cứng. Ngoài trời hình như vẫn còn mưa. Cầm điện thoại gọi cho mẹ, tôi cố gắng giữ giọng mình không nghèn nghẹn: “Con sẽ chơi bù rầy với cháu, cám ơn mẹ!”.  

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI