Chợ vắng khách, tiểu thương không dám trữ hàng tết

25/12/2024 - 07:08

PNO - 9g sáng, khu kinh doanh thực phẩm chợ An Đông (quận 5, TPHCM) vẫn vắng tanh, không ít sạp còn đóng cửa im ỉm. Nhiều tiểu thương ở đây cho hay, dù tết gần kề, họ vẫn chưa nhập hàng để bán tết.

Bán tới đâu, lấy hàng tới đó

Chị Nhi - chủ sạp tạp hóa Thiện trong chợ An Đông - cho biết, từ sau dịch đợt COVID-19 năm 2021 đến nay, sức mua hàng ở chợ này ngày càng giảm, hiện sức mua giảm hơn 70% so với trước dịch.

Ế ẩm, chị và các tiểu thương khác không dám trữ hàng để bán tết. Trước năm 2021, vào thời điểm này, các sạp đã nhập lượng hàng nhiều gấp 3-4 lần ngày thường do nhập càng nhiều thì được chiết khấu càng cao, có lời nhiều. Nay sức mua quá yếu, nhập hàng nhiều mà không bán được thì lỗ do có khả năng tồn hàng, hết hạn dùng. Hiện khách nào cần hàng thì chị chạy xe đi lấy chứ không dám “ôm” hàng.

Theo chị Nhi, sức mua giảm còn do người dân có xu hướng tiết kiệm hơn, và do giá hàng hóa liên tục tăng: “Từ đầu năm 2024 đến nay, giá dầu ăn tăng thêm 10.000 đồng/lít, giá gạo tăng 7.000-8.000 đồng/kg, giá điều màu tăng gấp 4-5 lần, giá tiêu tăng 70.000 đồng/kg, giá cà phê tăng 80.000 đồng/kg, giá nước mắm, đường, bột ngọt cũng tăng vài ngàn đồng/sản phẩm”.

Gần tết nhưng chợ An Đông (quận 5, TPHCM) vẫn vắng khách, người bán nhiều hơn người mua
Gần tết nhưng chợ An Đông (quận 5, TPHCM) vẫn vắng khách, người bán nhiều hơn người mua

Ở khu kinh doanh bánh mứt trong chợ An Đông, người bán nhiều hơn người mua. Nhiều chủ sạp than ngồi cả buổi mà chưa bán được sản phẩm nào. Chủ sạp T.T. cho biết, thời điểm này các năm trước, có khá đông khách Trung Quốc đến chợ mua bánh mứt, đồ khô đem về nước ăn tết nhưng nay, không thấy du khách ghé chợ. Sạp T.T. bán sỉ bánh mứt cho các điểm bán lẻ nhưng sức bán giảm hơn 50% so với năm ngoái. Chủ sạp này hy vọng sau tết dương lịch, lượng khách đến mua sắm sẽ đông hơn.

Ở chợ Tân Định (quận 1, TPHCM), người bán cũng nhiều hơn người mua. Thỉnh thoảng, có vài nhóm khách nước ngoài vào chợ nhưng chỉ ghé khu kinh doanh vải. Chị Thu Hiền - chủ sạp Loan - cho biết, thời điểm này các năm trước, mỗi ngày, chị bán được vài thùng dầu ăn, vài cây đường (10kg/cây) còn năm nay, mất vài ngày mới bán hết 1 thùng dầu ăn nên không dám nhập hàng.

Có chợ giảm đến 90% khách

Khi có vài khách ghé hỏi mua bánh mứt và các loại hạt, chị Hoa - tiểu thương chợ Vườn Chuối, quận 3, TPHCM - kêu khách chịu khó chờ 5-10 phút để chị chạy đi lấy hàng. Trước đây, chị trữ đủ các loại thực phẩm khô, giờ sức mua quá yếu nên không dám trữ hàng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng ban quản lý chợ Bàu Cát (quận Tân Bình, TPHCM) - than, chưa bao giờ chợ vắng như hiện nay. So với năm 2023, khách đến chợ giảm hơn 70%. Từ tết năm 2022 đến nay, khách thường mua sắm cận tết, cách tết 5-7 ngày, sức mua cũng giảm mạnh nên tiểu thương không dám trữ hàng nữa.

Ông Lê Quang Thiện - Trưởng ban quản lý chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) - thông tin, so với tháng trước, lượng khách đến chợ tăng 30% nhưng chủ yếu mua vải vóc để may áo dài. So với dịp này năm trước, lượng khách đến mua sắm giảm. Việc mua, bán online bùng nổ khiến việc kinh doanh theo kiểu truyền thống gặp khó khăn.

Tình hình cũng tương tự ở chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp, TPHCM), do buôn bán ế ẩm, không có tiểu thương nào dám trữ hàng tết. Khi nhập hàng ít, họ chấp nhận tiền lời ít hơn vì không có chiết khấu từ đại lý. Ông Lê Minh Quang - Phó ban quản lý chợ - cho hay, so với dịp này năm 2023, lượng khách đến chợ này giảm đến 80 - 90%.

Theo ông, các tiểu thương ngành hàng thiết yếu cũng chuyển sang kinh doanh online nhưng chủ yếu bán trong các hội nhóm bạn bè trên mạng xã hội hoặc hội nhóm riêng của chợ. Tiểu thương ngành hàng thời trang cũng có tham gia các sàn thương mại điện tử nhưng không cạnh tranh lại các điểm kinh doanh online khác hay các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Sở Công Thương TPHCM, tính đến tháng 12/2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 567.982 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 9,6%). Các nhóm hàng có doanh thu bán lẻ tăng là lương thực, thực phẩm, dụng cụ gia đình, đá quý, kim loại quý. Phần lớn doanh thu bán lẻ là từ các kênh hiện đại như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử.

Từ nay đến tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu mua, nhất là nhóm hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, hàng tiêu dùng thiết yếu; vận động nhà bán lẻ, doanh nghiệp tăng chiết khấu để giảm áp lực tăng giá bán; tăng cường tổ chức bán hàng lưu động ở các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI