Chờ thủy sản vang danh

12/12/2022 - 07:02

PNO - Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, lễ hội cá tra Việt Nam sẽ diễn ra ở TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp từ ngày 16 - 17/12 trong bối cảnh con cá tra cùng con tôm đang góp phần đưa ngành thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung đạt những thành tựu lớn.

 Ngành thủy sản đang đứng trước cơ hội tạo ra bước chuyển căn bản, nâng tầm từ đánh bắt tự nhiên sang đánh bắt có trách nhiệm và chủ động nuôi trồng, chế biến, tạo ra giá trị mới với các phân khúc giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Đến nay, con cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã “bơi” ra 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, có lúc chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu, đưa Việt Nam lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra. Ngành kinh tế cá tra có lúc đóng góp khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo việc làm cho hàng triệu người.

Ngư dân, người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam buộc phải hành động để thích ứng với sân chơi và luật chơi hội nhập ngày càng khắt khe
Ngư dân, người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam buộc phải hành động để thích ứng với sân chơi và luật chơi hội nhập ngày càng khắt khe

Nhưng, sau ánh hào quang, vẫn còn cảnh khốn đốn của nhiều người nuôi trồng và doanh nghiệp. Như tình trạng thua lỗ khi giá thị trường xuống thấp, tình trạng thiếu vốn, nợ dây chuyền… Vẫn còn doanh nghiệp, người nuôi trồng bất chấp chất lượng sản phẩm và quy định luật pháp của thị trường nhập khẩu, gây ra hậu quả nặng nề.

Cùng với cá tra, con tôm Việt cũng “bơi” đến hơn 100 thị trường, lấn sân ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành cụm nhà máy chế biến thủy sản có công nghệ hiện đại và thị trường tiêu thụ tốt. Một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia, vươn tầm quốc tế đã đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước xuất khẩu hàng đầu, chiếm 15% thị phần xuất khẩu các sản phẩm tôm trên thế giới.

Việt Nam cũng đứng đầu về phân khúc tôm chế biến, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu trên thế giới. Năm 2021, bất chấp các khó khăn do đại dịch, con tôm đã vượt sóng, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3,8 tỉ USD. Năm 2022, xuất khẩu tôm tiếp tục thắng lớn với kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỉ USD.

Kết quả khả quan là vậy, song, thế giới tiêu dùng đang chuyển đổi theo các cấp độ cao hơn, từ ăn no sang ăn ngon, ăn sạch, an toàn, đòi hỏi quy trình nuôi trồng, chế biến, vận chuyển phải có trách nhiệm. Các công nghệ mã vạch, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, áp dụng thẻ vàng, thẻ đỏ về khai thác thủy sản có trách nhiệm buộc nhà thương mại phải chứng minh nguồn gốc minh bạch của thủy sản. 

Ngư dân, người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam buộc phải hành động để thích ứng với sân chơi và luật chơi hội nhập ngày càng khắt khe. Đã đến lúc không thể mạnh ai nấy làm mà phải liên kết để tạo ra những giá trị bền vững hơn. 

Không chỉ hướng đến xuất khẩu tăng mà cần phải chuyên nghiệp hơn trong quy hoạch vùng chuyên canh, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, chế biến an toàn, đảm bảo quyền lợi các bên, cần phải chuyên nghiệp hơn trong đăng ký thương hiệu, bảo vệ bản quyền… 

Trên thực tế, dư địa gia tăng giá trị thủy sản còn nhiều, không chỉ nằm ở công đoạn nuôi, chế biến và xuất khẩu mà còn cả phân khúc thức ăn chăn nuôi… 

Nhìn ở góc độ gia tăng giá trị, còn nhiều sản phẩm mới từ nguyên, phụ liệu thủy sản như collagen, dược phẩm, thuốc dẫn dụ thủy sản, cùng nhiều sản phẩm khác có thể tạo ra hàng tỉ USD đang bị bỏ phí… Các dịch vụ hậu cần (logistics), thương mại điện tử, ứng dụng số cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị cho ngành thủy sản. 

Để thực hiện những yêu cầu trên, cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành chứ không phải chỉ riêng ngành thủy sản.

Hơn cả giấc mơ trở thành “công xưởng nuôi tôm thế giới” và tiếp tục khẳng định vị thế “thủ phủ cá tra toàn cầu”, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải được đầu tư bài bản để thực sự trở thành “trung tâm sinh thái nuôi trồng thủy sản” phát triển bền vững cùng với sự hình thành các thương hiệu thủy sản vang danh thế giới. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI