Chợ truyền thống hụt hơi trong cuộc đua bán lẻ

25/07/2024 - 06:25

PNO - Ở TPHCM, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini xuất hiện dày đặc quanh các chợ dân sinh khiến kênh bán lẻ truyền thống này ngày càng yếu thế.

Thường xuyên mua hàng ở các cửa hàng tiện lợi, chị Phạm Phương Thảo (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, gần 1 năm nay, chị không còn đi chợ truyền thống như trước. Theo chị, chất lượng, nguồn gốc và cách bảo quản thực phẩm tươi sống ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị khiến chị yên tâm hơn.

Chị nói: “Các chủ sạp ở chợ treo thịt giữa trời từ sáng tới trưa, bất chấp khói bụi. Trong khi đó, các cửa hàng, siêu thị để thịt trong tủ kín, nhiệt độ ổn định cả ngày, mình muốn mua lúc nào thì ghé lúc đó. Cá, tôm trong siêu thị cũng còn sống, đang bơi, muốn mua thì nhân viên bắt, làm sạch. Mua trong siêu thị thì không lo bị cân thiếu”.

Ngoài việc hàng hóa có chất lượng và an toàn, nhiều người còn thích mua hàng trong siêu thị, cửa hàng hiện đại do giá cả ổn định và thường xuyên có các chương trình khuyến mãi. Bà Võ Ngọc Hỷ (quận Gò Vấp, TPHCM) nói, bà thích mua hàng ở các cửa hàng vì không quen trả giá. Thêm nữa, các cửa hàng hiện đại thường có nhiều chương trình khuyến mãi, người mua được tích lũy điểm số để có lợi trong lần mua sau. “Mua hàng trong cửa hàng, siêu thị mà trúng đợt khuyến mãi thì giá nhiều mặt hàng chỉ bằng phân nửa ở chợ. Có bữa, tôi đợi đến 19g thì mua được thịt heo, thịt bò, thịt gà, hải sản với giá giảm 30%, rau củ thì giảm giá 50 - 70% so với giá niêm yết” - bà Hỷ nói.

Một cửa hàng tiện lợi bên cạnh chợ Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) thường xuyên đưa các mặt hàng giảm giá ra phía trước nhằm thu hút khách
Một cửa hàng tiện lợi bên cạnh chợ Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) thường xuyên đưa các mặt hàng giảm giá ra phía trước nhằm thu hút khách

Việc người tiêu dùng tín nhiệm siêu thị, cửa hàng tiện lợi khiến sức mua ở các chợ truyền thống ngày càng giảm. Bà Trần Thị Cúc - bán rau trong chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TPHCM) - cho biết, bà chỉ bán được những loại rau củ, trái cây mà cửa hàng tiện lợi không bán. Các tiểu thương bán gạo, lương thực, thực phẩm ở đây cũng than ế ẩm. Bà Lê Thanh - bán trứng gia cầm trong chợ Bình Triệu (TP Thủ Đức) - cho biết trước đây, bà bán được cả ngàn trứng/ngày thì nay chỉ bán được 300-400 trứng/ngày.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing - cửa hàng tiện lợi, siêu thị có lợi thế về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa nên khi được mở gần chợ thì hút được một lượng khách hàng đáng kể từ các chợ. Khi mở điểm kinh doanh sát chợ, các cửa hàng này trực tiếp cạnh tranh về giá với các tiểu thương trong chợ lẫn các tiệm tạp hóa. Hàng hóa ở các cửa hàng, siêu thị được bày cả trong khu có máy lạnh lẫn bên ngoài để tiếp cận người mua dễ hơn, có bảng niêm yết giá rõ ràng và có khuyến mãi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cấp cao Học viện Tài chính - đánh giá, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang cố gắng mua rẻ, bán rẻ. Hệ thống phân phối nào có nhiều điểm kinh doanh hơn thì có lợi thế cạnh tranh về giá tốt hơn bởi khi mua hàng với số lượng lớn cho chuỗi, họ dễ dàng thương thảo để nhận được giá tốt từ nhà cung cấp, nhà sản xuất hoặc có thể yêu cầu họ hỗ trợ hoặc cùng hợp tác thực hiện các chương trình khuyến mãi để dễ bán hàng.

Theo ông, các “ông lớn” này có sự chịu đựng cao và có thể chấp nhận thua lỗ trong một thời gian để cạnh tranh. Thậm chí, có khi họ còn chấp nhận thua lỗ trong 5-10 năm để đón đầu cơ hội, khẳng định được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường theo chiến lược dài hơi và tầm nhìn xa.

Cũng theo ông, dù mất dần vai trò trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhưng chợ truyền thống vẫn có bản sắc văn hóa, là hình ảnh quen thuộc với người tiêu dùng, là chỗ tới lui quen thuộc của một bộ phận người tiêu dùng. Để tồn tại và phát triển, chợ truyền thống cần có những thay đổi, như đảm bảo về giá bán, nguồn gốc sản phẩm, sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm. Chủ sạp chợ truyền thống cũng phải đẩy mạnh số hóa để vừa bán hàng trực tiếp, vừa bán hàng online. Để làm được những điều trên, chính quyền địa phương cần nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ, có chiến lược hỗ trợ tiểu thương về số hóa, kỹ năng kinh doanh.

Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI