PNO - Ngày 11/9, hội LHPN TP.HCM phối hợp với bộ chỉ huy bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.HCM tổ chức chương trình “nghĩa tình biên giới” tại năm huyện biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh với nhiều hoạt động.
8g sáng, chúng tôi đặt chân đến địa phận H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tại trụ sở UBND huyện, ngay từ cổng vào đã có hàng trăm em nhỏ và chị em hội viên (HV), phụ nữ (PN) tập trung, chuyện trò. Trên những gương mặt lem luốc, đen sạm vì mưa nắng là ánh mắt vui và nụ cười.
Chống gậy đi về khu vực khám bệnh miễn phí, bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1954) nói: “Tôi tới đây sớm lắm vì nghe nói có khám bệnh, phát thuốc. Ở đây, người dân có dám làm biếng ngày nào đâu, vậy mà vẫn nghèo, không có tiền đi khám coi sức khỏe mình ra sao”. Cạnh đó, anh Tôn Thế Mạnh (SN 1982) bế cậu con trai Tôn Thế Hùng mới bảy tháng tuổi góp chuyện: “Bữa nay, biết đoàn từ TP.HCM lên, cả nhà tôi cùng tới nhận quà, một cân gạo thôi nhưng với chúng tôi cũng quý lắm”.
Cầm giấy chứng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai vừa được tặng, em Nguyễn Thị Nhã Trúc (SN 2009) chạy ào xuống chỗ mẹ ngồi, khoe rối rít. Chị Trần Thị Thu Hằng (mẹ Trúc) xoa đầu con gái, tự dưng nhòe nước mắt. Chị Hằng là trụ cột kinh tế của cả gia đình với nghề làm móng dạo. Nhà có hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, nhưng chồng chị không còn khả năng lao động do bị hạch ác tính mấy năm nay. Chị thổ lộ: “Tôi hạnh phúc vì con gái học giỏi, được các cấp chính quyền quan tâm chăm lo như thế này. Học bổng là nguồn động viên rất lớn cho gia đình tôi”.
Trong khuôn khổ chương trình “Biên giới nghĩa tình”, ban tổ chức đã đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà cho năm Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách tiêu biểu; trao 50 suất học bổng và bảng tượng trưng hỗ trợ xây dựng năm nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương cho HV, PN nghèo; Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng tài trợ sửa chữa, thay thế miễn phí đường dây điện cho 50 hộ nghèo H.Châu Thành. Ngoài ra, đoàn y, bác sĩ Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng 500 phần quà cho HV, PN nghèo của tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là gần 500 triệu đồng.
Ấm lòng người dân biên giới
Dịp này, đoàn bàn giao năm nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, HV, PN nghèo tại các H.Châu Thành, Tân Biên, Bến Cầu, Tân Châu. Mỗi gia đình là mỗi cảnh khó riêng. Đứng nhìn hoài căn nhà tình nghĩa khang trang của mình, chốc chốc chị Nguyễn Thị Trinh lại lấy tay quệt nước mắt. Cha chị - ông Nguyễn Văn Nghị (SN 1934) là thương binh hạng 2/4. Mấy năm nay, ông Nghi bị tai biến, nằm một chỗ. Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1943, mẹ chị Trinh) cũng đau ốm liên miên.
Hiện, chị Trinh đang sống cùng cha mẹ, người anh bị câm điếc bẩm sinh và cậu con trai học lớp 4. Cha mẹ bệnh nằm một chỗ, đôi vai gầy của chị phải gồng gánh hết khó khăn. Chị Trinh tâm sự: “Nhà cũ bị hư, tường nứt và dột khắp nơi. Nhiều đêm tôi nằm ôm má khóc, nghĩ sao mình cực quá. Tôi đi làm thuê, bắt ếch bán kiếm tiền mua gạo mà không ngày nào an tâm vì cha mẹ già, con dại, anh trai đau ốm. Căn nhà tình nghĩa này thật sự là món quà vô giá với cả gia đình tôi”.
Bà Tô Thị Bích Châu trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho học sinh vượt khó vùng biên giới
Vào một buổi sáng cách đây mấy tháng, bà Lê Thị Cườm (SN 1964, ngụ ấp Tân Biên, xã Tân Đông, H.Tân Châu) sững người khi nghe thông báo sẽ được xây tặng mái ấm tình thương. Cho đến giờ, bà và cô cháu gái Nguyễn Thị Quỳnh Hương (học sinh lớp 7) vẫn còn bỡ ngỡ trong ngôi nhà mới của mình.
Bà Cườm kể: “Khoảng bảy năm trước, nhà tôi bị cháy, may nhờ hàng xóm giúp cất cái lều ở tạm. Mùa mưa nào cũng có những ngày bà cháu tôi phải chạy đi tìm chỗ trú vì lều dột quá, lại xiêu vẹo, không biết ngã lúc nào. Mái ấm tình thương là mơ ước cả đời của tôi”. Bà Cườm bị đau khớp gối đã nhiều năm, đứng, ngồi đều khó. Con trai mất vì tai nạn giao thông, con dâu bỏ đi để lại đứa cháu nội cho bà trông nom từ khi bé mới hai tuổi. Bà Cườm làm mướn đủ việc để có tiền nuôi cháu ăn học.
Trong góc nhỏ của hội trường UBND H.Châu Thành, chị Trương Mỹ Hạnh (SN 1981) ngồi im, không chuyện trò với ai. Gặp chúng tôi, chị phân bua: “Mình cứ như ở tận đáy của cái nghèo, ngại và tủi”. Sau khi ly hôn, chị Hạnh một mình nuôi ba người con. Trước đây, chị đi làm thuê, ai kêu đâu chạy đó. Nhưng sức vóc PN không bao nhiêu, làm riết rồi chị ngã bệnh;
Một năm trở lại đây, chị Hạnh là công nhân may, lương hơn ba triệu đồng/ tháng. Hai người con lớn của chị đã phải bỏ học. Bé út Nguyễn Thanh Hương (sáu tuổi) ngày nào cũng níu tay xin mẹ cho đến trường. “Mấy năm qua, mẹ con tôi sống trong căn nhà lá rách, lá mục hết, phải che bạt tạm. Tôi không bao giờ dám nghĩ sẽ làm được nhà mới. Mấy bữa nay, nhìn mái ấm tình thương thành hình, tôi còn ngỡ mình nằ m mơ”.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP TP.HCM triển khai chương trình “Nghĩa tình biên giới” tại Tây Ninh. Mỗi phần quà chúng tôi mang lên đây là tấm lòng, là tình nghĩa của người dân TP.HCM dành cho bà con nghèo vùng biên. Đây cũng là bước đệm để chúng tôi tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực hơn trong thời gian tới. Hy vọng, những nhà hảo tâm, chị em cán bộ, HV sẽ cùng chung tay với Thành Hội PN tiếp tục thực hiện những hoạt động từ thiện, xã hội mang đậm nghĩa tình”.
Đại tá Nguyễn Duy Thắng - Phó chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP TP.HCM cho biết: “Để có kinh phí cùng Hội LHPN TP.HCM tổ chức chương trình này, ngoài việc vận động các nhà hảo tâm thì cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP.HCM cũng trích một ngày lương ủng hộ. Đây là hoạt động mà chúng tôi rất quan tâm, thể hiện tinh thần chia sẻ của người lính với nhân dân vùng biên giới, hải đảo.
Trong những năm qua, Bộ chỉ huy BĐBP TP.HCM đã phối hợp với Hội LHPN TP.HCM triển khai rất nhiều chương trình chăm lo hậu phương người lính, đồng bào vùng biên giới, hải đảo như xây mái ấm tình thương, tặng bồn chứa nước sạch, trao học bổng, thăm khám, chữa bệnh... và sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hội triển khai các hoạt động này”.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.