Cho trẻ đi học lúc nào để đảm bảo sức khỏe?

07/10/2017 - 09:00

PNO - Năm học mới đã bắt đầu, nhưng nhiều phụ huynh có con nhỏ dù rất muốn cho con đến trường lại lo “con đi học sớm có dễ bị bệnh?”.

Có những phụ huynh, con mới đi học vài hôm là đã cho nghỉ, rồi “nhá” đi học vài ngày thì nghỉ tiếp vì xót con bệnh. Như vậy, cho con đi học vào tuổi nào là hợp lý và bảo đảm sức khỏe của con?

Con bệnh, mẹ phát hoảng 

Có rất nhiều trường hợp, con bắt đầu đi học thì người bị khủng hoảng tâm lý lại là mẹ chứ không phải con. Một bà mẹ có nick “Mẹ Bubu” tâm sự trên diễn đàn web trẻ thơ: “Em đang rất stress, không biết phải làm thế nào. Con em 25 tháng, đã đi nhà trẻ được năm ngày. Trước đó em đã cho con “tập” đi học được một tuần; nhưng khi vào học chính thức con vẫn túm chặt tay mẹ nước mắt ràn rụa, ngày nào mẹ con chia tay ở lớp cũng đầy nước mắt.

Tối về thì con mè nheo, đòi đi ngủ từ 7g không chịu  ăn uống, lại còn ho, sổ mũi triền miên. Cứ được ở nhà thì con rất ngoan nhưng đi học là dằn dỗi và bệnh liên tục. Giờ em ko biết có nên cho con tiếp tục đi học nữa không. Nhưng nếu con ở nhà thì không ai trông…”. Nhiều bà mẹ đã “nhảy vào” chia sẻ, nhưng ai cũng “bán than” vì đồng cảnh ngộ, chứ chẳng đóng góp được giải pháp nào. 

Cho tre di hoc luc nao de dam bao suc khoe?
Trẻ bị bệnh là nỗi lo thường trực của phụ huynh khi con lần đầu đi học


Thực tế, việc cho con đi học lúc nào là vấn đề thường khiến nhiều cặp vợ chồng tranh cãi. Chị Kim Trang, kế toán một công ty điện máy ở Q.Tân Phú, cho biết, chồng chị muốn cho con đi học sớm để con cứng cáp, tự tin; ở nhà thì cũng không có người trông. Tuy nhiên, chị lại lo con không thích người lạ, con hay đổ mồ hôi không có ai lau, con ngủ hay tung mền không ai đắp lại, sợ con không dám đi vệ sinh, ăn không no…

Vì vậy, chị cố trì hoãn, đợi cho con “lớn thêm chút nữa”: “mình chờ con 30 tháng tuổi mới cho đi học để đỡ bệnh; nhưng chỉ mới được một tuần con đã bị sốt virus, phải nghỉ học hai tuần. Con bình phục, lại dụ con đi học tiếp, ba ngày sau là bị tay chân miệng, nghỉ học luôn một tháng. Đi tiếp lần thứ ba, chỉ được bốn ngày thì con bị rối loạn tiêu hóa phải vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 nằm một tuần. Giờ con mình đang ở nhà, không chịu đi học. Nội ngoại đều ở xa, lại già yếu nên mình phải tạm xin nghỉ không lương một tháng để trông con. Nghĩ đến việc cho con đi học là mình thật sự phát hoảng, nhưng để con ở nhà chắc đói nhăn răng…”.

Tuổi nào đi nhà trẻ là hợp lý?

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, không có mốc thời gian cụ thể trong việc cho trẻ đến trường, vì tùy hoàn cảnh từng gia đình, tùy nhận biết của mỗi trẻ và quan trọng nhất là khả năng hòa nhập của trẻ. Ví dụ như đi học sớm (trước 18 tháng) trẻ rất dễ bệnh vặt vì mới bước chân “ra giang hồ”, nhưng đi học trễ (sau 2-3 tuổi) trẻ lại khó hòa nhập và có thể chậm nói. 

Do đó, điều quan trọng không phải là mốc thời gian mà phụ huynh phải biết chuẩn bị tâm lý và trang bị cho con một số kỹ năng để đi nhà trẻ. Cụ thể là tập cho con quen với giờ ngủ như ở trường, tập giờ đi vệ sinh, cầm muỗng tự múc ăn, tập ăn thức ăn đặc như ở trường, tự thay đồ, giải thích cho con hiểu vì sao nên đi nhà trẻ, nếu đi con sẽ nhận được những gì... Đồng thời, nên cho con làm quen môi trường mới trước khi vào học thật, để con không bị bỡ ngỡ.

Cho tre di hoc luc nao de dam bao suc khoe?
Ảnh minh họa Internet

Tăng cường sức khỏe và chuẩn bị tâm lý cho con

Có một nỗi lo chung ở nhiều phụ huynh lần đầu cho con đi nhà trẻ, mẫu giáo là tại sao đi học thì con lại sinh ra đủ bệnh vặt, trong khi ở nhà lại khỏe mạnh? Có phải do môi trường con học không sạch sẽ, có nhiều mầm bệnh?

Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyện trẻ hay bị bệnh khi mới đi nhà trẻ là rất bình thường, do sức đề kháng của trẻ kém, nên trung bình trẻ sẽ mắc bệnh khoảng 7-8 lần/năm, chỉ là các bệnh thông thường như cảm lạnh, ho, sổ mũi, sốt… Mức độ bệnh sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.

Trường học đông người, mỗi trẻ đều có thể mang một hay nhiều mầm bệnh nhưng lại không thể và không biết cách phòng vệ, giữ vệ sinh cho mình và người khác. Một cái hắt hơi của trẻ đang bệnh có thể lây bệnh ngay cho nhiều trẻ khác. Vì vậy, những bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ… lây lan rất mạnh ở môi trường học đường, đặc biệt là ở khối mầm non.

Muốn trẻ không bị bệnh khi đi học là việc rất khó, chỉ có thể giúp trẻ phòng tránh và hạn chế bệnh bằng những cách: tiếp tục cho trẻ bú mẹ để duy trì lượng kháng thể mẹ cho con; chích ngừa đủ; trẻ đi học về là thay ngay quần áo; nhỏ mũi, làm bấc sâu kèn lấy mũi đọng cả ngày ở lớp; trẻ lớn thì cho ăn nhiều thực phẩm giúp tăng đề kháng như nước cam, chanh, yaourt… Ngoài ra, hỗ trợ tinh thần để con thích nghi và hứng thú với việc đi học cũng giúp con đỡ bệnh hơn.

Những dấu hiệu cụ thể cho thấy con bạn có vấn đề khi đi nhà trẻ là: 
- Trẻ có biểu hiện thoái lùi, ví dụ như trước đây trẻ biết ra dấu khi có nhu cầu đi vệ sinh, nhưng giờ lại đi ngay ra quần; hoặc trước đây trẻ nói được nhiều từ, nhưng giờ im lặng hoặc nói rất ít.
- Trẻ thu mình lại, không muốn tiếp xúc với người khác, chỉ chơi một mình.
- Trẻ bám riết vào cô giáo.
- Trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và lúc nào cũng tỏ ra buồn bã.
- Đêm trẻ ngủ không tốt, hay quấy khóc, giật mình, có ác mộng.
- Trẻ có vẻ mệt mỏi vào 
cuối ngày.
- Trẻ bị chàm, đau họng 
thường xuyên.
- Sáng nào đi học trẻ cũng khóc.
- Cô giáo lo ngại cho sức khỏe của trẻ.

Khi trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh phải vừa trấn an con, vừa trao đổi với cô giáo để tìm giải pháp và nên xem lại camera để biết một ngày ở trường con diễn ra như thế nào, điều gì đã khiến con không vui… Từ đó, có thể tìm cách khắc phục hoặc tìm môi trường khác phù hợp hơn với con.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI