Chớ xem thường lật cổ chân

25/11/2016 - 15:59

PNO - Khi bị lật cổ chân do mang giày cao gót hay vấp té, xoay xoay chân không thấy đau nhức, bởi vẫn đi lại bình thường, nghĩ là xương không có vấn đề, nên hầu hết mọi người đều bỏ qua.

Đang khỏe mạnh, bình thường, chị Nguyễn Thu Thủy (34 tuổi ở Q.Bình Tân, TP.HCM) đi bộ trên vỉa hè bị vấp té, lật nhẹ cổ chân. Chị nghĩ không sao vì dù mắt cá sưng và đau nhẹ, chị vẫn đi lại bình thường. Tuy nhiên, 10 ngày sau, sẵn tiện đưa người thân đến BV Chợ Rẫy khám bệnh, chị đăng ký khám luôn. Kết quả, chị bị rách dây chằng mắc sên, phải bó bột ít nhất bốn tuần, nếu tiếp tục đi lại dây chằng sẽ bị đứt và phải phẫu thuật.

“Té nhẹ hều không sao đâu?”

Lâu nay, nhiều người nghĩ chỉ vận động viên hay người thường xuyên chơi thể thao mới bị tổn thương dây chằng. Thế nên, khi bị lật cổ chân do mang giày cao gót hay vấp té, xoay xoay chân không thấy đau nhức, bởi vẫn đi lại bình thường, nghĩ là xương không có vấn đề, hầu hết mọi người đều bỏ qua.

Chị Lê Ngọc Y. (27 tuổi ở Q.3, TP.HCM) là “tín đồ” của giày cao gót, luôn diện giày cao đi làm và đi chơi. Tháng 9/2016, khi đang đi bộ cùng với nhóm bạn, trong lúc đùa giỡn, một người bạn vô tình huých tay vào hông chị Y., chị mất thăng bằng, trẹo chân phải dù không bị ngã. Sau đó, bạn bè lấy dầu xanh ra sức xoa bóp, nắn cổ chân bị lật của chị. Một người đề nghị dìu chị ra bãi xe, nhưng chị xua tay: “Té nhẹ hều, không sao đâu, mình bị một lần rồi, không sao hết”.

Nói xong, chị Y. đứng dậy đi… cà nhắc và trấn an bạn: “Mình chỉ bị trẹo mắt cá thôi, hai-ba ngày là bình thường”. Thế nhưng, những ngày sau chân chị tuy không đau nhức nhiều, đi lại không đau, nhưng chị có cảm giác cổ chân bị lỏng và mỗi nhịp bước, chân cứ kêu lụp bụp. Ngay cả khi đứng trên mặt phẳng với chân không, chị thử nghiêng chân qua một bên là chân bị trẹo.

Cho xem thuong lat co chan

Chị đến Bệnh viện ĐH Y Dược khám mới biết bị tổn thương dây chằng bên ngoài và gân cơ mác, làm mất vững khớp cổ chân. Ngay sau đó, chị nhập viện và được phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp cổ chân, khâu gân cơ mác.

Cũng tâm lý chủ quan, nghĩ lật cổ chân là chuyện nhỏ, chị Phan Thùy L. (38 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông) bật khóc khi BS kết luận: “Bị lật cổ chân mạn tính, cách điều trị duy nhất là phẫu thuật tái tạo dây chằng, nếu không sau này ảnh hưởng đến sụn, xương khớp phải hàn khớp, thay khớp nhân tạo”.

Chị L. kể: “Tôi dẫn con đi dạo ở công viên, do bước lên thềm hụt chân, tôi bị trẹo chân và té nhẹ xuống cỏ. Tôi nghĩ giống mấy lần trước, nên chỉ về thoa dầu nóng, bó gừng rang muối. Vì cứ vài tháng là tôi bị lật cổ chân một lần, chỉ cần đi nhẹ nhàng vài ngày là bình thường trở lại. Tôi bị lần đầu khi học năm nhất đại học, khi bước hụt vào nắp miệng cống nằm sâu hơn so với mặt đường. Cô bạn thân cho tôi thuốc cổ truyền, thoa một tuần thì hết đau. Sau đó, tôi mang giày cao gót là bị lật, đi đường mấp mô là bị lật, nói chung là dễ bị lật cổ chân mà tôi không biết đấy là bệnh vì nó không đau nhức”.

Sau đó, có việc ghé BV Chợ Rẫy, sẵn tiện tôi khám chân, và không nghĩ mình bị nặng đến vậy. BS cho tôi chụp MRI thì thấy hai dây chằng cổ chân của tôi chỉ còn dính như sợi tơ, BS nói tôi bị lật cổ chân mạn tính vì đã tái đi tái lại nhiều lần và chỉ có cách phẫu thuật tái tạo lại dây chằng mới hết chứng lật cổ chân”.

Điều trị không đúng có thể tàn phế

Chủ quan là điểm chung ở những người chấn thương lật cổ chân, đơn giản vì do không thấy chân đau nhức và vẫn đi lại được nên ai cũng nghĩ bình thường. Còn ai bị đau dai dẳng thì tự chữa hoặc đến “thầy” lang nhờ bẻ, nắn lại. Cách tự chữa phổ biến là thoa dầu nóng, rượu thuốc, bó gừng, bó muối rang, lá ngải cứu… và đây là cách chữa sai lầm, càng gây tổn thương nặng hơn. Bởi khi bị chấn thương, càng thoa, đắp, bó những gì nóng lên da thì càng làm tình trạng sưng, viêm nặng và kéo dài hơn.

ThS-BS Nguyễn Đức Thành - khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y Dược cho biết: “Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc rượu, bó lá, thuốc nam đã gây ra biến chứng nặng nề như viêm da quanh vùng bó, khiến bệnh nhân vừa đau, vừa có cảm giác khó chịu, kèm theo là tê bì, rối loạn cảm giác, rối loạn dinh dưỡng. Có những trường hợp do bó dược liệu, dùng dầu nóng… vừa làm tổn thương da, dãn mạch, vừa gây nhiễm trùng nặng khớp cổ chân, khiến việc điều trị rất khó khăn”.

Trong khi đó, cách sơ cứu, xử trí đúng khi bị lật cổ chân hay chấn thương xương khớp là: ngưng ngay những hoạt động đang làm, như chơi thể thao thì lập tức dừng ngay, hoặc đang đi lại thì dừng lại nghỉ và chườm lạnh vào vùng bị sưng, đau. Đặc biệt, phải bất động ngay cổ chân, có thể dùng băng thun cố định và kê chân cao cho bớt sưng. Tuyệt đối không dùng dầu nóng, nước nóng, rượu, gừng... sẽ làm quá trình sưng nề kéo dài.

Theo BS Lê Văn Tư - chuyên khoa Cơ xương khớp BV Đa khoa Tâm trí Sài Gòn, lật cổ chân có thể gây tổn thương gân, dây chằng vùng cổ chân từ nhẹ (dãn dây chằng vùng cổ chân) đến nặng (đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng), nặng hơn có thể là trật khớp (khớp chày mác, sên mác, sên gót, lisfranc…), gãy xương… nếu không điều trị đúng cách và kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng về sau: mất vững khớp cổ chân, đau mạn tính, thoái hóa sớm khớp cổ chân…

Đa số trường hợp bị di chứng lâu dài là điều trị sai, hay thấy đơn giản quá nên không điều trị, hoặc chỉ điều trị vài ngày, thấy bớt đau là ngưng và đi đứng, hoạt động trở lại sớm nên đã tạo thành di chứng nặng nề, mạn tính, thậm chí có thể gây tàn phế.

Nguyên nhân gây lật cổ chân thường gặp là chơi bóng đá, tennis, cầu lông; người mang giày cao gót, đi đứng không vững hay nguyên nhân có thể gặp ở bất kỳ ai, đặc biệt là người lớn tuổi, đi trên bề mặt mấp mô, dễ bị vấp; ngoài ra còn do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Dấu hiệu cho thấy cổ chân bị yếu hay có vấn đề về dây chằng là dễ bị lật cổ chân, chân không vững, khớp lỏng lẻo, đau…

Các chuyên gia cho biết, khi bị lật cổ chân, nếu đến khám sớm thì việc điều trị khá đơn giản, vì ngoài cho thuốc chống viêm, giảm đau, BS sẽ hướng dẫn cách chăm sóc, thời gian bất động cổ chân, cách tập luyện để dây chằng hồi phục hoàn toàn.

Còn với những trường hợp bị tái phát thường xuyên (do dây chằng bị dãn, làm chân mất độ vững, càng dễ bị lật), việc điều trị khó khăn, tốn kém bởi biện pháp bó bột, nẹp ít tác dụng, mà phải dùng đến phẫu thuật mới điều trị triệt để.

BS Nguyễn Đức Thành lưu ý: “Với những trường hợp nặng, khớp cổ chân mất độ vững mà đi đứng thường xuyên sẽ gây ra nhiều tổn thương khác lên sụn, khớp cổ chân, dẫn tới thoái hóa khớp nặng, có người bị hư hết toàn bộ sụn khớp cổ chân, phải hàn khớp hoặc thay khớp nhân tạo. Vì khi đó, mặt khớp bị phá hủy hoàn toàn trong khi ban đầu chỉ là tổn thương dây chằng không điều trị hoặc điều trị không đúng cách”.

Thùy Dương

Cách phòng ngừa lật cổ chân và bảo vệ xương khớp nói chung

- Thi đấu, tập luyện thể thao: phải khởi động kỹ.

- Tránh mang giày dép không vững, dễ bị ngã.

- Khi đi lại, chạy nhảy, tránh bề mặt di chuyện mấp mô để không bị vấp.

- Sinh hoạt, vận động phù hợp với thể chất của bản thân.

- Chọn môn thể thao phù hợp với thể chất bản thân.

- Bổ sung can xi từ nguồn gốc thiên nhiên cho xương chắc vì chế độ ăn của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung thiếu 50% lượng can xi cần cho cơ thể.

- Khi có tổn thương nên đi khám, không tự điều trị.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI