Doanh thu tại chợ chỉ chiếm 5 - 10%
Buổi sáng cuối tuần nhưng nhiều ki-ốt trong chợ Nhị Thiên Đường (phường 5, quận 8) vẫn đóng cửa. Chợ vắng tanh. Chỉ các sạp thịt cá, rau củ phía ngoài còn hoạt động cầm chừng. Chị Nguyễn Thị Thanh Diệu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Nhị Thiên Đường, Trưởng mặt hàng quần áo - cho biết, chợ có 299 sạp nhưng hiện chỉ có 62 hộ kinh doanh lâu năm với khoảng 100 sạp hoạt động, chủ yếu ở vòng ngoài.
Sạp quần áo của chị Diệu có vị trí thuận lợi khi nằm ở mặt ngoài, nhưng cũng không có khách dù việc buôn bán hiện chỉ trông vào ngày cuối tuần khi người dân được nghỉ làm để đi mua sắm. “Cuối tháng Chạp còn xôm tụ chút, chứ tháng Giêng ế ẩm lắm. Tiểu thương cố gắng mở cửa cầm chừng để giữ chân khách thôi em” - chị Diệu nói với chúng tôi.
|
Bà Hoàng Phi Phượng - tiểu thương chợ An Đông cố gắng bám trụ chợ truyền thống bằng các gian hàng kiểu mẫu và tiêu chí kinh doanh văn minh |
Khác với tình trạng đóng sạp hàng loạt tại các chợ dân sinh truyền thống, tại chợ An Đông - ngôi chợ sỉ lâu đời nhất của quận 5, TPHCM - hầu hết các ki-ốt đều mở cửa. Dù lượng khách đến chợ rất ít, nhưng các tiểu thương vẫn bày biện hàng hóa tươm tất, bắt mắt.
Có mặt tại sạp mỹ phẩm Thanh Phượng hơn 1 tiếng, chúng tôi ghi nhận có 2 khách lẻ đến hỏi mua hàng. Bà Hoàng Phi Phượng - chủ 3 sạp liền kề nhau của thương hiệu mỹ phẩm Thanh Phượng - cho biết, không khí kinh doanh ảm đạm, trầm lắng tại một trong những ngôi chợ sầm uất nhất thành phố không chỉ bắt đầu từ tháng Giêng mà là tình hình chung tại các chợ truyền thống mấy năm qua. Đặc biệt là từ đợt dịch COVID-19 đến nay, sức mua giảm hẳn nên bà ít ra chợ mà giao cho con gái đứng bán.
Hơn 40 năm kinh doanh mỹ phẩm và 35 năm kinh doanh tại chợ An Đông, bà Phượng chia sẻ, trong tình hình kinh doanh khó khăn tại các chợ hiện nay thì mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đó là mặt hàng người ta mua trên mạng nhiều hơn cả. Cửa hàng của bà chỉ đạt 5 - 10% doanh số, phần lớn là khách lạ và khách mua lẻ, 30% bán qua mạng và 65% còn lại là nhờ các mối sỉ lâu đời.
Đẩy mạnh kinh doanh trên mạng
Vẫn cố gắng “bám chợ” và duy trì 3 sạp hàng dù doanh thu bán hàng ở chợ chỉ đạt 1/10, bà Phi Phượng cho biết, đó là cách bà giữ lấy thương hiệu hơn 30 năm. “10 năm nay tôi bền bỉ bám chợ nhờ những mặt hàng độc quyền phân phối. Duy trì sạp hàng tại chợ để khách đến chợ biết đến mình, nhờ đó chúng tôi sẽ thu hút được lượng khách mới, nhờ đó mà mở rộng mạng lưới khách hàng” - bà Phượng nói.
Để thu hút được lượng khách hàng lẻ và dần dần biến họ thành khách hàng sỉ, không chỉ đầu tư mặt hàng phong phú và sẵn sàng nhập hàng theo yêu cầu của khách, bà Phượng còn tham gia và tuân thủ những tiêu chí buôn bán từ phong trào “Người kinh doanh văn minh” do Hội LHPN TPHCM phát động nhiều năm qua. Bà thực hiện các gian hàng kiểu mẫu, trưng bày sản phẩm đẹp, ngăn nắp, phong phú; niêm yết giá cả trên từng mặt hàng, đồng thời xây dựng phong cách buôn bán, thái độ phục vụ khách hàng nhã nhặn, đúng mực.
Ngoài ra, bà Phượng còn thường xuyên tham gia các buổi hội thảo của hội doanh nghiệp và các chuyên đề nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng do Hội LHPN phối hợp với Hội Nữ doanh nhân TPHCM thực hiện nhằm hỗ trợ tiểu thương và những chị em bắt đầu khởi nghiệp. “Thông qua các buổi gặp gỡ, tôi cũng có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình và có được những mối hàng bền lâu. Các chương trình tập huấn kinh doanh cũng phát huy phần nào tác dụng khi chúng tôi sử dụng kênh bán hàng qua mạng nhiều hơn, biết dùng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách” - bà Phượng cho biết.
|
Chợ An Đông vắng khách dù các sạp hàng vẫn duy trì hoạt động |
Bà Phạm Kim Phượng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ An Đông - cho rằng buôn bán kinh doanh trên mạng đang cạnh tranh rất mạnh nên tiểu thương chợ An Đông cũng tăng cường bán hàng trên mạng qua Facebook và Zalo, nhiều chị em đã bắt đầu tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee và doanh thu từ đó mà ổn định, giúp họ thêm vững tin để tiếp tục gắn bó với chợ truyền thống.
Với ngôi chợ có quy mô nhỏ hơn như chợ Nhị Thiên Đường, ngoài việc mỗi tiểu thương tự lực tăng cường các hoạt động live stream bán hàng, Hội Phụ nữ chợ đã cố gắng triển khai những hoạt động hỗ trợ nhau để động viên chị em không bỏ chợ. Chị em nào kẹt vốn thì hội sẽ đứng ra nhờ liên minh hỗ trợ vay lãi suất thấp, hoặc bù hàng với nhau.
“Khách đến hỏi, sạp tôi không có mặt hàng họ cần, tôi sẽ sang các sạp khác lấy hàng hoặc các sạp hàng “cho mượn” lẫn nhau. Làm cách đó, chúng tôi giúp nhau bán được hàng, cũng để giữ chân khách đến chợ” - chị Diệu chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chi hội Phụ nữ chợ Nhị Thiên Đường đã cùng với ban quản lý chợ triển khai phương án “cho mượn sạp để kinh doanh” nhằm tạo điều kiện hỗ trợ những chị em có mong muốn vào chợ kinh doanh ngành hàng, đảm bảo khai thác hết công năng quầy sạp.
Mong chợ truyền thống hồi sinh Chính sách giảm thuế kinh doanh ở các chợ truyền thống đã phần nào động viên tiểu thương yên tâm buôn bán. Để tự cứu lấy mình, tiểu thương đã nỗ lực học tập và chuyển mình trong thời đại công nghệ số. Họ tích cực tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm và thực hiện các chính sách khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chỉ mang tính cá nhân. Để kéo được cả chợ đi lên, trở về thời hoàng kim, thì phải tìm cách kéo khách du lịch về, để tiểu thương tiếp cận với lượng khách nước ngoài. Do đó, tôi mong Hội LHPN TPHCM phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TPHCM tiếp tục có thêm những chính sách, hoạt động quảng bá hướng đến việc phát triển TPHCM thành một thành phố du lịch, khi đó các chợ truyền thống mới có cơ hội hồi sinh. Bà Hoàng Phi Phượng - Hội viên Hội Phụ nữ chợ An Đông |
Nguyệt Minh