edf40wrjww2tblPage:Content
Đây không phải lần đầu học sinh gặp nguy hiểm lúc tan trường. Lực lượng bảo vệ trường học không đủ sức quản tất cả học sinh nên giờ tan trường luôn là "thời điểm lý tưởng" cho kẻ xấu ra tay hành động, từ trấn lột, cướp xe, cướp tóc cho đến bắt cóc.
Ảnh: Phùng Huy
Giờ về: Ra vào trường thoải mái
Tại trường tiểu học Đại Thành (Q.11), trong lúc chờ phụ huynh đến đón, các em chạy giỡn trong sân trường, thỉnh thoảng lại chạy ra trước cổng trường đứng ngóng cha mẹ. Thậm chí, người lạ như chúng tôi có thể thoải mái đến bắt chuyện với các em.
Gần 12g, giữa cái nắng chói chang, nhiều học sinh (HS) của trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình) đứng trước cổng trường đợi phụ huynh. Đoạn đường này không có bóng cây, một nhóm HS tận dụng nhà chờ xe buýt để tránh nắng. Một nhóm khác lân la sang các quán hàng rong gần cổng trường để giết thời gian.
Nhiều bảo vệ trường học thừa nhận, giờ tan học, HS ồ ạt ra cổng trường trong cùng thời điểm. Mỗi ca trực bảo vệ chỉ có một-ba người vừa phải giữ cổng, an ninh, trông xe… không thể quán xuyến hết mọi thứ. Khi bảo vệ mở toang cổng, người ra người vào rất mất trật tự, đây cũng là thời điểm kẻ gian dễ dàng lợi dụng để vào lấy xe, trộm cướp vặt. Hàng trăm người ra vào cùng lúc, bảo vệ không tài nào phát hiện ra người lạ, vì HS không chỉ có một người đưa đón cố định. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT Q.3 cho biết, theo quy định của bậc mầm non, mỗi trường sẽ tổ chức trả trẻ dưới sân hoặc trên lớp nhưng phải trao tận tay phụ huynh. Ở bậc tiểu học, trẻ xếp hàng đi ra, phụ huynh đón ở cổng hoặc sân trường. Cháu nào chưa có phụ huynh đón thì giáo viên hoặc bảo mẫu tập hợp lại giữ, tuyệt đối không để cho HS một mình ra khỏi cổng trường.
Tuy quy định là vậy nhưng mỗi lớp có 40 HS, thậm chí số trẻ nhiều hơn, chỉ do một giáo viên hoặc bảo mẫu coi giữ, vừa trả trẻ vừa quan sát những HS hiếu động chạy nhảy quanh sân nên rất dễ xảy ra sơ suất. Quan sát tại các trường tiểu học, phụ huynh thường ngồi luôn trên xe đậu ở lòng lề đường rồi kêu con chạy ra, chứ không đón con tận sân trường như quy định. Bảo vệ, bảo mẫu cứ thế quen dần nên khi thấy bên ngoài phụ huynh ngoắc con, trẻ chạy ra khỏi cổng trường cũng là chuyện bình thường. Chính sự lỏng lẻo này rất dễ xảy ra sự cố bắt cóc, đi lạc. Mới đây, một HS lớp 2 ở Q.6 đã “thoát” ra khỏi cổng trường vào giờ tan học buổi trưa mà cả giáo viên, bảo vệ đều không hay biết, đến khi người nhà đi ngang mới phát hiện bé đang bơ vơ trước cổng trường.
Đối với HS bậc trung học, ngành giáo dục lẫn phụ huynh đều mặc định rằng các em có khả năng tự chăm sóc, tự bảo vệ nên thường mất cảnh giác. Cho nên, chuyện HS bị đón đường đánh hội đồng, trấn lột, cướp giật ở nhóm đối tượng này cũng đã xảy ra.
Bảo vệ trẻ trong khuôn viên trường
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: Hết giờ học là coi như giáo viên xong nhiệm vụ nhưng ngành có quy định phải trả trẻ hết, HS rời trường hết mới được đóng cổng trường. Dù là hết giờ nhưng khi HS chờ cha mẹ đến đón thì trường phải tạo điều kiện cho HS có chỗ chờ trong trường như thư viện, phòng truyền thống, vườn trường hoặc sân trường... Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thể cho trẻ một không gian an toàn sau giờ tan học. Ông Huy thừa nhận, vườn trường tạo môi trường học thân thiện nhưng cũng hạn chế, tùy thuộc điều kiện từng trường. Ở TP.HCM có nhiều trường còn không có sân chơi thì lấy đâu diện tích đủ rộng để làm vườn trường? Bên cạnh đó, nhiều trường vì ngại HS xả rác, phá hỏng đồ… nên thường cứ hết giờ học là đóng cửa lớp, cửa trường.
Mới đây, nhiều HS của trường THPT Nguyễn Hữu Thọ phản ánh các em phải đội nắng trưa đứng trước cổng trường để chờ giờ học chiều. Một số HS lớp 11 và 12 kể: Vì nhà xa nên sau giờ học sáng, các em ở lại trường để chờ buổi học chiều, từ 11g45 đến 13g khi đang ở trong trường thì được yêu cầu ra ngoài chờ tiết học buổi chiều. Theo lý giải của nhà trường thì đang cho các trường đại học mượn phòng thi nên không thể cho các em vào nghỉ trưa. Ngoài ra, khi nghỉ trưa, các em ăn uống, xả rác, rồi làm dơ nhà vệ sinh, có thể gây mất trật tự… nên em nào muốn ở lại trường nghỉ trưa phải đăng ký.
Trong khi đó, vì sự an toàn của HS, một số ít trường học đã thiết kế chỗ chờ lý tưởng. Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú) sắp xếp hẳn một khu nhà chờ dành cho HS ngay tại sảnh lớn. Nhà chờ rộng khoảng 40m2,
có ghế đá, cây xanh, có ti vi cho HS xem truyền hình, đọc sách báo trong lúc chờ cha mẹ đón. Cũng tại khu sảnh này, trường còn dành một phần không gian mở làm khu gym dành cho HS với khoảng hơn 10 bộ dụng cụ tập bụng, lưng, hông, tay, chân, xà đơn, bao cát. HS, đặc biệt là những em thừa cân, được khuyến khích đến vận động tại khu gym này. Ngoài ra, trường còn dựng các “nhà vườn” với sách truyện, cây xanh, cá cảnh, tranh và âm nhạc để HS thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Cô Trương Diệu Thừa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5) chia sẻ: "Sân trường nhỏ hẹp nên không thể làm gì quá to tát, chúng tôi cố gắng tạo mảng xanh nho nhỏ để HS có thể chơi đùa trong lúc đợi người nhà". Ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) có cách làm tiết kiệm nhưng rất hiệu quả. Trường tận dụng phòng trống để làm phòng chờ tuy không khang trang nhưng sạch sẽ, tinh tươm, có trang bị kệ sách truyện dành cho HS đọc để chờ bố mẹ đến đón. Giờ về chiều thì có ti vi chiếu phim cổ tích hoặc hoạt hình cho các em xem thay đổi không khí. Với những trường hợp phụ huynh đến đón quá muộn, các cô bảo mẫu sẽ bàn giao danh sách lại cho bảo vệ. Bảo vệ có nhiệm vụ giữ HS, ghi lại giờ về của những em này.
Từ những cách làm của một số trường cho thấy: việc tạo chỗ chờ cho HS không phải là khó, phụ thuộc vào sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải kết hợp với chính quyền địa phương bố trí dân phòng túc trực giờ tan trường; trang bị cho HS kiến thức không giao tiếp với người xa lạ để các em tự bảo vệ mình.
Tiêu Hà - Minh Nhật