Chợ vui trở lại

01/02/2022 - 07:30

PNO - Chợ đâu chỉ là nơi bán mua. Chợ liên quan tới cái ăn, cái mặc - những thứ thiết thân để tồn tại. Chợ liên quan tới “sức khỏe tài chính” của gia đình, thậm chí phản ánh “sức khỏe” của địa phương, của cả một nền kinh tế. Với nhiều người, chợ giữ giùm những buồn vui, thăng trầm, nhất là quãng dịch bệnh ghé ngang…

1. 

Ở Sài Gòn nửa đời người, lại ưa lọ mọ nên tôi bị bạn bè gọi là “ma xó”, hay nhờ tôi tư vấn chỗ mua hàng. Một số bạn năn nỉ tôi đi cùng cho vững dạ, vì sợ mua lầm, sợ bị người bán bắt chẹt. Đó là lý do tôi “lội chợ” nhiều hơn so với nhu cầu của bản thân.

Địa bàn “rảo” của tôi khá rộng, trải từ chợ Tân Định, chợ Đa Kao, chợ Cũ, chợ Dân Sinh… ở trung tâm Q.1 sang cụm chợ Bàn Cờ, Nguyễn Đình Chiểu, Vườn Chuối (Q.3), tới chợ Miên (Q.10), An Đông (Q.5), rồi mé chợ Phú Lâm (Q.6) hay tận chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn)… Có khi cuối tuần tôi đi picnic, tranh thủ mua gà thả vườn ở chợ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh); mua khô cá dứa ở chợ Cần Thạnh (H.Cần Giờ). Nói chung, cứ tới nơi “có công chuyện” hoặc ghé thăm bạn bè là tôi tranh thủ dạo chợ. Tôi thích bám chân “thổ địa” mà đi, nhởn nhơ vui chơi, ăn hàng, mua sắm, khám phá…

Thực ra với tôi, đi chợ không chỉ là đi mua sắm. Tôi thèm cảm giác lẫn mình vào đám đông, nhìn ngắm các quầy hàng, cảm nhận mùi chợ, không khí chợ. Trong không gian ồn ã ấy, tôi hay ghi nhận những thứ dường như không liên quan gì tới mình, lâu dần tích thành kiến thức, nhiều lần giúp ích cho bạn bè trong kinh doanh hay sản xuất.

Ngày chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tôi thuê nhà cùng nhóm sinh viên trong con hẻm chợ Tân Định. Thời của chúng tôi, "người dẫn đường” vào thế giới nữ công gia chánh là bộ sách của nhà giáo Triệu Thị Chơi và Nguyễn Thị Phụng (Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM). Từ số lý thuyết ấy, tôi biết làm các món ăn để “hội nhập” với dòng văn hóa ẩm thực Sài Gòn. Thế nhưng, muốn ứng dụng vào thực tế căn bếp, tôi phải nói lời cảm ơn các dì bán thực phẩm chợ Tân Định. Họ chỉ tôi cách phân biệt bốn loại xà lách, ba loại rau muống, cách nhìn sớ để phân loại thịt heo, cách nhận biết cá tôm tươi hay ngộp cùng vô số công thức cho những món ăn hằng ngày.

Những ngày đầu, tôi ăn mặc chỉnh tề ra chợ và nếm ngay cảm giác bị “chặt chém” ở hàng vải, ức đến phát khóc. Sau này tôi được chính các chị bán hàng mách: Nếu muốn người bán xem như khách quen, mình đừng ăn vận hay giao tiếp khác biệt. Từ đó, tôi đi dép kẹp, mặc đồ bộ bông đi chợ và được nhận diện là “thổ địa”, các chị em tiểu thương rất mực yêu chiều.

Đó là bài học quý tôi lĩnh hội được ở chợ, áp dụng hữu hiệu cho những chuyến du lịch xa để tiếp cận người địa phương, tìm hiểu văn hóa bản địa, thành công trong cả môi trường làm việc và ứng xử xã hội: Muốn đến thật gần và lấy thiện cảm của ai đó, phải bớt đi những cách biệt và… càng giống họ càng tốt.

Ảnh: Phùng Huy
Ảnh: Phùng Huy

Chợ Tân Định là “chợ ruột” của tôi ở Sài Gòn. Sau này chuyển nhà nhiều lần, tôi gắn bó nhiều khu chợ khác, song khi cần mua vải may rèm cửa, may drap, sắm guốc gỗ hay mua đồ dùng cho mẹ và bé, tôi phải tìm về mối quen ở chợ Tân Định mới… an lòng.

Người Sài Gòn quen gọi chợ Tân Định là “chợ nhà giàu”. Xây từ năm 1926 với kiến trúc cổ xưa, Tân Định cùng một vài chợ trung tâm tạo nên một thị trường thực phẩm tươi ngon, cao cấp dành cho giới có tiền thời Pháp thuộc. Ngày nay, ngoài những dãy hàng vải thiết thân với các nhà thiết kế thời trang, chợ còn có những sạp thực phẩm chất lượng cao, vừa lòng đầu bếp 5 sao khu vực trung tâm thành phố.

Bốn năm nay, tôi chuyển về sống tại Q.Tân Bình, bữa ăn nhà tôi gắn chặt với hai ngôi chợ bán nhiều đồ ăn Bắc là chợ Hoàng Hoa Thám và chợ Phạm Văn Hai. Chợ Phạm Văn Hai trước kia cũng là chợ sỉ thịt bò, thịt heo với hàng trăm sạp hàng san sát, mở đèn từ 1 - 2 giờ sáng để cung cấp thịt cho tiểu thương các chợ nhỏ. Sau này, thành phố quy hoạch heo, bò, gà bán sỉ về chợ đầu mối Bình Điền; trong chợ Phạm Văn Hai vẫn còn những quầy bán thịt chất lượng cao giá mềm.

Ảnh: Phùng Huy
Ảnh: Phùng Huy

Bạn tôi từ Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức mỗi cuối tuần lại chạy xe tới mua thịt bò cùng các loại củ quả nhập từ miền Bắc.
Những người đàn bà Sài Gòn mà tôi biết, ai cũng yêu thương gắn bó với ngôi “chợ ruột” với “mối ruột”. Chị Đỗ Hồng Thơm, người đồng nghiệp cũ thường kéo tôi ra khu hải sản chợ Bến Thành mua tôm, cua, cá về bếp cơ quan chế biến. Theo chị, hải sản chợ này là số một về độ cao cấp, các đầu bếp khách sạn lớn thường ra đây lấy hàng.

Chị Thơm sống tại đường Alexandre de Rhodes, ngay cạnh Hội trường Thống Nhất, từ năm 1976 tới nay. Chị có ba cô con gái, đều mê nấu ăn và giỏi bày biện cỗ bàn. Chị nói phụ nữ trong nhà chỉ thích tự tay lựa từng mớ rau con cá ở chợ, vì chúng tươi ngon hơn ở siêu thị. Mỗi sáng chị Thơm đi bộ khoảng 800m từ nhà, bọc qua hai cạnh của hội trường, rẽ vào đường Thủ Khoa Huân để tới cổng Bắc chợ Bến Thành. Có lần đi làm sớm, tôi gặp chị bước trên đôi giày bata, mặc quần thể dục, áo thun. Chị hay bảo, đi chợ và thể dục là hai việc quan trọng của phụ nữ, không nên bỏ phần nào, kết hợp được cùng lúc thì càng hay.

Theo chân chị Thơm đi chợ Bến Thành và được chỉ dẫn cặn kẽ điểm mua hàng, nên khi bạn bè từ Hà Nội vào, từ Vũng Tàu hay miền Tây lên, tôi có thể tự tin dẫn họ mua sắm ở khu chợ sang chảnh bậc nhất này.

Có lần chợ đông, tôi và cô bạn Hà Nội chen chân chọn vải áo dài nên đánh rơi bóp tiền lúc nào không biết. Trong bóp có 3 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ. Sau một tiếng “lội chợ”, tôi dắt bạn ra cửa Đông chợ giới thiệu quán bún riêu nổi tiếng. Lúc tìm bóp trả tiền mới biết mất đồ. Hốt hoảng quay lại sạp vải, chưa kịp hỏi, người bán đã mỉm cười đưa ra chiếc bóp nguyên vẹn, nói có vị khách nhặt được và gửi lại. Cô bạn Hà Nội kinh ngạc khi thấy số tiền trong bóp vẫn còn nguyên. Về Bắc, thi thoảng bạn vẫn kể chuyện này như một kỷ niệm đẹp đẽ với chợ Sài Gòn.

2. Người ta hay nói, chợ ngày nay dành cho người già không biết chạy xe vào hầm, vào bãi của siêu thị, trung tâm thương mại. Chợ là nơi dành cho người nghèo, người lạc hậu và… hơi rảnh. Vậy nhưng, có một thực tế ở đô thị: Người cầm tiền đi chợ phần nhiều là người lớn tuổi hoặc các cô giúp việc, thế nên chợ vẫn đông, vẫn vui. Ngoài ra, lý do khá quan trọng khiến chợ không giảm sức hút là: Hàng hóa ở chợ phong phú, có độ phân cấp về chất lượng và giá tiền. Người giàu có thể tìm được món tươi ngon mắc tiền thì người nghèo cũng có thứ vừa tiền, đạt yêu cầu với bữa ăn khiêm tốn nhà mình. Điều này ở siêu thị không dễ có.

Có thời gian tôi thích uống cà phê trong con hẻm đường Điện Biên Phủ, Q.10. Sáng sáng, tôi hay gặp cô hoa hậu hai lượt xách giỏ đi ngang để vào chợ Vườn Chuối. Dù là hoa hậu vóc dáng ngọc ngà, khi đi chợ, trông cô hệt như mọi phụ nữ bình thường với bộ đồ bông bằng vải thun. Tóc cột gọn, thêm cái khẩu trang phía trước, ít ai biết ẩn trong đó là một nhan sắc lộng lẫy, càng không ai nghĩ cô là vợ đại gia. Có lần, tôi còn gặp hoa hậu băn khoăn thêm bớt, trả giá giữa chợ. Hình ảnh ấy với tôi thật dễ thương, thú vị.

Tôi chẳng biết đàn ông xông pha chiến trường, thương trường, bôn ba sông hồ thế nào, chứ đàn bà dù sang chảnh đến mấy, cũng khó mà tách mình khỏi tính toán mớ rau, con cá. Co kéo giữa nhu cầu và thực tế của số bạc trong túi chưa bao giờ là việc đơn giản. Đàn ông các anh nổ não cân nhắc ở đâu, thì đàn bà, giữa thịt kia cá nọ, hơn thua 2.000, 5.000 đồng cũng phải tính; mắc hơn 10.000 đồng càng phải tính. Cái gì cho con, cái gì cho chồng, cho mẹ chồng, cha chồng… và tới phần mình càng loay hoay cân nhắc: Nín lòng tiếp hay “thôi chiều bản thân một chút đi!”…

Chợ truyền thống nhiều giai đoạn hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với siêu thị, cửa hàng tiện ích, các shop hiện đại, hàng quán dịch vụ tận răng. Ban quản lý chợ họp lại, bàn cùng tiểu thương cách chuyển đổi, tiến lên văn minh từ nụ cười thân thiện tới cách niêm yết giá bán, bày sắp sạch đẹp. Chợ nâng cấp dần khi tăng lượng hàng uy tín, cao cấp để xóa ác cảm “hàng chợ”. Cùng với tình cảm gắn bó và thói quen đi chợ của các bà các mẹ, chợ truyền thống TP.HCM vẫn cung ứng khoảng 70% lượng hàng hóa thiết yếu cho hơn 10 triệu dân.

Hiện TP.HCM có hơn 200 ngôi chợ lớn cùng ba chợ đầu mối - Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền - tạo thành mạng lưới cung ứng hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng, là xương sống của thị trường hàng thiết yếu. Cũng thật thiếu sót nếu không nhắc tới hàng ngàn ngôi chợ tạm, chợ chồm hổm. Sau nhiều cuộc tranh luận có nên dẹp bỏ cho đẹp cảnh quan đô thị, những ngôi chợ gần gũi này vẫn đóng vai trò quan trọng trong “thị trường ngách” do tiện lợi với người nhập cư, lao động nghèo - lực lượng không nhỏ góp phần cho sự phát triển của thành phố.

Chợ xứ nào cũng vậy, có thể phản ánh rõ sức sống của dân cư. Tham quan chợ, có thể thấy một phần văn hóa - xã hội của người bản địa. Chợ đông vui, hàng hóa phong phú phô bày thị hiếu tiêu dùng, thể hiện dòng chảy nhịp nhàng của tiền - hàng, cho thấy “sức khỏe kinh tế”. Chợ vắng, chợ ế cho thấy “cái sức khỏe” đó đang bất ổn.

Còn nhớ những ngày TP.HCM căng mình chống dịch COVID-19, từng ngôi chợ quen đóng cửa theo số ca nhiễm, phụ nữ chúng tôi lên mạng hốt hoảng hỏi nhau, không biết rồi sẽ chợ búa, cơm nước ra sao. Lẫn trong đó là những tiếng thở dài: “Trời ơi nhớ chợ!”… Đầu tháng 10/2021, chợ dần dà mở lại. Tới tháng 11, hầu hết các khu dân cư đều đã có chợ. Qua tháng 12 thì chợ đã đông vui. Từ các quận của thành phố, chúng tôi khoe nhau mớ tép đồng nhảy tanh tách vừa mua ở chợ hay mớ rau vườn xanh non của một bà cụ hái từ quê lên bán. Đi chợ, tôi lại thấy mùi bùn, mùi cá quen thuộc ở khu thủy hải sản; mùi bánh xèo, bánh tiêu ở khu đồ ăn, phía ngoài chợ lại rực rỡ sắc bóng bay, đồ chơi cho trẻ nhỏ…

Sau một đợt dịch căng thẳng, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi khá nhiều. Các khu chợ chủ yếu tấp nập ở khu tạp hóa, thực phẩm. Nhiều tiểu thương trước đây kinh doanh giày dép, mỹ phẩm… nay linh hoạt bán thêm thịt, cá, rau… Càng gần tết, các ngôi chợ chuyên đặc sản càng sôi động. Tại chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bà Hoa, chợ Miên… nguyên liệu thực phẩm từ miền Bắc, miền Trung, vùng biên giới Tây Nam… theo xe về, sẵn sàng cho mùa làm thực phẩm tết. Tiểu thương chợ hoa Đầm Sen và Hồ Thị Kỷ lại rộn ràng giới thiệu loại hoa “trend” của tết nay.

Tuy vậy, ở hầu hết các chợ, các khu nhà lồng kinh doanh vải vóc, mỹ phẩm, giày dép, không khí vẫn đìu hiu. Nhớ hôm ghé chợ Bến Thành, chúng tôi đi từ cửa Bắc tới “lãnh địa ăn uống” chỉ mất chục giây, không va đụng ai vì chợ quá vắng. Chợ Bến Thành đã vui trở lại ở khu bán thực phẩm tươi sống vào buổi sáng. Từ trưa sang chiều chợ im vắng. Khu vải vóc, thực phẩm khô, thực phẩm ăn tại chỗ và hàng lưu niệm… người bán vẫn đông hơn người mua.

Tôi ngồi xuống với dì Ngọc Lan, người đàn bà phúc hậu sau quầy chè. Dì tẩn mẩn sắp cho tôi “ly chè bình thường mới” và tâm sự: “Tính ra bốn đợt COVID-19 rồi đó, nhiều người phải bỏ nghề, treo sạp. Chị em chúng tôi ở nhà lâu quá, ai cũng than ra vào cuồng chân, nhớ chợ, thèm ra ngồi chợ”. 

Dì Lan cũng nhắc những mùa hàng tết khách và hàng tấp nập vào ra. Các sạp đều phải thuê thêm nhân viên thời vụ, khu áo quần vải vóc, thực phẩm khô ngày đêm bận rộn đóng hàng chuyển đi mọi miền. Tiếng nói cười ở khu ăn uống lúc nào cũng ồn ã, dì thì múc chè… mỏi tay.

Quả thực, suốt chiều dài ra đời và phát triển của mình (từ năm 1914, sau khi xây sửa lại ngôi chợ cũ bị Pháp phá hủy), chợ Bến Thành chưa bao giờ buồn như bây giờ. Hơn 100 năm là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chợ vững vàng với ngôi vị số một và biểu tượng của Sài Gòn. Mỗi dịp giáp tết, chợ đón khách Tây, khách Việt kiều, lượng tiền hàng bán sỉ bán lẻ giao dịch mỗi ngày của mỗi hộ kinh doanh lên tới tiền tỷ.

Nay tết về “sát nút”, dịch giã chưa lui, lòng người cũng nôn nao khó tả. Chị Lệ Thu, người gắn nửa đời với sạp hàng nhỏ xíu ở cửa Nam chợ Bến Thành, kể, khi ban quản lý chợ kêu gọi đăng ký mở sạp và thông báo miễn thuế, các chị mừng rỡ rủ nhau ra dọn hàng. Ở nhà nửa năm, sốt ruột lắm, vì đồ vải để lâu quá sẽ mục ẩm, hư hao…

Theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, số lượng tiểu thương đăng ký mở bán lại ban đầu khoảng 150 sạp. Hơn 1.000 chủ hộ kinh doanh vẫn treo sạp theo dõi thông tin. Mọi người đều hy vọng sau khi Quảng Nam và Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế, sẽ tới lượt TP.HCM được trải thảm cho du khách.

Nắng cuối năm hắt vàng rực từ mé cửa Tây, tôi nhìn sang nhà giữ xe bên đường Phan Chu Trinh. Dãy phố được xem là đắc địa của khu vực Bến Thành nay dần nhộn nhịp. Nhóm các bác xe ôm mặc đồng phục của đội tự quản đứng rảnh rang nói cười. Phía cửa Nam, hướng bùng binh Quách Thị Trang vừa có hai vị khách Nhật bước vào. Họ đi mua đồ tập thể thao để vận động sau những ngày ì trệ. Các chị tiểu thương mừng rỡ đón khách, tuôn những tràng tiếng Nhật, tận tình tư vấn.

Nhìn tiểu thương “chợ nhà giàu” đón khách mà hớn hở như gặp người thân xa cách quá lâu, tôi chợt nghĩ: Thăng trầm có thể gõ cửa bất cứ ai, dịch giã không chừa bất cứ cộng đồng sung túc, sang chảnh nào, nhưng rồi cuộc sống vẫn có cách để tiếp diễn. Sẽ sớm thôi, các ngôi chợ lớn chợ nhỏ của thành phố lại sáng đèn “full sạp”, ăm ắp người, ăm ắp niềm vui… 

Minh Lê

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=