Cho tôi được yếu đuối một chút

05/07/2024 - 06:09

PNO - Đàn ông được mặc định là “phái mạnh”, nhưng phái mạnh cũng ngổn ngang trăm mối...

Trong bộ truyện tranh Doraemon của Fujiko Fujio, có một tập truyện kể rằng cậu bé Nobita rất ngạc nhiên thấy ba của mình - ông Nobi - cáu bẳn, giận dữ hơn hẳn ngày thường. Cậu đã nhờ cỗ máy thời gian của Doraemon tìm về quá khứ để “méc” với bà nội.

Trong ký ức của Nobita, nếu có ai sẵn sàng bênh vực và yêu thương cậu một cách vô điều kiện thì đó chính là bà nội. Khi Nobita đưa bà về thời hiện tại để gặp ông Nobi - con trai bà thì ông Nobi bỗng òa lên khóc và dụi đầu vào lòng bà. Ông kể mình gặp nhiều áp lực ở công ty lắm, người sếp lại thường cô lập, ức hiếp ông. Lòng ông ngổn ngang và chỉ chờ có một người để ông có thể trút hết những ẩn ức.

Bà nội của Nobita - mẹ của ông Nobi, hiền từ xoa đầu và ngồi lắng nghe hết những tủi hờn của con trai. Ông Nobi sau khi trút hết nỗi lòng, lại trở nên lạc quan, vui vẻ, lại trở về với hình tượng là người ba hiền lành như Nobita luôn thấy.

Người đàn ông - trụ cột của gia đình - đôi khi cũng có những phút giây yếu đuối cần được sẻ chia - ẢNH: VIỄN ĐÔNG
Người đàn ông - trụ cột của gia đình - đôi khi cũng có những phút giây yếu đuối cần được sẻ chia - Ảnh: Viễn Đông

Câu chuyện của ông Nobi đặt trong bối cảnh xã hội Nhật từ mấy mươi năm trước, nhưng hẳn những người cha, người đàn ông ở bất kỳ không gian hay thời gian nào cũng dễ dàng thấy sự đồng cảm. Đàn ông được mặc định là “phái mạnh”, nhưng phái mạnh cũng ngổn ngang trăm mối và mỗi khi yếu lòng, họ không cần những câu khích lệ sáo rỗng như “mạnh mẽ lên”, “cố gắng lên”, “chỉ là ít chuyện vặt”… Những điều đó, họ đã tự nói với mình mỗi ngày đến dư thừa. Cái họ cần, có khi chỉ là một người hiền từ ngồi lắng nghe, như bà của Nobita ngồi nghe ông Nobi, kể từ chuyện ông đi học bị bạn bè bắt nạt, đến khi ông lập gia đình, đi làm ở công sở bị ức hiếp…

Thật đáng tiếc khi không phải gã đàn ông nào trên đời này cũng tìm được một người ngồi lắng nghe họ một cách đầy cảm thông và yêu thương như vậy.

Tôi vẫn nhớ những năm 1990, ở làng quê nghèo khó, ba tôi có một khoảng thời gian thất nghiệp. Nhưng cái sĩ của người thợ cả khiến ông không thể hạ mình đi làm cho những người mới trước đó là lính của mình. Ba chỉ quanh quẩn với cơm nước, củi lửa trong vài tháng trời. Gia đình 4-5 miệng ăn trở thành gánh nặng đôi khi ngoài sức gồng gánh của mẹ.

Và mẹ, theo những cách rất bản năng, trút mọi mệt mỏi, thất vọng về người chồng lên đứa con trai đang lớn - một thằng nhóc ăn chưa no, lo chưa tới, suy nghĩ chưa thấu đáo, chỉ biết là thương mẹ nó vất vả quá. Đứa con ấy bỗng phát sinh sự giận dữ với ba của mình và trong một lần bộc phát, đã nói ra những lời đầy sát thương với ba nó.

Nó không thể biết những lời lẽ cay độc đó đã khiến ba mình đau đớn và sụp đổ đến dường nào. Nhưng chính nó, một vết xước vì những lời dại dột năm xưa cũng đã dai dẳng đeo bám nó suốt cả chục năm sau, kể cả khi nó đã là một người ba của 2 đứa trẻ.

Nó về quê, đôi khi nhìn ba nó già yếu và lòng lại quặn đau vì câu chuyện đã xưa cũ. Nó ước gì ngày đó, mẹ nó đã có những cách tiếp cận thấu đáo và sẻ chia với ba hơn. Nó ước gì nó chưa từng nói ra những lời cay đắng còn hơn ngàn vạn mũi tên tẩm độc đó, nhưng nó chẳng hề có cỗ máy thời gian nào.

Bạn tôi làm công việc tự do, thu nhập đảm bảo cho gia đình của riêng bạn, giúp đỡ ba mẹ 2 bên. Người vợ mà bạn chọn: xinh xắn, vô tư, hay cười, trẻ hơn bạn đến hơn một con giáp và không phải đi làm, điện thoại iPhone đời mới nào cũng được chồng mua cho. Xe hơi, nhà cửa bạn cũng không để vợ con thiệt thòi. Một viên chức quèn lãnh lương tháng nào xào tháng ấy như tôi tất nhiên ngưỡng mộ bạn vì sự giỏi giang, bản lĩnh ấy.

Nhưng bẵng đi vài năm, khi gặp lại, tôi ngạc nhiên khi trước mặt mình, bạn tôi tóc bạc sắp nhiều hơn tóc đen, dù chưa đến 40 tuổi, thần sắc tiều tụy. Sau một chầu bia túy lúy, bạn trút nỗi lòng: có vợ trẻ không đi làm cũng không sao, bạn đủ sức lo kinh tế cho cả nhà. Nhưng bạn ước gì bạn được sẻ chia nhiều hơn, từ những việc nhỏ xíu. 2 đứa con cũng bạn chở đi học, vì vợ bạn không biết chạy xe, cũng không muốn đi học.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ bạn đi đâu bạn cũng chở. Công việc của bạn phải thức khuya, “cày” đêm, nhưng ban ngày bạn cũng phải chu toàn mọi trách nhiệm khác và không có thời gian ngủ nghỉ. Kể cả chuyện sinh hoạt vợ chồng, bạn kể giá như vợ có thể hiểu mình hơn. Bạn yêu vợ thật nhiều và không bao giờ từ chối vợ, nhưng khoảng cách tuổi tác đôi khi khó bù đắp.

Bạn cố gắng là vậy, nhưng vợ bạn, dù làm mẹ của 2 đứa con, vẫn sống vô tư như những ngày son rỗi, đôi ba bữa lại giận hờn rồi bồng con về ngoại tận Cà Mau. Tôi cười an ủi: “Ngày ấy, bạn cũng yêu vợ vì cái tính trẻ con, vô tư ấy còn gì”. Bạn cười, cảm thán: “Cứ như thể tao có 3 đứa con, chẳng biết gồng nổi đến khi nào”.

Chia tay bạn, tôi cứ thầm nghĩ, giá như bạn tôi tìm được cách nào đó để vợ bạn lắng nghe hơn. Nghĩ đến mình ngày ấy, giá như tôi và mẹ thấu hiểu ba hơn. Giá như có ai đó lắng nghe những muộn phiền của bọn đàn ông chúng tôi thì tốt biết mấy. Chúng tôi không phải là siêu nhân. Thi thoảng, xin các bà, các cô hãy cho chúng tôi được yếu đuối, dù chỉ một chút thôi.

Viễn Đông

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh