Chợ truyền thống nhộn nhịp đơn hàng online mùa dịch

16/06/2021 - 07:14

PNO - Tiểu thương nhiều chợ tại TP.HCM nhận đơn đặt hàng qua điện thoại hoặc ứng dụng trực tuyến và giao hàng tận nhà cho khách để bảo đảm doanh thu.

Chốt đơn qua mạng

Vốn chỉ quen bán trực tiếp cho tiểu thương các chợ lẻ trong nội thành, gần đây, nhiều đầu mối nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) nhận đơn đặt hàng qua điện thoại nhiều hơn. Khách mua hàng sỉ, lẻ gọi điện thoại đặt hàng, bộ phận nhận đơn, đóng gói... sẽ nhanh chóng giao hàng tận nơi cho khách. Người tiêu dùng có thể mua các loại thực phẩm tại chợ đầu mối này với giá sỉ nếu tổng trị giá đơn hàng trên 2 triệu đồng.

Theo Ban Quản lý (BQL) chợ Bình Điền, chợ này chủ yếu bán sỉ (số lượng lớn) cho các doanh nghiệp, các đầu mối kinh doanh nhưng ngày càng có nhiều cá nhân, hộ gia đình đặt mua thực phẩm qua điện thoại hoặc 2-3 gia đình gom đơn mua chung. Ông Tsàn A Sìn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - cho biết hàng hóa trước khi giao được đóng gói kỹ lưỡng, ướp đá để giữ được độ tươi nếu là hàng thủy, hải sản; thời gian đặt hàng từ 8g đến 19g các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu và từ 14g đến 19g các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và 
ngày lễ. 

Nhiều sạp chợ chốt đơn qua điện thoại hoặc mạng xã hội rồi giao hàng tới khách mua thông qua đội ngũ shipper - ẢNH: Q.THÁI
Nhiều sạp chợ chốt đơn qua điện thoại hoặc mạng xã hội rồi giao hàng tới khách mua thông qua đội ngũ shipper - ẢNH: Q.THÁI

Ông Nguyễn Nhu - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho biết từ lâu, thương nhân chợ này đã nhận đơn đặt hàng qua Facebook, Zalo. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đặt hàng qua mạng, qua điện thoại được đẩy mạnh hơn. Hình thức mua bán trực tuyến ở chợ này không khác mấy so với dịch vụ “đi chợ hộ” tại các siêu thị, chợ lẻ. Cái khác lớn nhất ở đây là khối lượng mỗi đơn hàng rất lớn, có thể lên đến vài tạ, vài tấn.

“Do đã xác lập mối quan hệ mua bán từ trước, hầu hết các tiểu thương và đơn vị nhập hàng không gặp quá nhiều vấn đề với hình thức mua bán trực tuyến. Tùy theo thỏa thuận, bên bán có thể giao hàng trước, nhận tiền sau hoặc nhận đặt cọc một phần tiền hàng. Nếu giá trị một đơn hàng quá lớn, tiểu thương sẽ bao luôn cước vận chuyển, bốc vác” - ông Nguyễn Nhu nói. 

Ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng BQL chợ An Đông 1 (Q.5) - thông tin qua các đợt dịch, tiểu thương ngành hàng quần áo, giày dép, túi xách của chợ này bán hàng qua mạng xã hội, điện thoại ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhiều người tự học kỹ năng quay video ấn tượng, chụp hình sản phẩm đẹp, rao bán hấp dẫn, nhờ đó mà có thêm mối hàng không chỉ ở TP.HCM. Có những tiểu thương tham gia phiên chợ online do UBND quận tổ chức đã kết nối được với các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn. “Do đặc thù của ngành hàng và thói quen của người tiêu dùng nên riêng tiểu thương bán thực phẩm tươi sống chưa đẩy mạnh bán hàng trực tuyến” - ông Đinh Hồ Duy Ngọc đánh giá. 

“Hàng luôn trên kệ, đợi khách rước về” là slogan trên fanpage “Hội Phụ nữ chợ Phạm Văn Hai” của chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình). Truy cập vào fanpage, chúng tôi thấy hình ảnh đẹp, sản phẩm đi kèm giá, kích cỡ sản phẩm rõ ràng. Theo một cán bộ tại BQL chợ này, fanpage là nơi các tiểu thương trong chợ rao bán hàng hóa, thu hút nhất vẫn là tiểu thương ngành hàng mỹ phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm… Trang hoạt động mạnh kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Ngoài trang này, các tiểu thương còn rao bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử và liên kết giữa hai nơi với nhau (tức vào fanpage, có thể tìm được sản phẩm trên trang thương mại điện tử). Các tiểu thương ngành hàng ăn uống cũng lên trang order.ipos.vn - một trang chuyên ra các thực đơn và gọi món. 

Gian hàng chè Cô Quy - chợ Phạm Văn Hai “dọn’’ lên trang order.ipos.vn từ khi có dịch
Gian hàng chè Cô Quy - chợ Phạm Văn Hai “dọn’’ lên trang order.ipos.vn từ khi có dịch

Chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình) có fanpage “Chợ đêm Bàu Cát” để tiểu thương đăng ký bán hàng. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng BQL chợ Bàu Cát - cho biết BQL chủ động lập trang từ khi dịch mới xuất hiện (năm 2020) và hoạt động cho đến nay. Hiện toàn bộ tiểu thương ngành hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm đã đóng sạp, “dọn hàng” lên fanpage, riêng ngành hàng thực phẩm tươi sống vẫn bán trực tiếp tại chợ. Nếu khách hàng nào đặt cá nấu canh chua qua điện thoại, tiểu thương sẽ mua giúp các loại rau để đủ nồi canh chua, giao tận nhà cho khách. 

Khách vẫn thích đi chợ trực tiếp 

Theo ông Tsàn A Sìn, doanh số bán hàng qua kênh online khá tốt, nhưng khách hàng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp, mối sỉ mua về bán lẻ, còn hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa mua nhiều. “Người tiêu dùng cá nhân vẫn có thói quen đi chợ trực tiếp, nhìn tận mắt, sờ tận tay, ưng ý mới mua để yên tâm, chứ chưa nhiều người quen mua qua điện thoại. Dù vậy, chợ vẫn mở rộng kênh bán hàng này để người tiêu dùng có thêm chọn lựa, nhất là lúc có dịch như hiện nay”, ông Tsàn 
A Sìn nói. 

Một số tiểu thương các chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu tỏ ra nhanh nhạy hơn. Họ đăng ký bán hàng qua các ứng dụng đi chợ hộ, nhận giao hàng tận nơi, nhưng chủ yếu là tiểu thương ngành hàng ăn uống, còn ít tiểu thương ngành hàng thịt, cá, rau củ tham gia. Các tiểu thương cũng “bắt tay” để giỏ hàng đến tay khách mua được đa dạng, đầy đủ hơn.

Chị Trinh - bán chè ở chợ Bến Thành - cho biết chỉ có một gian hàng rau củ ở chợ này đăng ký bán hàng trên ứng dụng đi chợ hộ nhưng lượng khách mua không nhiều. Một số gian hàng kết hợp với nhau, khi khách đặt mua rau, thịt, cá trên ứng dụng thì chủ gian hàng trên đó mua dùm cho khách. Tuy nhiên, cách bán hàng này không mang lại hiệu quả lắm nên tiểu thương không mặn mà. 

Theo các tiểu thương, bán hàng giao đi, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, chỉ phù hợp với những ai có mối quan hệ sẵn, tin tưởng nhau, còn phần lớn khách vẫn tranh thủ ghé chợ mua nhanh. Chị Hoa - chuyên bán thủy hải sản ở chợ Căn cứ 26A (Q.Gò Vấp) - kể khi một số hẻm xung quanh chợ bị phong tỏa, người dân không đi chợ được, một số mối khách quen của chị gọi điện mua hàng, chị giao tới chốt phong tỏa, khách ra lấy hàng. Trung bình mỗi ngày, chị bán hơn mười đơn hàng qua điện thoại, còn phần lớn vẫn bán hàng trực tiếp.

“Do khách quen mua lâu năm và trước đó họ cũng yêu cầu mang hàng đến tận nhà nên tôi cũng đã quen với cách bán hàng này. Nhờ có vợ chồng cùng bán hàng nên chúng tôi mới sắp xếp người bán, người giao, chứ những sạp còn lại khó bán hàng theo cách này vì họ không bỏ sạp để đi giao hàng được” - chị Hoa nói. 

Theo chị Huyền Trang - tiểu thương ngành hàng quần áo tại chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình) - với ngành hàng quần áo, kênh trực tuyến vẫn chỉ là nơi để khách tham khảo mẫu mã, giá cả chứ rất ít người đặt hàng. Khách vẫn thích đến chợ xem, thử sản phẩm hơn. “Trước đây, thông qua kênh trực tuyến, tôi có thêm nhiều khách tìm đến sạp. Nhưng kể từ khi có dịch, tôi chưa bán được đơn quần áo nào qua điện thoại” - chị Trang kể. 

Theo thống kê của Phòng Kinh tế Q.1, trong tháng 5/2021, sức mua ở các chợ đóng tại Q.1 giảm khoảng 30-40% so với trước khi xảy ra đợt dịch COVID-19 thứ tư và giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mãi lực tại chợ Bến Thành giảm khoảng 85-90% so với thời điểm bình thường. Nguồn cung hàng hóa tại các chợ ổn định, giá không biến động lớn, khách hàng chủ yếu mua sắm ở khu vực thực phẩm, ít mua ở khu bán túi xách, quần áo, giày dép, vải, hàng thủ công mỹ nghệ.

TPHCM chấn chỉnh chợ tự phát, tầm soát nguy cơ dịch bệnh tại các chợ đầu mối

Sở Công Thương TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện về việc tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng kinh doanh, buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường xung quanh các chợ trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương, hiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là các địa điểm trọng yếu, có nguy cơ cao như các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tại một số khu vực xung quanh một số chợ trên địa bàn vẫn tái diễn tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, thường tập trung đông người làm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Một số khu vực không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện phòng, chống dịch; không tuân thủ nghiêm 5K.

Sở Công Thương cũng có văn bản đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hỗ trợ xét nghiệm tầm soát diện rộng ở các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Những chợ này mỗi đêm tiếp nhận hàng ngàn tấn hàng từ các tỉnh trong đó có cả các vùng có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh… Nhiều tài xế, phụ xe, thương nhân đi cùng xe vận chuyển hàng. Đối tượng tầm soát là cán bộ, công nhân viên các đơn vị quản lý chợ, thương nhân, người lao động tại ba chợ đầu mối.

Quốc Thái

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI