Cho tôi sống lại một ngày

01/01/2023 - 19:39

PNO - “Sẽ ra sao nếu bạn có thể lấy lại một ngày trong dĩ vãng?” - lời gợi mở lửng lơ của nhân vật chính trong cuốn truyện "Một ngày sau cuối" đã để lại nhiều bâng khuâng nơi người đọc.

Charley bước vào độ tuổi trung niên, sa lầy trong những cơn nghiện rượu, gia đình tan vỡ, người thân tuyệt giao. Trong cơn tuyệt vọng, anh liều lĩnh tự sát và điều kỳ lạ xuất hiện. Anh trở về dĩ vãng, gặp lại người mẹ thân yêu đã qua đời. Trong bộ dạng tả tơi, sầu não, anh lại được mẹ chăm lo những bữa ăn, ân cần hỏi han. Anh theo chân bà đến làm đẹp cho 3 phụ nữ chuẩn bị đi về cõi chết. Sống trong một không gian đầy ký ức, Charley mới vỡ ra những nỗi niềm của mẹ. Anh nhận ra phía sau hình ảnh người mẹ luôn “yêu con mỗi ngày” là một bãi hoang tàn, một tâm hồn hoang vu theo năm tháng. 

Anh chỉ biết hình ảnh mẹ với đúng âm thanh gọi mẹ, kèm theo đó là hàng trăm ngàn đòi hỏi, yêu cầu. Còn một nữ y tá, nhân viên làm đẹp, người giúp việc Posey bị chồng bỏ rơi và sống chật vật trong một xã hội đầy định kiến với việc ly hôn thì anh chẳng hề nhớ đến. Trong khoảng thời gian ân huệ diệu kỳ, anh sống lại khoảnh khắc tuổi thơ, khi mẹ hỏi: “Điều gì tạo ra tiếng vọng?”. Lúc trẻ thơ, anh chỉ trả lời câu hỏi ấy bằng những lý thuyết từ sách giáo khoa như thể đó chỉ là một tiếng động, một âm thanh ồn ã. Vậy nhưng khi ở đây lần nữa với mẹ, Charley đáp lại câu hỏi đó bằng chính tiếng vọng thiêng liêng của tình mẫu tử bất diệt, vượt qua cả những hữu hạn không - thời gian.

Với cách kể chuyện phi tuyến tính, tác giả Mitch Albom vừa sắp đặt những nút thắt cuốn hút người đọc vừa gieo những nhạc điệu buồn đầy rung cảm về tình gia đình. Đâu là thứ xây đắp niềm hạnh phúc của một đời người? Hãy tha thứ không phải cho người gây ra nỗi đau mà cho chính mình để được thanh thản bước tiếp là lời nhắn nhủ từ người tình bí ẩn của cha Charley. “Con cần giữ mọi người ở bên. Con cần cho họ lối vào trái tim con” chính là lời mẹ anh vang vọng trong phút chia ly.

Ở tác phẩm này, Mitch Albom mang đến một câu chuyện “nhẹ đô” hơn. Dù vẫn còn những nét suy tư sâu sắc đặc trưng, Một ngày sau cuối (Nhà xuất bản Kim Đồng) vẫn có cảm giác dễ gần, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Pha một chút phong cách kỳ ảo bí ẩn cùng nhiều tình cảm yêu thương, Một ngày sau cuối trở thành một trong những tác phẩm đáng đọc cho những hành trình chữa lành vết thương gia đình. Những đứa trẻ trưởng thành, đã bước vào đời sống quay cuồng, nay đọc sách như một cách để quay về.

Hãy đọc, hãy nghe tiếng vọng của lòng mình vang lên từ những con chữ của Một ngày sau cuối.

“… Luôn có một câu chuyện đằng sau tất thảy. Sao bức tranh được treo lên tường?... Đôi khi những câu chuyện ấy rất đơn giản, đôi khi chúng lại tàn nhẫn và đau lòng. Nhưng đằng sau mọi câu chuyện của con luôn là câu chuyện của mẹ con, bởi bà chính là khởi đầu của con”.

“… Hẳn bạn sẽ biết rằng, tuy cuộc đời còn ngày rộng tháng dài, nhưng tất thảy đều không sánh bằng một ngày đã xa mà bạn hằng mong có lại”.

“Một đứa trẻ cảm thấy xấu hổ vì mẹ nó, đơn giản chỉ là một đứa trẻ sống chưa đủ lâu” - (trích Một ngày sau cuối). 

Phạm Đoàn Phú

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI