Choáng ngợp ở Sapa

02/05/2013 - 08:34

PNO - PNO - Nghe tin tôi đi chơi Sapa, bạn tôi hỏi đã rèn luyện thể lực từ trước chưa, chứ như bạn là phải chạy bộ trên cầu thang văn phòng cả tháng. “Gì mà ghê vậy” - tôi cười cợt. Vậy nhưng, trải qua 3 ngày ở Sapa, tôi thấm thía lời nhắc nhở của bạn, bởi những hoạt động như trekking, trèo đèo, lội suối, đều đòi hỏi thể chất dẻo dai.

Bản Cát Cát, nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 2km. Để rong chơi hết một vòng bản Cát Cát, ngắm cảnh núi non hùng vĩ và tìm hiểu cuộc sống của người dân tộc H’Mông thì bạn quẩn quanh trong đấy cả ngày cũng chưa hết chuyện. Bản Cát Cát nằm trong thung lũng, nhìn đâu cũng thấy núi non, mây trời, nên thăm thú bản Cát Cát nghĩa là bạn phải leo dốc bởi hơi tai đấy.

Choang ngop o Sapa

Choang ngop o Sapa

Đường vào bản Cát Cát (ảnh: Phương Trần)

Người H’Mông ở bản Cát Cát vẫn giữ thói quen canh tác trên các nương, ruộng bậc thang và bảo tồn những nghề thủ công truyền thống như trồng, dệt lanh, thổ cẩm, chế tác trang sức bằng bạc… Dọc theo những bậc thang dẫn vào bên trong bản Cát Cát đều có những quầy hàng lưu niệm, nơi người H’Mông dệt thổ cẩm, nhuộm vải, may thuê bằng tay nhiều sản phẩm tha hồ cho bạn chọn.

Choang ngop o Sapa

Một phụ nữ ở bản Cát Cát với những ngón tay bệt màu vì nhuộm vải (ảnh: Vĩnh Linh)

Choang ngop o Sapa

Lối đi trong bản Cát Cát (ảnh: Phương Trần)

Chúng tôi mất nửa ngày thả mình trôi theo phong cảnh thơ mộng ở bản Cát Cát. Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, chúng tôi tiếc rẻ quay về vì còn phải “bảo dưỡng” đôi chân, chuẩn bị khám phá núi Hàm Rồng, Suối Vàng, Thác Tình Yêu, đèo Ô Quy Hồ và Cổng Trời.

Núi Hàm Rồng ở “sát nách” thị trấn Sapa, địa hình với góc dốc trung bình khoảng 30 độ, nên chuyến du ngoạn này không làm cả nhóm phải thở dốc như ở bản Cát Cát. Từ năm 1996, nơi đây được đầu tư thành khu du lịch Núi Hàm Rồng, dù vậy vẫn duy trì được nét hoang sơ của cảnh quan tự nhiên. Cũng là mây núi, nhưng Hàm Rồng có vẻ đẹp không thể trộn lẫn, nhờ nhiều loài hoa đua nhau tỏa hương sắc.

Choang ngop o Sapa

Choang ngop o Sapa

Hoa cỏ trên núi Hàm Rồng (ảnh: Phương Trần, Vĩnh Linh)

Càng lên cao, lối đi càng hẹp, có lúc, chúng tôi phải xoay nghiêng người để chui lọt qua hang, điều này càng làm mọi người hứng khởi vì trước mặt là đỉnh Sân Mây. Ở độ cao 1.800m, Sân Mây là “bãi đáp" đánh dấu nơi cao nhất của núi Hàm Rồng. Từ đây, nhìn xuống bên dưới, thị trấn Sapa như đang trôi lãng đãng giữa biển mây nhiều tầng, xa xa là đỉnh Fansipan.

Choang ngop o Sapa

Từ Sân Mây nhìn xuống thị trấn Sapa (ảnh: Vĩnh Linh)

Để đến Hàm Rồng, chúng tôi cứ thủng thẳng đi bộ. Nhưng, muốn qua Thác Tình Yêu, Suối Vàng, đèo Ô Quy Hồ, phải thuê xe “ôm” do dân địa phương cầm lái, vì đường đi một bên là núi cao vực thẳm, bên kia là vách đá thực sự thử thách những tay lái “lụa”. Thác Tình Yêu và Suối Vàng đều nằm trong khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Ngay cổng vườn là hai lối đi, một bên để chinh phục đỉnh Fansipan, bên còn lại là đường ra Suối Vàng. Thật lạ, vì nước suối trong leo lẻo mà luôn ánh lên màu vàng. Men theo dòng suối, chúng tôi gặp Thác Tình Yêu. Thác đổ xuống suối, tạo thành bồn tắm thiên nhiên êm ả. Cảnh trí nên thơ ở đây khiến trái tim du khách xao động khi nhớ lại truyền thuyết về chuyện tình của chàng trai Ô Qui Hồ và nàng tiên thứ bảy - vốn mê mải bồn tắm này mà vướng vào lưới tình.

Choang ngop o Sapa

Suối Vàng (ảnh: Vĩnh Linh)

Choang ngop o Sapa

"Nghịch" ở Suối Vàng (ảnh: Phương Trần)

Choang ngop o Sapa

Thác Tình Yêu (ảnh: Phương Trần)

Choang ngop o Sapa

Thác Tình Yêu (ảnh: Phương Dương)

Sau hơn hai giờ tắm mình trong nắng gió, tiếng lá reo, tiếng suối róc rách của vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, cả nhóm trở ngược ra cổng vườn, lên xe đi tiếp đến Cổng Trời. Muốn thế, phải đi một đoạn đường đèo Ô Quy Hồ. Theo Wikipedia, đó là một trong những đường đèo dài, hiểm trở bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam, trải mình ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D, với 2/3 quãng đường thuộc Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và 1/3 còn lại thuộc Sapa (tỉnh Lào Cai), đỉnh đèo chính là ranh giới giữa hai tỉnh, còn được gọi là Cổng Trời.

Choang ngop o Sapa

Từ Cổng Trời nhìn cảnh núi non hùng vĩ (ảnh: Vĩnh Linh)

Choang ngop o Sapa

Muốn bay lên ở Cổng Trời (ảnh: Phương Trần)

Choáng ngợp và phấn khích là cảm giác của chúng tôi khi đến Cổng Trời. Mây trôi bồng bềnh trước mặt cứ như với tay chút nữa sẽ níu được mây, còn vực sâu hun hút và núi cao vời vợi lại tạo sự tương phản vừa đáng sợ vừa ma mị. Tít bên dưới, đường đèo Ô Quy Hồ hướng đi Lai Châu trông mỏng mảnh như một sợi chỉ trắng. Đứng ở Cổng Trời nghĩa là bạn đang ở độ cao gần 2000m, gió thổi phần phật quanh mình, không hề có rào chắn giữa bạn và mây núi, vực thẳm. Cảnh tượng hùng vĩ, mênh mang ấy khiến ta như muốn bay vào không trung để được hòa cùng đất trời.

VĨNH LINH
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI