Chợ trên… xe

11/05/2023 - 19:01

PNO - Người bán gánh cả cái chợ theo mình, len lỏi khắp nơi, kiếm đồng tiền lời vun vén gia đình và góp sức nhen nhóm ngọn lửa ấm trong căn bếp khách hàng.

Về quê, tầm 8, 9 giờ sáng, nghe tiếng rao “cá Hội An đây” là cả con hẻm nhà tôi rộn ràng giọng í ới của các bà nội trợ. Nhiều người đợi giọng rao này, vì người bán dường như bán không thiếu thứ gì, giá cả cũng giống như ở chợ, lại khỏi nhọc công đi.

Có thể nói, chiếc xe của người bán hàng là một cái chợ di động, chở khá đầy đủ các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của bà con. Người bán dù hô “cá Hội An”, nhưng người mua ngầm hiểu người bán đang cõng cả cái chợ trên xe, chớ không chỉ là cá, đến nỗi người mua quanh năm trung thành với chợ di động này, chỉ những khi nhà có đám tiệc hay muốn ăn món lạ miệng thì mới cắp giỏ đi chợ xa.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Thật thú vị khi người bán khéo léo phân chia từng góc nhỏ, nơi nào để cá, nơi nào để thịt heo, thịt bò, tôm tép, rồi rau các loại, ớt, củ, quả, dưa muối, thậm chí vài loại chè đậu hay lá chè xanh cũng có. 2 bên xe là 2 cái giỏ cần xé được móc cẩn thận vào cái móc đã được “chế”, yên xe cũng được “chế” vài thanh sắt cho dài thêm để có thể chở được cái xô to.

Phía trước xe có 4 cái móc, chia 4 vị trí cân đối, tất nhiên cũng được thợ “chế” theo yêu cầu của chủ. Cái hay của người bán là khi người mua cần món gì, tưởng chừng nhắm mắt, người bán cũng mau chóng tìm ra. Chỗ nào để thịt, chỗ nào để cá, để rau… người bán thuộc nằm lòng. 

“Chợ trên xe” ấn tượng nhất vào mùa cá. Mùa hè, cá nục khá rẻ, tươi. Chỉ cần mua rổ cá nục hấp hoặc nửa ký cá nục tươi, mua thêm ít rau muống là có bữa bánh tráng cuốn cá nục hấp ngon lành. Hôm nào cá chuồn nhiều thì người bán rao “cá chuồn đây”, đó cũng là cách báo hiệu sự xuất hiện của chợ, chứ không chỉ thông báo hôm nay có cá chuồn. Người bán chỉ cần dựng chống xe rồi đứng một chỗ, người mua xúm lại. Có hôm gặp con cá ngừ hơi to, vài ba bà nội trợ rủ nhau chia cá ra làm 2, 3 phần. Đu đủ, dứa cũng vậy. Trái to thì 2 người chia nhau. Người bán biết mặt, biết nhà người mua, có thể cho mua thiếu.

Tình cảm thế, nên giữa người mua và người bán “dan díu” với nhau dài lâu. Hôm nào người bán nghỉ vài ba bữa, mấy bà nội trợ thắc mắc, trông ngóng. Sau vài bữa gặp lại, đầu tiên là hỏi thăm nhau, rồi mới tính chuyện mua gì. 

Các bà xóm tôi ai cũng thích cá Hội An, chẳng biết có ưu ái gì không nhưng lúc nào cũng khẳng định: “Cũng là con cá nục, nhưng cá Hội An cho vị béo, ngon”. Rau sống cũng vậy, ai cũng ghiền rau thơm Trà Quế, Hội An, bởi rau có mùi thơm đặc biệt.

Người bán bán mỗi món không nhiều nên thực phẩm luôn được tuyển chọn, nhờ thế mà chỉ cần chịu khó chạy vài ba con hẻm là thực phẩm trên xe vơi đi rất nhiều. Người bán bây giờ di chuyển bằng xe máy, nhanh và khỏe hơn so với xe đạp cách đây vài chục năm, vậy mà hồi đó, thực phẩm vẫn chất đầy xe, đủ loại.

Bán buôn ngày thường đỡ vất vả. Cực là mỗi khi mưa bão, có lẽ vì lỡ gom hàng nên người bán đành phải rong ruổi. Trời mưa, mấy ai nghe rõ tiếng rao nên người bán phải chở hàng vào tận nhà nhờ mua ủng hộ. Dù cuối cùng vẫn bán hết, nhưng về rất trễ, có khi bệnh vì cảm lạnh.

Thương người bán gánh cả cái chợ theo mình, len lỏi khắp nơi, kiếm đồng tiền lời vun vén gia đình và góp sức nhen nhóm ngọn lửa ấm trong căn bếp khách hàng. Bây giờ, dù buôn bán qua mạng ngày càng phát triển, chợ truyền thống, hàng quán đầy đường; nhiều người vẫn chọn chợ di động giản dị trên những chiếc xe máy, đơn giản vì người mua muốn tự tay chạm vào mỗi món thực phẩm, lại được mang tới tận nhà.

“Đi chợ” chỉ vài bước chân. Ra tới “chợ”, chỉ cần đứng một chỗ là có thể gom các món mình cần. Tôi tin, xã hội có phát triển cỡ nào, những chợ di động này có lẽ vẫn tồn tại mãi. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI