edf40wrjww2tblPage:Content
Rất nhiều bệnh nhi cần được hiến tạng để cứu tính mạng - Ành: Phùng Huy
Nhiều bệnh chỉ phù hợp từ người cho là trẻ em
PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: kể từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện vào năm 1992, đến nay, cả nước chỉ mới thực hiện 1.200 ca ghép thận, 30 ca ghép gan, 10 ca ghép tim, một ca ghép tụy tạng. Số ca ghép tạng còn quá thấp so với nhu cầu hơn 8.000 ca suy thận mạn giai đoạn cuối cần ghép thận, 6.000 ca cần ghép giác mạc, 1.500 người cần được ghép gan và hàng trăm người cần được ghép tim, phổi, tụy…
Một người chết có thể cứu sống nhiều người khác nhờ việc hiến thận, gan, tim, phổi, tụy. Đã có hàng ngàn người hiến tạng, tuy nhiên, số trường hợp hiến tạng từ người cho chết não còn quá ít. Đến nay chỉ có 28 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não.
Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tạng quy định rõ: “Người đủ 18 tuổi trở lên, năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Do đó, những người dưới 18 tuổi nếu chết não, có cha mẹ bảo hộ cũng không được hiến tạng. Điều này gây khó khăn cho ngành ghép tạng.
“Nhiều trẻ mắc bệnh giai đoạn cuối chỉ có thể duy trì sự sống nếu được ghép những bộ phận cơ thể từ những người cùng lứa tuổi. Nhưng một em bé có thể hiến hai quả thận cứu sống một người trưởng thành, thay vì người bệnh chỉ cần ghép một quả thận của người trưởng thành. Luật phải sớm chỉnh sửa, bổ sung đối tượng hiến tạng vì kỹ thuật ghép tạng ngày càng tốt hơn và đang hướng tới việc ghép nhiều bộ phận khác.
Thậm chí, một em bé sinh ra không có não, sau vài giờ chào đời, tử vong, vẫn có thể hiến tạng” - GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu - thận học TP.HCM nói. Theo PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn BV Tim Tâm Đức TP.HCM, trẻ bị suy tim nặng hay mắc bệnh động mạch vành nặng buộc phải ghép tim mới duy trì sự sống. Tuy nhiên, bệnh nhi khó có thể ghép tim của người trưởng thành vì kích thước quá lớn, nhiều nguy cơ thất bại.
Không chỉ những trường hợp chết não, ngay cả trẻ dưới 18 tuổi còn sống cũng không được hiến máu cứu người thân trong gia đình. PGS-TS-BS Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết - Sinh học, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM chia sẻ: ghép tế bào gốc được lấy từ máu ngoại vi hay tủy xương là phương pháp duy nhất cho phép chữa khỏi một số lớn bệnh ác tính như: suy tủy, ung thư máu, Thalassemia cấp…
Trừ những bé may mắn có người nhà trên 18 tuổi phù hợp với hệ miễn dịch, số còn lại không được cấy ghép. Nguyên nhân, luật không cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng, dù thực tế đây chỉ là kỹ thuật lấy máu thông thường và an toàn.
Ngoài ra, ngay cả quy định về hiến máu nhân đạo cũng không cho phép người dưới 18 tuổi tham gia. Đây là khó khăn của ngành ghép tạng, do đó, nhiều trường hợp buộc phải tiến hành ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn. Tuy nhiên, ngân hàng máu cuống rốn lưu trữ quá ít mẫu, nên khó tìm mẫu phù hợp. Nếu cấy ghép không kịp thời, bỏ qua thời gian vàng, bệnh nhân dễ tử vong.
Một ca ghép thận tại BV Nhân dân 115
Cần xem xét bổ sung quy định hiến tạng
GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh cho rằng: Luật hiện nay chỉ mới phù hợp với người hiến tạng còn sống vì họ đủ tuổi quyết định hiến tạng. Thực tế, những nhà làm luật chưa hình dung hết những tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng của thế giới, do đó luật chỉ mới “khoanh vùng” những vấn đề căn bản trong ghép tạng.
Ở các nước, nếu gặp tình huống người dưới 18 tuổi chết não do tai nạn giao thông, bệnh lý thì việc hiến nội tạng cho y học phải có người bảo hộ, cụ thể là cha hoặc mẹ có quyền quyết định hiến tạng, nhằm tránh tình trạng buôn bán nội tạng. Mặt khác, người dưới 18 tuổi khi còn sống cũng không có quyền được đăng ký hiến tạng, do đó nếu họ tử vong đột ngột thì cha mẹ được quyết định thay cho con. Bên cạnh đó, so với thế giới, việc xác định một người đã chết não ở Việt Nam có sự khác biệt.
Cụ thể, thế giới không cần đo điện não, nhưng ở Việt Nam thì phải thực hiện. Hội đồng xác định một ca chết não phải có ba thành viên không phải trong hội đồng ghép tạng, trong đó có một bác sĩ pháp y; trong khi các nước chỉ cần hai bác sĩ.
PGS-TS-BS Trần Văn Bình cho rằng: bệnh nhân mắc bệnh lý ác tính về máu có 25% cơ hội tìm được người trong gia đình với hệ miễn dịch phù hợp để truyền máu. Nhưng hiện nay, các gia đình đều có ít con nên cơ hội tìm người phù hợp sẽ khó khăn và càng khó hơn nếu người cho dưới 18 tuổi. Vì vậy, luật cần được xem xét để bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh nguồn nội tạng của người chết não dưới 18 tuổi, GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh cho rằng, nên có chính sách khuyến khích người bị tai nạn giao thông hiến tạng. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong do tai nạn giao thông và chỉ cần 1/10 nạn nhân hiến tạng sẽ cứu sống cho số bệnh nhân đang cần ghép tạng. Hiện nay, mỗi năm cả nước chỉ thu nhận một - hai ca tai nạn giao thông chịu hiến nội tạng cứu người.
Một khảo sát mới đây của BV Chợ Rẫy thực hiện trên 1.000 người với nhiều ngành nghề khác nhau cho thấy, 92% người trả lời việc hiến thận sẽ dễ dàng hơn nếu được bàn bạc trước với người thân và 85% người nghĩ sẽ có lúc họ cần nguồn nội tạng từ người khác.
VĂN THANH