Cho vợ đi xa?

01/04/2013 - 16:18

PNO - PN - Vợ chồng tốn bao nhiêu công sức mới được “nhà chung vách”, sự gần gũi quen hơi bén tiếng đã trở thành một đặc điểm của đời sống vợ chồng. Lâu lâu có chuyện phải xa nhau đôi ba ngày nửa tháng đã thấy thiếu, chuyện...

“Lấy nhau được hơn một năm thì em có học bổng đi tu nghiệp nước ngoài. Chồng em ban đầu không phản đối vì đây là kế hoạch của em, chúng em đã biết trước khi cưới nhau. Điều em không ngờ là anh ấy đã thay đổi quyết định chỉ vì điều tiếng của mọi người. Đồng nghiệp cơ quan anh ấy cũng trêu chọc: “Lấy vợ mà cho đi Tây/Như Dream không khóa để ngay Bờ Hồ!”. Càng gần ngày đi càng nhiều nghi ngờ lợn cợn vẩn lên, khiến đời sống vợ chồng không còn thoải mái nữa. Liệu em có sai lầm khi quyết định đi học xa? Chưa đi mà đã như vậy, trong thời gian em đi xa, lỡ chồng em có ai khác thì em cũng chẳng biết làm thế nào...”.

“Vợ chồng em thời gian gần đây thường xuyên bất đồng. Nguyên do vì công ty em có suất đi học Thái Lan, chồng em không đồng ý cho vợ xa nhà. Dù em đã trình bày hết lẽ, thời gian lại chỉ sáu tháng nhưng chồng em khăng khăng hoặc chọn đi học hoặc chọn gia đình. Cơ hội thì hiếm có, xin chị cho em lời khuyên làm cách nào để chồng em đồng ý cho em được tham gia khóa học này…”.

Cho vo di xa?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ờ thì người ta sẽ nói, thời buổi này mà giữ rịt vợ trong nhà là cổ hủ, lạc hậu rồi, chồng con mà như vậy thì dở quá. Nhưng, giờ cái cổ hủ lạc hậu đó nó lên tiếng, chẳng lẽ đành lòng vứt nhau đi? Học hành thì tiến bộ, nhưng tiến bộ mà không hạnh phúc thì cũng chẳng để làm gì. Ngược lại, ở nhà hủ hỉ chồng con, quanh quẩn một lúc rồi cũng xài cạn cái hạnh phúc nhỏ bé, vốn không được vun trồng, không được phát triển từ sự phát triển của mỗi cá nhân…

Có lẽ, mọi chuyện phải bắt đầu từ người có nhu cầu đi học, mà trong trường hợp này, là người phụ nữ trong gia đình. Không phải vì bất bình đẳng, mà vì sự chọn lựa chủ động của mình thôi. Nhiều chị đã chọn trước hết phải vun đắp gia đình với ý nghĩ “để con cái khôn lớn chút đã…”, nhưng đến khi con cái kịp lớn khôn thì mình không còn cơ hội. Nhiều em chọn theo đuổi sự nghiệp, đến khi có sự nghiệp rồi lại lâm cảnh “cao thì không tới, thấp thì không thông”. Phật dạy “tùy duyên”, nay cái duyên thứ nhất là gia đình đã vướng trước mắt, thì cũng nên cân nhắc, không phải cứ khăng khăng thực thi bằng được kế hoạch của mình.

Thực chất của việc chưa thể xa nhau, chưa thể cho vợ đi học là vì chưa trọn tin nhau, hoặc cũng có thể là chưa đủ… chán nhau! Một lý do nữa là người đàn ông sợ mình thua sút vợ, sợ vợ đi học về trở thành “sếp bà” trong nhà. Trong tất cả những trường hợp này, chỉ có thời gian mới có thể là bạn đồng hành tích cực của người phụ nữ. Tìm cách thu xếp, chia sẻ những vất vả bận rộn của mình để chồng bớt lo lắng, tranh thủ hai bên cha mẹ… là những cách nên làm. Có một điều cơ bản là trước khi tham gia một khóa học xa xôi nào đó, phải học cách làm yên lòng người bạn đời. Nền tảng có vững vàng, thì mọi sự phát triển mới có thể cao hơn, xa hơn được. Lập kế hoạch cho một sự “cùng phát triển”, vợ cùng chồng sắp xếp trước sau để vươn lên… Nếu tất cả đều được thu xếp từ tình yêu thương và trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình, thì sẽ dễ dàng có được sự đồng thuận.

Trong những mục tiêu của học tập, có mục tiêu: học để có cuộc sống hạnh phúc.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Từ khóa Cho vợ đi xa
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI