Cho trẻ quyền sai lầm

22/10/2019 - 15:07

PNO - Khi trẻ sai lầm, thất bại, cha mẹ có thể làm gì cho trẻ? Nhiều bậc cha mẹ sẽ chê bai, trách phạt… làm trẻ cảm thấy mình thật tệ.

Năm nay chị đã gần bốn mươi tuổi, chưa lập gia đình. Bạn bè rất quý mến chị vì bản tính hiền lành, dù chị khá nhút nhát, không thích khám phá, thử nghiệm cái mới.

Nhiều lần tâm sự, chị bảo đôi khi chị cũng cảm thấy cuộc sống của mình vô vị, nhưng chị quen với điều này rồi. Cha mẹ chị đều là giảng viên nên nghiêm khắc với chị từ nhỏ. Ngay cả khi lên đại học, chị chỉ được chơi với những người bạn mà cha mẹ cho phép, đi đâu cũng phải đúng thời gian quy định…

Cho tre quyen sai lam
Ảnh minh họa

Còn cô bạn đang học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì có sở thích nấu ăn, nhưng hễ vào bếp là bị mẹ rầy làm không đúng cách và không cho làm nữa. Cô bạn tiu nghỉu ra khỏi bếp và cứ tự hỏi: “Nếu mẹ cứ không cho phép mình làm chỉ vì mình làm sai hay vụng về, thì đến chừng nào mình mới làm đúng và khéo léo hơn?”.

Trong một hội thảo tại TP.HCM, diễn giả quốc tế về phát triển bản thân - Letchu - từng chia sẻ: “Quyền của trẻ là được sai lầm”. Nhiều cha mẹ sợ con trải nghiệm thất bại, đau khổ khi sai lầm. Nhưng ngẫm lại, chúng ta thật sự học được gì nếu cuộc đời chỉ toàn những thuận lợi, suôn sẻ, trong khi chính những sai lầm, thử thách đó mới dạy chúng ta trưởng thành hơn?

Thomas Edison đã phạm rất nhiều sai lầm trước khi cho ra đời dây tóc bóng đèn. Ông học hỏi từ chính sai lầm của mình. Nhà văn J.K. Rowling từng trải nghiệm đau khổ, bế tắc khi ly hôn, thất nghiệp, nhưng chính trở ngại, đau khổ ấy khiến bà quyết tâm mang bộ truyện Harry Potter đến nhà xuất bản thứ mười ba, sau khi bị mười hai nhà xuất bản từ chối. Để rồi Harry Potter trở thành một trong những tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới. Vì vậy, trẻ cũng có quyền được sai lầm, thậm chí là trải nghiệm đau khổ từ sai lầm của mình, để có thể cứng cáp và trưởng thành hơn. 

Tất nhiên đứa trẻ nào cũng cần được cha mẹ khuyên bảo, nhắc nhở, nhưng trẻ cũng cần được cho phép thử nghiệm những điều mới mẻ, được làm những việc nhà dù còn lóng ngóng, vụng về, để chúng có cơ hội học hỏi và làm tốt hơn.

Cho tre quyen sai lam
Ảnh minh họa

Trẻ cũng có thể tự mình chọn lựa những môn học mình yêu thích chứ không học theo ý cha mẹ. Những đứa trẻ có cha mẹ không quá bảo bọc, ngăn cấm… có thể tự lập hơn, tự mình đối diện với những trở ngại và sáng tạo hơn. 

Vì vậy, nên chăng cho phép trẻ thử nghiệm, chọn lựa, sai lầm và tự sửa sai? Vì sai lầm là quyền của trẻ. 

Khi trẻ sai lầm, thất bại, cha mẹ có thể làm gì cho trẻ? Nhiều bậc cha mẹ sẽ chê bai, trách phạt… làm trẻ cảm thấy mình thật tệ. David Hawskins từng công bố thang đo sóng năng lượng, ông đặt các cảm xúc trên thang đo từ 0 đến 1.000. Trong đó cảm giác có lỗi có mức sóng rất thấp: 30 và thấp nhất là xấu hổ: 20.

Ở những mức sóng rất thấp này, con người cảm nhận đau khổ, không thể sửa sai, không thể làm điều gì nữa cả. Nếu cha mẹ cho phép trẻ sai và động viên trẻ sửa sai, thì trẻ có thể học hỏi, vượt qua mặc cảm, tự ti để làm mọi việc tốt hơn và cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn. 

Phương Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI