Vai trò và tiếng nói của ban giám hiệu ở đâu trong những cuộc vận động này hay đơn giản là đứng sau để hội phụ huynh trở thành cánh tay nối dài?
Những kế hoạch, dự toán tiền tỷ
Mới đây, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12, TP.HCM) choáng váng khi nhìn thấy kế hoạch hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) năm học này. Trong bảy nhiệm vụ, có cả nhiệm vụ “vận động CMHS tự nguyện đóng góp tham gia gây quỹ hội”. Một phụ huynh bức xúc: “Đã là vận động thì sao gọi tự nguyện được? Trường nào khi vận động cũng nói tự nguyện nhưng rất khó từ chối”.
Chính vì đề ra nhiệm vụ như vậy nên việc Ban đại diện CMHS có những dự trù các khoản thu - chi quỹ hội “khủng” cũng không bất ngờ. Trong bản dự trù của Ban đại diện CMHS Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình có bốn chương trình gồm: khen thưởng học sinh, hỗ trợ các hoạt động và phong trào, công tác tuyên truyền - hoạt động về nguồn hoặc ngoại khóa cho học sinh, hành chính phí. Tổng dự chi bốn chương trình này lên đến 1.216.000.000 đồng.
|
Nhiều khoản dự chi hào phóng từ ban đại diện CMHS |
Từ cuộc thi, ngày lễ, văn nghệ, hội trại… đều trở thành lý do để xài tiền và khoản chi nào cũng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Có những khoản chi hào phóng như: hỗ trợ trang bị dụng cụ cho học sinh trong đội trống kèn 25 triệu đồng, hỗ trợ hội thi trống kèn cấp quận 18 triệu đồng; hỗ trợ sổ sách hội, cờ, nón đội nòng cốt, bảng tên chi đội cũng ngốn hết 24 triệu đồng; thi và duy trì đội aerobic cũng cần vài chục triệu đồng. Rồi các ngày lễ khai giảng, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11… đều được gắn thêm chữ hỗ trợ tổ chức lễ cho học sinh và lại vài chục triệu đồng được chi ra cho mỗi ngày lễ…
Trong hoàn cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt, kinh tế còn khó khăn, không ít phụ huynh cũng gặp khó, thế mà Ban đại diện được CMHS bầu ra có thể dự toán 55 khoản chi mà khoản nào cũng vung tay thật hào phóng!
Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng vừa đưa ra bảng dự trù kinh phí Quỹ Hội CMHS học kỳ I lên đến 969 triệu đồng. Cha mẹ cho con đi học phải lo làm từ hệ thống điện đến mái che, hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, đến việc phải mua tập khen thưởng học kỳ cho học trò, bổ sung trống, kèn và đồ nghi thức đội… Mỗi khoản có giá trị dự chi từ 50-300 triệu đồng. Dự kiến mỗi học sinh đóng góp 500.000 đồng. Đó là ở cấp trường. Còn ở cấp lớp, phụ huynh phải trang bị máy lạnh, sơn lại phòng, thay bảng, làm kệ dụng cụ, loa, quà giáo viên… thêm vài chục triệu đồng nữa nên dự thu khoảng 1,2 triệu đồng nữa.
Ngày 29/9, ông Trần Anh Kiệt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Bình Thạnh, cho biết: ngay khi nhận được thông tin từ Báo Phụ Nữ TP.HCM, phòng đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập báo cáo giải trình ngay trong ngày. Nhận thấy việc đề ra bảng dự trù kinh phí là sai quy định nên lập tức chỉ đạo khắc phục bằng cách thu hồi, không được thực hiện. Việc thu chi, tài trợ… của Ban đại diện CMHS phải tuân thủ Điều lệ Ban đại diện CMHS của Thông tư 55 và Thông tư 16. |
Không bàn đến giá trị của mỗi khoản chi bao nhiêu là hợp lý thì chỉ nhìn nội dung chi đã giật mình. Từ thắc mắc đến ngỡ ngàng về hoạt động của một ngôi trường công lập, về mối quan hệ giữa nhà trường và CMHS. Chẳng lẽ một ngôi trường công lập không được cấp kinh phí hoạt động để khen thưởng cho học sinh, giáo viên bồi dưỡng học trò giỏi cũng phải chờ phụ huynh hỗ trợ kinh phí, hệ thống điện nhà trường cũng cần CMHS làm? Lát lại một cái sân, sơn lại một mảng tường đều không có kinh phí?…
Hội phụ huynh tự đứng ra vận động?
Thực tế, lâu nay, Ban đại diện CMHS gần như là “cánh tay nối dài” bày vẽ ra hàng loạt các công trình. Ban đầu là những công trình cần thiết hỗ trợ cho việc học tập của học sinh, dần dà thành “cuộc chạy đua” trong trường học, công trình của Hội CMHS năm sau phải hoành tráng, đặc sắc hơn năm trước; Ban đại diện CMHS trường này “nhìn ngó” Ban đại diện CMHS trường khác trước mỗi đầu năm học.
Rõ ràng, Điều lệ Ban đại diện CMHS có nêu nhiệm vụ của ban đại diện không bao gồm việc phải vận động, thực hiện các công trình cho trường học như các “cuộc chạy đua” hiện nay. Thế mà, giờ, hầu như không còn trường nào chịu đứng ngoài cuộc, không ít thì nhiều đều có các công trình mang dấu ấn nhiệm kỳ của Ban đại diện CMHS.
Mỗi khi sự việc bị phản ánh, nhà trường thường “đổ” do Ban đại diện CMHS muốn làm cho trường. Vậy vai trò của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường ở đâu khi Ban đại diện CMHS “bày vẽ”? Là ban đại diện tự ý hay đơn giản hơn là ai cho thì mình nhận? Trường học đâu phải nơi không có người quản lý mà phụ huynh muốn xây sửa cái gì đều có thể tự ý?
Trong Điều lệ quy định hoạt động của Ban đại diện CMHS nêu rõ: “Trưởng ban Ban đại diện CMHS lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện CMHS lớp thống nhất ý kiến.
Tương tự, Trưởng Ban đại diện CMHS trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện CMHS trường thống nhất ý kiến”. Vậy thì muốn tự ý cũng đâu dễ! Đó là chưa tính đến yếu tố chất lượng của công trình cho tặng và sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc, cảnh quan hiện hữu của trường.
Một phụ huynh lớp Một Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) phản ánh về số tiền quỹ lớp 500.000 đồng/học sinh/học kỳ. Mặc dù, ban đại diện lớp, giáo viên đều nói việc đóng quỹ này là tự nguyện và tùy vào khả năng kinh tế của phụ huynh nhưng có phụ huynh không tiền vẫn phải đóng vì sợ con mình… “khác biệt”. Số tiền này trước mắt được dùng để đóng 7 triệu đồng tiền hai máy lạnh đang gắn trong lớp và các khoản lặt vặt khác. Ngoài ra, phải trích 30% kinh phí của lớp để nộp cho Ban đại diện CMHS trường.
Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cùng đại diện của Ban đại diện CMHS trường, lớp cho rằng: việc trích kinh phí hằng năm của quỹ đại diện CMHS lớp về làm kinh phí trường là thực hiện đúng theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tuy nhiên, cách thu như thế nào, thu bao nhiêu, trường hoàn toàn không có quy định làm việc này, mà do CMHS các lớp làm với nhau…
Điều lệ Ban đại diện CMHS quy định Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của
nhà trường.
|
Tiêu Hà