Em trai tôi gọi điện than thở vì bị một bạn đồng nghiệp "bóc phốt" trên nhóm chung của công ty. Nguyên nhân xuất phát từ việc người đó mượn 20 triệu đồng và em tôi đề nghị người đó ghi giấy cam kết mới đồng ý cho mượn. Người đó cảm thấy bị xúc phạm, không được tin tưởng nên quay ra nói xấu em.
Tôi hỏi em về mối quan hệ với người mượn tiền thì em bảo, chỉ quen biết chứ không thân, người này mới vào làm được 4 tháng. Nghe xong, tôi bảo em cứ bình tĩnh, đằng nào cũng mất một mối quan hệ, nhưng đỡ tức hơn khi mất cả tiền. Tôi nghĩ, em trai cẩn thận trong chuyện cho vay tiền như thế là không sai nhưng có lẽ cách xử lý chưa khéo léo mới dẫn đến chuyện khiến người kia phật ý.
|
"Đồng tiền đi liền khúc ruột", khi cho vay dễ rước bực vào thân - Ảnh minh họa |
Đã nhiều lần vướng vào việc cho vay tiền rồi không đòi được dẫn đến mất tình cảm, tôi thấy thà mất một thứ còn đỡ ức hơn mất cả hai vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Rất nhiều người lợi dụng vay tiền, sau đó lần lữa không trả, thậm chí mất hút, tình cảm cũng chẳng còn. Có một chuyện tôi còn nhớ mãi, mỗi lần nhắc lại vừa tức vừa buồn cười.
Có lần, tôi đi chợ vô tình gặp lại Ngọc - người bạn chung phòng trọ từ thời còn sinh viên. Tôi vừa chào, tính quay sang trả tiền cho người bán hàng rồi nói chuyện thì bạn đã nhanh chân đi mất. Tôi vội đuổi theo, hét to: “Này đứng lại đã, mình hỏi cái này”. Hình như nghe thấy tiếng tôi, Ngọc đi càng nhanh, lấy xe phóng đi mất. Tôi biết, Ngọc cố tình tránh mặt tôi vì món nợ cách đây đã hơn 10 năm.
Ngày đó, chúng tôi thuê phòng ở ghép với nhau, trong một lần đi dạy kèm về, Ngọc khóc rất nhiều vì bị giật mất điện thoại. Ngọc hỏi vay tôi tiền để mua lại vì sợ ba mẹ biết sẽ mắng.
Lúc đó, tôi cho Ngọc mượn 1 triệu đồng để mua máy mới dù biết tháng sau sẽ phải ăn rau và đậu hũ. Ngọc hứa khi nào có lương làm thêm sẽ trả nhưng tôi đợi mấy tháng cũng không thấy bạn đả động gì. Một ngày, đi học về tôi đã thấy Ngọc dọn đi không một lời tạm biệt.
Tôi nhắn tin hỏi Ngọc không trả lời, gọi không bắt máy và mất tích luôn từ đó. Đến giờ, tôi cũng không biết lý do vì sao Ngọc “trốn nợ”, thà rằng cô ấy cứ nói thẳng tôi sẽ thấy dễ chịu hơn.
Sau này đi làm, thỉnh thoảng cho bạn bè mượn tiền nhưng lâu không thấy trả, đến khi liên lạc để hỏi tôi mới biết mình đã bị “block” mọi nơi. Số tiền mất không nhiều nhưng cái tiếc nhất chính là tình cảm, lòng tin dành cho nhau.
Một người chị đồng nghiệp của tôi lại chịu cảnh ấm ức khi cho chính em ruột mình vay tiền. Chị kể, vợ chồng em trai làm nhà, chị cho mượn 200 triệu đồng. Vì nghĩ chị em ruột thịt nên chẳng đề cập đến việc lúc nào trả.
Giờ nhà xây xong gần 7 năm, em trai đổi xe ô tô lần thứ 3, đầu tư đất đai nhiều nơi nhưng vẫn không đề cập đến việc trả tiền cho chị trong khi con gái lớn của chị ra trường, con trai út vào đại học, rất cần tiền để trang trải. Chị tưởng em quên nhưng mỗi lần nói chuyện, em vẫn nhắc tới khoản nợ mà không có ý định trả. Chị biết nếu mở miệng ra đòi sẽ có nguy cơ mất luôn tình cảm vì em trai tính rất bướng, nên đành ngậm ngùi chờ đợi.
Chồng chị không nói ra nhưng anh vẫn rất khó chịu vì thái độ của em vợ. Mỗi lần thấy em trai khoe hàng hiệu, “check in” ở những nơi sang chảnh trên Facebook, anh lại bóng gió: “Cậu Thành nghĩ cũng lạ, nợ nần mà ăn chơi được” càng khiến chị khổ tâm.
|
"Đứng cho vay, quỳ đòi nợ" - câu chuyện từng làm xôn xao mạng xã hội - Ảnh từ Facebook |
Trở lại chuyện em trai tôi, không phải tự nhiên mà em cẩn thận trong chuyện cho người khác mượn tiền. Cách đây không lâu, em cùng một người anh góp vốn mua một mảnh đất rồi chia hai đồng thời em đứng ra vay giúp anh kia 200 triệu đồng. Anh đó nói khoảng 2 tháng sẽ trả vì tiền đang đầu tư chưa thu hồi được.
Đến đây đã hơn ba năm, người đó đã xây nhà trên phần đất của mình nhưng vẫn không tất toán khoản nợ cho em. Vì vay giúp, em phải trả lãi đều đặn hàng tháng trong khi người kia cứ chuyển tiền nhỏ giọt, không đúng hẹn, mỗi lần hỏi đến thì lấy lý do con ốm, làm ăn khó khăn. Do không có giấy tờ ràng buộc, em chẳng biết phải làm sao. Dù không mất tiền luôn nhưng cái cảm giác ấm ức vì bị lợi dụng vay tiền rất khó chịu.
Nhiều người nói, không cho vay để đỡ bị phiền nhưng thực tế, cuộc sống ai cũng có lúc khó khăn cần giúp đỡ. Tuy nhiên, tùy theo mối quan hệ và hoàn cảnh mà cân nhắc chuyện cho vay tiền để tránh việc rước bực vào thân.
An Nguyên