Chớ vội ‘ném đá’ dự thảo điều lệ trường tiểu học!

20/07/2015 - 08:10

PNO - PN - Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo điều lệ trường tiểu học, được xây dựng theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN). Dự thảo đã gây nên những phản ứng...

Cho voi ‘nem da’ du thao dieu le truong tieu hoc!

Theo dõi các diễn đàn và bình luận trên mạng xã hội, tôi thấy, nhiều người phê phán, chỉ trích vì “dị ứng” với những từ ngữ chỉ chức danh chứ thực chất chưa tìm hiểu kĩ mô hình hay toàn bộ dự thảo.

Nếu bình tĩnh xem xét thì dự thảo còn nêu nhiều vấn đề nữa chứ không đơn giản chuyện lớp trưởng trở thành chủ tịch hội đồng, mô hình trường học mới đã được thực nghiệm tại một số địa phương và có kết quả khả quan. Riêng vấn đề tên gọi trên, điều 17 trong Dự thảo điều lệ trường tiểu học quy định về lớp học, tổ học sinh, điểm trường.

Theo đó, học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

Vậy tại sao, dư luận đã vội vàng “ném đá” ào ạt không thương tiếc chỉ vì tên gọi chức danh mà không nhìn nhận khách quan để có những ý kiến đóng góp xác đáng. Không ai quan tâm, với tình hình các lớp ở cấp tiểu học quá tải như hiện nay, làm sao đạt chỉ tiêu 35 học sinh/1 lớp. Riêng vấn đề lớp trưởng trở thành chủ tịch hội đồng tự quản thì dự thảo đã ghi rõ “hoặc”, hoàn toàn có thể thay đổi cho phù hợp.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trước một cuộc cải cách với nhiều điều mới mẻ, các nhà giáo dục cần “đả thông” tư tưởng, định hướng dư luận đồng thời nghiên cứu thay đổi cho phù hợp trước khi đem ra bàn luận.

Như bản dự thảo này được xây dựng dựa vào mô hình VNEN nên một số thuật ngữ dịch trực tiếp từ tiếng nước ngoài, không phù hợp với nhà trường Việt Nam thì nên cân nhắc khi đưa vào.

Theo tôi, chúng ta có thể ứng dụng mô hình nhưng không bắt buộc phải y nguyên mà được chỉnh sửa cho phù hợp với môi trường giáo dục hiện tại. Giữ nguyên cách gọi lớp trưởng, lớp phó thay cho những từ ngữ đao to búa lớn như chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng đâu có ảnh hưởng gì.

Trước đó, thông tư 30 về thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học được áp dụng đã gây ra khá nhiều tranh cãi về tính khả thi hiệu quả, giờ đến bản dự thảo có nhiều điều mới thì những phụ huynh có con trong độ tuổi tiểu học đều có chung tâm lý: con mình bị đem ra làm “chuột bạch” cho những cuộc cải cách và không khỏi lo lắng.

Điều này giải thích cho làn sóng phản đối gay gắt trong dư luận, nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta cần bình tĩnh. Bởi, để đạt được sự thay đổi mạnh mẽ cho nền giáo dục nước nhà thì phải trải qua những “cơn chuyển mình đau đớn” để tìm hướng đi phù hợp.

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Thay vì chỉ trích, phán xét chủ quan, chúng ta nên ủng hộ, đưa ra những góp ý chính đáng, cùng nhau bàn luận để thay đổi.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến của giáo viên về bản Dự thảo điều lệ trường tiểu học. Tôi tin, những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy sẽ có những ý kiến phù hợp để có sự thay đổi tốt nhất cho học sinh của mình.

Bởi vậy, đừng vì một cái tít câu view không đầy đủ từ ngữ mà vô tình làm vấn đề đơn giản trở nên phức tạp. Giữa thời buổi nhiễu loạn thông tin, mỗi người nên tỉnh táo sáng suốt, cẩn trọng, biết đầy đủ và chính xác mới bày tỏ quan điểm, tránh góp gió vào “bão” dư luận.

HÀ LAM (giáo viên, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI