Chờ vào tài “thao lược” của bà nội trợ

20/03/2020 - 05:16

PNO - Có phải là một nghịch lý khi mỗi ngày đi chợ, đi siêu thị, chúng ta (những bà nội trợ) so đo từng đồng một cho chi phí mua thực phẩm, nhưng lại vung tay quá trán cho quần áo, giày dép, xa xỉ phẩm, cà phê, nhà hàng?

Tôi ngẫm ngợi điều này, khi một ngày chợt nghe bên cạnh một người đang kỳ kèo trả giá lên xuống vài ngàn đồng cho một ký đậu, bó rau, con cá… Hay, lúc tôi xem xét giá cả chênh nhau chỉ vài ngàn đồng trong hai siêu thị. Ví dụ chục trứng gà, nơi này 19 ngàn đồng nhưng nơi khác 22 ngàn đồng. Cùng một loại trái cây, nhưng nơi này 40 ngàn đồng, nơi khác 50 ngàn đồng một ký… 

Trong nhà, chúng ta tiếc một món ăn thừa, và cho vào tủ lạnh rồi tin tưởng vào chức năng hâm nóng của lò vi sóng. Trong khi quy ra giá thành thực tế, món ăn thừa đó không bao nhiêu tiền, nhưng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Phải chăng tâm lý ngàn đời nay, bà dạy mẹ, mẹ dạy con gái: bỏ thức ăn là mang tội.

Chúng ta luôn cảm thấy có lỗi nếu bỏ phí thức ăn thừa, trong lúc biết bao nhiêu người không có cái ăn. Những nạn đói trên thế giới luôn nhắc chúng ta rằng, nguồn thực phẩm là quan trọng, lãng phí thức ăn có nghĩa là chúng ta mắc tội, thêm câu cảnh cáo của người xưa đánh vào tâm lý sợ hãi nghĩ về ngày sau. Không ai biết tương lai thế nào, hôm nay thừa mứa thức ăn, ngày mai chết đói là việc hoàn toàn có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, vấp phải một nghịch lý khác. Trong nhiều tài liệu, các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng, ăn cơm nguội hấp lại không tốt cho sức khỏe, vì cơm đã mất các dưỡng chất, và có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ai cũng biết điều này, thế nhưng, trong chúng ta, ít ai chưa từng một lần ăn cơm nguội.

Cơm còn lại, cất vào tủ lạnh và hâm nóng bằng lò vi sóng cho bữa sáng hôm sau với thịt hay cá kho, quá ngon. Chịu khó nữa, chiên với lạp xưởng, trứng, tôm khô, vừa ngon, lại tiết kiệm được khoản ăn sáng bên ngoài. Chén nước mắm thừa, để lại hôm sau kho cá, rất hợp lý. 

Nghĩ thêm nữa, ăn là việc không ai ép. Mỗi người tự do chọn lựa thực phẩm cho mình, đưa vào cơ thể của chính mình, bổ dưỡng hay độc hại tự chịu, không ai san sẻ được điều này. Biết là vậy, nhưng chúng ta đôi khi “mất cảnh giác”.

Một món ăn ngon, hợp khẩu vị nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mà chúng ta không chú ý. Sách vở cũng đã chỉ dẫn rất nhiều điều cấm kỵ trong ăn uống, khi cơ thể bị dị ứng hay có những bệnh lý liên quan, phải kiêng thức ăn đó. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ai cũng biết tác hại của bia, rượu, thuốc lá, nhưng số người nghiện chất cồn hay thuốc lá trên hành tinh này đâu có ít. Để thấy rằng, chúng ta rất phung phí và lơ là trong việc đưa thực phẩm vào cơ thể, và chỉ thực sự chú ý đến nó khi bị bệnh tật hỏi thăm. 

Trở lại vấn đề lãng phí thức ăn. Tâm lý tiếc khi bỏ đi thức ăn (mà giá trị còn lại của nó không đáng kể) là có thật. Và tâm lý vung tay mua một món hàng xa xỉ không thấy tiếc cũng có thật. Thử làm một tổng kết sẽ thấy chi phí cho ăn uống một tháng đôi khi thấp hơn chi phí mua sắm khác. Chúng ta chưa thật sự cân bằng cuộc sống, khi mà vẫn tồn tại tâm lý căn cơ việc này, nhưng lại phóng tay việc kia. 

Tủ lạnh và lò vi sóng đã làm chúng ta tự tin về chất lượng thực phẩm dự trữ. Thêm công việc bận rộn. Rõ ràng, thực phẩm trữ đông, rau xanh để tủ lạnh không chất lượng bằng thực phẩm tươi mới. Thế nhưng, đâu phải ai cũng có thời gian đi chợ mỗi ngày. Bởi không có thời gian nên chúng ta thấy tiếc công nấu ra thức ăn và đành giữ lại những gì còn thừa. 

Trong các bữa tiệc thức ăn luôn dư. Không ai chuẩn bị một bữa tiệc mà để thực khách cảm thấy thiếu. Tất nhiên, thức ăn đó được giữ lại. 

Gia đình bạn tôi ở Mỹ đôi khi họ còn cấp đông món canh. Mỗi ngày lấy ra cho vào lò vi sóng, ngon lành như mới nấu. Hay việc chuẩn bị thức ăn từ tối hôm trước để sáng hôm sau mang đi làm sớm là việc bình thường.

Ngày nghỉ thì lo mua thực phẩm dành cho một tuần, có khi nấu sẵn luôn, mỗi ngày chỉ lấy ra hâm lại. Hoàn cảnh thì phải chịu thôi, không có cách nào khác. Bữa cơm nóng sốt luôn quý hiếm. Chính vì thế, tiếc “công nhiều hơn của” dành cho món ăn là có thật!

Một bạn tôi là người phương Tây cho rằng, lãng phí thức ăn là hành động tồi tệ, có thể tái chế thức ăn cũ, nhưng bắt buộc là phải ăn cho hết. Việc lưu trữ và hâm nóng thức ăn thường có vấn đề. 

Như vậy, phải làm gì để không áy náy khi lãng phí thức ăn? Chỉ một câu trả lời duy nhất đó là tài “thao lược” của bà nội trợ. Chịu khó dậy sớm, chuẩn bị thức ăn cho cả ngày. Quan trọng nhất, làm sao để “lính” đánh sạch, gọn.

Chịu khó không chỉ bỏ công mà còn biết quan sát các thành viên, người thích này, người thích kia, người ăn nhiều, người ăn ít hay không ăn. Nhiều gia đình quan niệm, thà thiếu một chút để thòm thèm, còn hơn là thừa mứa rồi bỏ. Thế nhưng cũng có tâm lý, nấu nhiều một chút chứ ăn thiếu lại khó chịu. 

Tùy bạn thôi, nhưng nên nhớ, lãng phí thức ăn là điều không nên, và ăn lại thức ăn cũ cũng không tốt, khi mà giờ đây có quá nhiều bệnh tật khó lường mà người nghèo, người giàu không ai thoát được. 

Kim Duy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Mai Trang 20-03-2020 22:46:59

    Gì mà “tài thao lược của bà nội trợ”, “chịu khó dậy sớm”?! Chị nên bỏ tư tưởng đó đi, thì phụ nữ mới đỡ khổ. Chị viết bài này khuyên hay dạy ai?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI