Chớ xem nhẹ sức khỏe tâm thần

18/03/2024 - 06:17

PNO - Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc, trong đó mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Số liệu do WHO công bố vào năm 2023 cho thấy, có khoảng 20% người dân trên thế giới cần chăm sóc sức khỏe tâm thần. Sau đại dịch COVID-19, con số này đang ngày một tăng nhanh. 

Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỉ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số. Tỉ lệ người cần chăm sóc sức khỏe tâm thần đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa. Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy: khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm. Con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, khi nghe nói “sức khỏe tâm thần”, vẫn còn nhiều người chưa hoặc hiểu rất mơ hồ. Họ thường nghĩ đến “bệnh tâm thần” từ đó ngại đi khám, khiến các rối loạn về tâm thần như lo âu, căng thẳng kéo dài dẫn đến trầm cảm.

Trong một hội thảo về tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần được tổ chức năm 2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, nước ta có khoảng 15 triệu người mắc các chứng rối loạn tâm thần, hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. 

Ngoài gây thiệt hại lớn về nhân mạng, đại dịch COVID-19 còn tác động rất xấu đến kinh tế, xã hội, gây nên làn sóng mất việc làm trên toàn thế giới. Đột ngột mất việc có thể gây ra những chấn động về tâm lý, rối loạn lo âu, căng thẳng cho người lao động, đặc biệt là người đóng vai trò trụ cột gia đình. 

Các bệnh về tâm thần cũng cần được dự phòng, chẩn đoán sớm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Thế nhưng, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng ở nước ta còn thiếu cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Hầu hết cơ sở y tế tuyến huyện không khám chữa bệnh nội trú về tâm thần, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh cũng không có khoa tâm thần, tâm lý.

Ở Việt Nam, tính trên 100.000 dân, chỉ có 0,99 bác sĩ tâm thần, 2,89 điều dưỡng viên tâm thần và 0,11 nhân viên tư vấn tâm lý. Lực lượng này lại phân bố không đồng đều, khiến những người bị rối loạn tâm thần chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc một cách hiệu quả. Vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn ít được quan tâm để truyền thông cho cộng đồng. 

Do đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng và phát triển mạng lưới tuyên truyền, chăm sóc, hỗ trợ cho người bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, đồng thời chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ở cấp trung ương, cần xây dựng chiến lược quốc gia, trong đó đưa ra các định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách toàn diện. 

Trong thời gian chờ hoàn thiện các chiến lược, chính sách, dịch vụ y tế, mỗi gia đình cần xây dựng văn hóa gia đình sao cho các cá nhân yêu thương nhau và được tôn trọng, quan tâm các hoạt động rèn luyện thể chất, có nếp sinh hoạt, ăn uống, quan hệ xã hội lành mạnh. 

Sức khỏe tâm thần là yếu tố quan trọng của hạnh phúc, của quá trình phát triển bản thân, sự nghiệp. Một tinh thần tốt, tràn đầy năng lượng giúp mỗi người chúng ta có cuộc sống tốt đẹp, góp phần tạo nên một xã hội văn minh, vững mạnh, hạnh phúc. 
Xin đừng xem nhẹ sức khỏe tâm thần. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI