Khu lăng mộ của vợ chồng ông Hồ Thiết (87 tuổi) và bà Văn Thị Thuận (86 tuổi) nằm ở mặt tiền một con đường trong khu nghĩa trang làng An Bằng, xã Vinh An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có quy mô xây dựng tương đối lớn, bề thế hơn so với các lăng mộ khác tại nơi được mệnh danh là “thành phố lăng” ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trước khi xây, ông bà thuê người thiết kế bản vẽ, sau đó lấy ý kiến người trong gia đình. Nếu mọi người đều nhất trí thì sẽ cho tiến hành xây mộ như bản vẽ.
Đôi vợ chồng già cũng cho biết phần lớn kinh phí xây dựng nơi an nghỉ cuối cùng này trích từ tiền tích lũy của ông bà trong hàng chục năm qua. Mỗi người con trai của ông bà góp thêm vào 5.000 USD nữa.
Kết cấu khu lăng mộ gồm: bậc cấp trước lăng, 4 cặp trụ biểu (8 cột), tượng Phật, nhà bia và bình phong ở phía sau cùng. Khu mộ được trang trí đắp nổi hình linh vật rồng, phượng, cảnh quan sông núi, hoa lá; tầng trên của nhà bia và bình phong đều được lợp ngói đỏ, trang trí nhiều màu sắc. Bên trong lăng chưa có mộ phần.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Thiết xác nhận khu lăng mộ mà mọi người đang bàn tán là của gia đình bỏ tiền xây dựng từ năm 2021. Đây không phải là chuyện lạ tại làng An Bằng, khi có rất nhiều người ở đây đều chuẩn bị mộ phần cho mình lúc đã xế chiều. "Năm 2021, tôi và mấy con cùng lên ý tưởng, tự thiết kế rồi kêu thợ về xây. Quá trình xây dựng kéo dài tính đến năm 2023 hoàn thiện mọi việc tại các công trình này với chi phí hơn 3 tỉ đồng" - ông Thiết cho biết.
Bà Thuận cho biết, ông bà có 9 người con. Trước đây gia đình làm nghề chài lưới, nên điều kiện kinh tế thuộc diện khó khăn. Sau này, con của ông bà đi làm xa có tiền gửi về phụng dưỡng cha mẹ.
Cũng vì lý do tin rằng "sinh ký tử quy" (sống gửi thác về), sống chỉ là tạm bợ còn cái chết mới là cõi vĩnh hằng, do đó, đôi vợ chồng già xem nhà cửa khi sống chỉ cần vừa đủ, còn mồ mả - nơi mình an nghỉ vĩnh viễn - mới cần phải hoành tráng.
Ông Thiết nói rằng, như nhiều người ở đây, ông bà quan niệm "sống cái nhà, thác cái mồ" - mồ mả cũng quan trọng như nhà cửa vậy.
Đặc biệt trên bia đá cũng đã khắc sẵn tên ông bà cùng con cháu phụng lập
Từ khi ổn định cuộc sống, con cái ông bà bắt đầu gửi tiền về để chu cấp ông bà. Ông bà dùng số tiền đó chi vừa đủ cho cuộc sống hằng ngày, còn lại dành gửi ngân hàng cho đến quyết định đến ngày xây mộ thì rút tiền tiết kiệm về. Hai người chia sẻ dù chi tiền tỉ xây mộ nhưng họ vẫn còn đủ tiền để an dưỡng tuổi già mà không phải lo nghĩ quá nhiều.
Ông Phạm Phụng - Chủ tịch UBND xã Vinh An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) - cho biết ông Hồ Thiết là đương kim thủ bộ (giống già làng) của làng An Bằng. Theo ông Phụng, không riêng gia đình ông Thiết mà hầu hết người dân làng An Bằng khi có điều kiện đều xây dựng lăng mộ cho ông bà, cha mẹ, bản thân. "Ngày xưa cha mẹ nghèo chưa có điều kiện để xây, nay con cái đi làm ăn xa, có thu nhập quay về báo hiếu, xây lăng mộ, nhà thờ để thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc người dân xây dựng khu lăng mộ gia đình, dòng tộc là do yếu tố lịch sử để lại, trên phần diện tích mà gia đình đã canh tác từ trước đây. Còn họ bỏ ra bao nhiêu tiền để xây, chính quyền không thể quản lý" - ông Phụng lý giải.
Ông Thiết, bà Thuận rất vui mừng khi khu lăng mộ xây làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình ngày nào cùng có người ghé thăm. Ông Thiết kể, để làm mộ phần này phải mất 19 tấn mẻ chén để trang trí quanh mộ, mỗi ngày có 10 thợ đến làm. Nếu tính tổng kinh phí làm lăng, cúng, tạ lăng cũng hơn 3 tỉ đồng.
Hiện tại khu nghĩa trang An Bằng có diện tích khoảng 60ha và người dân chỉ cải tạo lại trên phần mộ cũ. Hiện chính quyền đã quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân ở xã thôn An Mỹ với diện tích 5ha. Lãnh đạo xã này cho biết luôn vận động, kêu gọi người dân không cơi nới lăng mộ, thực hiện nếp sống văn minh mới, sử dụng phương án hỏa táng khi có người thân qua đời nhưng do phong tục của người dân nên cũng khó.