Chớ xem thường hiểm họa từ hóa chất

25/07/2022 - 06:36

PNO - Sự cố hóa chất thường để lại hậu quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài. Trong đó, các bệnh do nhiễm độc rất khó thấy và phải mất một thời gian dài mới bộc phát.

 

 

Cây cối chết trơ, người khó thở... sau vụ cháy kho hoá chất

Vụ cháy xảy ra tại xưởng hóa chất của một công ty thức ăn chăn nuôi ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM mới đây, kéo dài đến 4 ngày, khiến cây cối và vật nuôi chết hàng loạt và hàng trăm hộ dân phải dời đi nơi khác để lánh nạn. Thậm chí có người hít phải khí độc phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa có công bố chính thức từ cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm không khí do vụ cháy gây ra. Trong khi đó, nhiều người dân không thể ở lại nhà bởi khói và mùi hóa chất nồng nặc khiến họ bị ngứa rát tay chân, khó thở, đau tức ngực, chóng mặt.

Được biết, xưởng hóa chất ở xã Lê Minh Xuân chứa bột clo cùng với đá vôi và vụ cháy nhiều khả năng do phản ứng hóa học từ các chất này. Đây không phải vụ cháy xưởng hóa chất xảy ra lần đầu ở TPHCM. Tháng 10/2021, một vụ cháy lớn đã xảy ra ở một xưởng hóa chất ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, thiêu rụi nhiều tài sản. Trước đó, cuối năm 2014, đã xảy ra vụ nổ ở một công ty hóa chất tại quận 12 khiến 8 người thương vong và hơn 100 căn nhà đổ sập hoặc hư hỏng. 

Trong các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, có lẽ hóa chất ít được người dân quan tâm do tần suất ít hơn so với cháy nổ do các nguyên nhân khác như chập điện, bất cẩn khi đun nấu, đốt rác, đốt vàng mã… Tuy nhiên, cháy nổ do hóa chất có thể để lại những hậu quả nặng tức thời và hậu quả sức khỏe về lâu dài.

Vụ cháy nổ hóa chất mới đây ở huyện Bình Chánh nhiều khả năng liên quan đến clo. Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp 10 chất gây hại cho sức khỏe con người, gồm arsenic, amiang, benzene, cadmium, dioxin và những chất giống dioxin, thừa fluor, chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu và ô nhiễm không khí.

Clo dù không bị WHO gọi tên chính thức, nhưng những sự cố với hóa chất này có thể xếp vào loại thảm họa. Mới nhất, cuối tháng 6/2022, tại Jordan, đã xảy ra một vụ nổ khí độc làm ít nhất 13 người chết và 250 người bị thương. Trong số này, có 5 người Việt tử vong và 7 người Việt bị thương.

Nhà chức trách ban đầu gọi đây là một vụ rò rỉ khí gas, nhưng sau đó cho biết đây là vụ nổ khí clo. Ở dạng khí, clo có màu vàng lục nhạt, nặng hơn không khí khoảng 2,5 lần, có mùi hắc khó ngửi và là chất độc cực mạnh. Nếu hít phải khí clo, con người có thể bị bỏng đường hô hấp.

Theo WHO, sản xuất và sử dụng hóa chất đang tăng mạnh khắp thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Thế nhưng nhận thức của người dân và doanh nghiệp về cháy nổ hóa chất vẫn còn thấp, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố. 

Báo cáo của Bộ Công thương vào năm 2015 cho thấy 45% doanh nghiệp không trang bị thiết bị cho ứng phó sự cố hóa chất, 20% lãnh đạo quản lý không nhận thức các quy định về an toàn hóa chất. Tình trạng lơ là, mất cảnh giác với cháy nổ hóa chất còn thấy rất rõ ở cả các doanh nghiệp sản xuất đặc thù dù hàng ngày, hàng giờ phải sống chung với hóa chất độc hại.      

 Do đó, bên cạnh những hành động cấp bách để ngăn ngừa cháy nổ hóa chất, cần phổ biến thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân cũng như nhà quản lý về an toàn trong tồn trữ, sử dụng hóa chất.

Và trên hết, cần xử phạt nghiêm minh những hành vi kinh doanh, sử dụng hóa chất không đúng quy định. Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Nghị định đã bổ sung, điều chỉnh mức xử phạt, nhưng dường như vẫn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, hành vi sử dụng bồn chứa ngoài trời không có đê bao hoặc không có các biện pháp kỹ thuật khác để ngăn chặn hóa chất thoát ra môi trường sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Cần nhắc lại, sự cố hóa chất thường để lại hậu quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài. Trong đó, các bệnh do nhiễm độc rất khó thấy và phải mất một thời gian dài mới bộc phát. Vì thế, khi các vụ cháy nổ do hóa chất xảy ra, việc ngăn chặn tác hại đến môi trường và sức khỏe của người dân xem như đã muộn. 

An Nhiên
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI