Vừa bán vé số, vừa chăm mẹ già
“Cha mất ngay mồng Một tết nên năm đó, cả nhà chúng tôi không có mùa xuân. Từ đó, chúng tôi rất quý những ngày còn có mẹ trên đời. Được chăm sóc mẹ, được nghe mẹ chuyện trò, bảo ban là niềm hạnh phúc lớn nhất” - vừa sửa lại tấm áo của mẹ cho ngay ngắn, chị Lâm Trúc Kim - 40 tuổi, nhà ở P.1, Q.6 - tâm sự.
11g trưa 28/12, để gặp chúng tôi, chị Lâm Trúc Kim phải giao xấp vé số còn lại cho anh trai bán tiếp, chạy nhanh về nhà đưa mẹ đi tắm, ăn cơm rồi thay bộ đồ mẹ thích để chờ tiếp khách. Chị phân bua: “Không phải tôi vội để được lên báo mà để được khoe rằng mẹ của mình đang hồng hào, khỏe mạnh”. Sở dĩ Kim phải chạy còn bởi vì chân chị ngắn quá.
Ba anh em Kim bị hội chứng lùn bẩm sinh, ai cũng cao chưa tới 1,4m. Từ nhỏ, Kim và hai anh trai rất hay bị bạn bè chọc ghẹo về ngoại hình của mình. Chị Kim kể: “Chỉ có ba mẹ luôn bảo vệ, yêu thương mình vô điều kiện. Mỗi lần bị bạn ghẹo, về khóc đòi nghỉ học, ba mẹ khuyên nhủ: “Con lùn mà con đâu có dở, con vẫn làm được mọi thứ, đi học vẫn lên lớp mà. Quan trọng nhất là con luôn được sống trong gia đình đầy yêu thương của mình nè”.
|
Chị Lâm Trúc Kim (giữa) cùng anh trai vui bên mẹ mỗi ngày |
Mẹ chị Kim làm nội trợ, cha bán cóc, ổi, mía ghim ở đường Gia Phú, gần chợ Bình Tây. Dù khó khăn, và dù các con không phát triển bình thường, người cha ấy không để đứa con nào mù chữ. Thế nhưng, năm 1987, cha chị Kim đột nhiên bị tai biến và nằm liệt một chỗ. Gánh nặng gia đình oằn lên vai bà Lâm Thiếu Huê - mẹ chị Kim, năm nay 82 tuổi. Bà tảo tần buôn bán nuôi các con, kiếm tiền chữa bệnh cho chồng. Để phụ mẹ lo cho hai em, anh trai cả của chị Kim là Lâm Kim Hưng nghỉ ngang lớp Chín, đi bán vé số. Một năm sau đó, tới phiên bà Huê bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ, người con trai giữa là Lâm Thuận Phát đành phải nghỉ học.
Hai người anh bắt Kim phải học cho hết phổ thông. Nhưng năm Kim học hết lớp 12, chưa biết học tiếp hay đi làm thì mẹ lại bệnh một trận, nặng hơn đợt trước. Kim xin hai anh cho mình thôi học, đi bán vé số. Anh Hưng nhớ lại: “Lúc đó, để thuyết phục tôi chịu cho nghỉ học, Kim nói: “Em học cao chưa chắc xin được việc làm vì ngoại hình không phù hợp với nhiều nghề. Mấy anh cho em đi bán vé số dạo thì sáng sớm em gửi vé anh Hai, anh Ba bán giúp, em chăm lo mẹ xong lúc nào thì ôm vé đi bán lúc đó, trưa về nấu cơm thì gửi vé cho anh Ba bán, chiều để mẹ nghỉ trưa xong, em lại đi bán, hết vé thì cả ba anh em cùng lo cơm nước. Thấy em quyết chí vậy, chúng tôi đành thuận theo em. Bao năm nay, nhờ em mà cửa nhà tươm tất, mẹ luôn được chăm lo chu toàn”.
Từ đó đến nay, nghiệp bán vé số gắn chặt với cuộc đời ba anh em Kim. Mỗi ngày, mỗi người bán khoảng 220 tờ vé số, tiền lãi chừng hơn 200.000 đồng. Anh Hưng và chị Kim không lập gia đình vì “ở vậy để lo cho mẹ, cho anh em”. Anh Phát lập gia đình với một chị ở quê lên Sài Gòn giúp việc cho một gia đình trong xóm. Điều may mắn con anh Phát không bị lùn. Kim nói, từ khi có cháu, mọi người trong nhà như có thêm động lực để làm việc.
Ngày ngày, chị Kim dậy từ 4-5g sáng, trò chuyện với mẹ, sửa soạn bữa sáng phụ chị dâu rồi đi bán vé số; trưa, chị về nhà lo bữa ăn cho mẹ rồi đi bán tiếp. Anh Hưng tự hào về em gái: “Nhỏ người vậy mà giỏi lắm”. Còn chị Kim kể: “Ba tôi nằm một chỗ chín năm mới mất, mẹ và hai anh vất vả lắm. Khi đó, tôi còn nhỏ, không phụ được gì. Nên bây giờ tôi nói các anh cứ để em lo cho mẹ, mấy anh lo kiếm tiền. Chỉ mong năm nào cũng được đón tết cùng với mẹ, vậy là vui”.
Vừa chăm mẹ, vừa chăm dì
“Chị Ánh vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ già như em bé, một ngày ba bữa cơm, không thiếu bữa nào” - chị Đoàn Thị Kim Thu - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh - kể với chúng tôi về cô Phan Ngọc Ánh - 58 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3 của xã.
|
Cô Phan Ngọc Ánh đang chăm sóc mẹ già |
Nghe vậy, cô Ánh cười khì: “Má sanh ra, nuôi mình từ nhỏ tới lớn, vất vả lắm rồi. Má chỉ có chút tuổi già, giờ là lúc mình phải lo lại”. Mẹ cô Ánh năm nay 88 tuổi, tay chân yếu, hầu như không thể tự chăm lo cho bản thân nên cô Ánh luôn dành thời gian cho bà nhiều nhất trong ngày. Không chỉ nuôi mẹ, cô Ánh còn rước bà Nguyễn Thị Hoàng - 71 tuổi, em gái của mẹ, không lập gia đình - về ở chung nhà để tiện việc chăm lo.
Hiểu tấm lòng của vợ, chồng cô Ánh vui vẻ mời dì về sống chung để khi vợ ra ngoài làm việc xã hội, mẹ ở nhà có người bầu bạn. Nhắc đứa cháu hiếu thảo, bà Hoàng rưng rưng: “Giờ tôi với chị tôi đều yếu lắm, sống một mình làm không nổi. Nhà này trong ngoài gì cũng nó (cô Ánh) lo. Nó lo cho mẹ, cho dì đều chu đáo. Ngày nào cũng như ngày nấy, Ánh nó lo đâu đó hết trọi rồi mới đi làm. Thấy nó bận quá, tôi phụ nó quét nhà mà nó cũng không cho vì sợ tôi té”.
Mỗi ngày, dọn dẹp, nấu nướng và cho mẹ ăn cơm xong, cô Ánh tranh thủ đi làm công tác của chi hội. Chiều về, cô vô vườn nhà chặt sả, hái xoài, dứa… bỏ mối ở chợ, kiếm thêm chút tiền chi tiêu hằng ngày. “Bữa nào có đi họp, tôi thức dậy lúc 4g sáng lo dọn dẹp, thay tã, đút cơm nước cho má ăn. Bữa nào có tập huấn, tôi tranh thủ về giữa trưa lo cơm nước rồi đầu giờ chiều lại đi tiếp. Mùa dịch bệnh vừa rồi, tôi đi suốt nên phải nhờ dì Hoàng dòm ngó nhà cửa” - cô Ánh chia sẻ.
|
Chị Nga và mẹ ngày ngày vui bên bữa cơm chiều dù mẹ chị tay đã bị run không còn tự xúc cơm được nữa |
Mẹ đã hy sinh quá nhiều rồi
Hơn 22g tối 27/12, chị Nguyễn Thị Thu Nga - 38 tuổi, ở P.Tân Chánh Hiệp. Q.12 - chia nhỏ các phần xúp gà, cơm, cháo, cá hấp ra, để vào tủ lạnh, rửa hết nồi niêu gác lên chạn bếp: “Vậy đó, giờ mới coi như xong được một ngày”. Từ hơn 17g, chị Nga rời trụ sở Quỹ Tài chính vi mô (Quỹ CEP) Q.12 để trở về căn nhà yêu thương, nơi có mẹ và bà đang trông ngóng. Trên đường về, chị ghé chợ hoặc cửa hàng tiện lợi để mua rau củ quả, thịt, cá, chuẩn bị cho bữa ăn ngày hôm sau. Về tới nhà, chị Nga lo bữa ăn, bón cơm, lau người cho bà ngoại - bà Nguyễn Thị Thê, 102 tuổi, vợ liệt sĩ. Xong, chị rủ mẹ đi tắm.
Mẹ chị Nga là bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - 57 tuổi, là thương bệnh binh hạng 4/4, lại bị tai biến mạch máu não, di chuyển khó khăn. Bà có thể tự tắm một mình, nhưng chị Nga không khi nào chịu. Chị nói: “Cha tôi mất sớm, mẹ tôi nhiều năm một mình lo cho ba người con nên việc gì bà cũng ráng làm. Sau khi bị tai biến, mẹ yếu lắm, nói năng cũng không rõ ràng. Tôi không để bà tự tắm vì lo bà té ngã. Hôm nào bận quá, tôi nhắn em gái qua chăm mẹ phụ”.
Chị Nga có ba chị em, chị Nga là con giữa, không lập gia đình nên sống cùng bà ngoại và mẹ. Chị và em gái chị Nga đã lập gia đình, ra riêng nhưng cũng thay nhau ghé vào chăm giúp một tay. “Những việc mà chị em chúng tôi làm hôm nay chỉ là bù đắp lại phần nào cho bà và mẹ. Cả đời mình, bà ngoại và mẹ đã hy sinh cho đất nước, dành trọn tình yêu thương cho gia đình, con cháu” - chị Nga tâm sự.
Để chăm sóc người cao tuổi, cần có bí quyết. Chị Nga chia sẻ: “Thức ăn cho người cao tuổi cần đủ dưỡng chất nhưng phải mềm, mịn, không có xương, nên cần làm tỉ mỉ. Do đi làm cả ngày nên lúc về nhà là tôi phải làm túi bụi chút. Buổi tối, khi bà và mẹ nghỉ ngơi, tôi liền chuẩn bị cho ba bữa ăn của ngày hôm sau. Công việc quen rồi nên thú thật, tôi chỉ cần có thời gian thôi”.
Thiên Ân - Phạm Phan - Hạnh Chi